Xử lý phương tiện giao thông đường bộ vi phạm hành chính

08:33, 22/02/2019

Thời gian qua, số lượng phương tiện giao thông đường bộ bị tạm giữ do vi phạm hành chính và tình trạng quá tải của các bãi trông giữ phương tiện vi phạm tại các địa phương ngày càng tăng lên, để kéo dài nhiều năm nay, chậm được xử lý, gây lãng phí lớn đối với tài sản của xã hội.

 

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tập trung chỉ đạo, có biện pháp giải quyết dứt điểm theo quy định của pháp luật. Ngày 25-6-2018, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 5967/VPCP-PL thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, trong đó giao Bộ Tư pháp thành lập đoàn công tác liên ngành, bao gồm lãnh đạo các đơn vị chức năng có liên quan của các Bộ: Tư pháp, Giao thông vận tải, Công an, Tài chính, Văn phòng Chính phủ tìm hiểu thực tế, trực tiếp đôn đốc, kiểm tra, nắm tình hình và kết quả thực hiện cụ thể tại các địa phương.

Thực hiện chỉ đạo, Bộ Tư pháp có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư chỉ đạo các lực lượng chức năng khẩn trương triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao. Bộ trưởng Tư pháp đã thành lập đoàn công tác liên ngành kiểm tra, nắm bắt tình hình và kết quả thực hiện công tác xử lý phương tiện giao thông đường bộ vi phạm hành chính tại một số địa phương. Trên cơ sở tổng hợp báo cáo của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư và kết quả kiểm tra trực tiếp tại một số địa phương, giữa tháng 11-2018, Bộ Tư pháp đã có Báo cáo số 267/BC-BTP gửi Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, tính đến hết tháng 8-2018, tổng số phương tiện đang được quản lý tại các điểm trông giữ phương tiện vi phạm trong cả nước là 252.671 phương tiện, trong đó có 212.242 phương tiện quá thời hạn tạm giữ. Số phương tiện quá thời hạn tạm giữ đủ điều kiện để trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý và sử dụng hợp pháp là hơn 44 nghìn phương tiện; quá thời hạn tạm giữ bị tịch thu sung công quỹ là gần 91.500 phương tiện. Hiện nay còn gần 75 nghìn phương tiện quá thời hạn tạm giữ bị tồn đọng tại các điểm trông giữ, chưa được xử lý. Ðồng thời, báo cáo cũng phân tích những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện, đưa ra đề xuất, kiến nghị liên quan công tác chỉ đạo tổ chức thực hiện, nhất là việc hoàn thiện nhiều quy định có liên quan của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 115/2013/NÐ-CP, Nghị định số 46/2016/NÐ-CP, Thông tư số 02/2016/TT-BCA của Bộ Công an...

Hiện nay, Bộ Tư pháp đang tiếp tục phối hợp các bộ, ngành liên quan để nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.