Thời gian qua, một số địa phương trên địa bàn tỉnh xuất hiện tình trạng khai thác đất trái phép... Nguyên nhân là do nhu cầu sử dụng đất san lấp hiện nay lớn, trong khi các mỏ đất được cấp phép khai thác rất ít. Bất cập này cần sớm có giải pháp khắc phục để phù hợp với thực tế phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Vừa qua, các cơ quan báo chí đã phản ánh tình trạng khai thác đất trái phép diễn ra khá phổ biến ở một số xã trên địa bàn huyện Phú Bình, như: Úc Kỳ, Nga My, Điềm Thụy, Xuân Phương... Ông Dương Ngọc Tuyên, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Bình khẳng định: Sau khi có thông tin phản ánh về tình trạng khai thác đất trái phép ở Phú Bình, UBND huyện đã chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với chính quyền các địa phương ngăn chặn xử lý. Qua đó đã có nhiều trường hợp bị xử phạt, trong đó có trường hợp bị xử phạt ở mức 25 triệu đồng.
Mặc dù, tình trạng khai thác đất trái phép không diễn ra ngang nhiên như trước, nhưng vẫn còn. Các đối tượng thường lợi dụng ngày nghỉ và đêm tối để khai thác đất trái phép... Để xảy ra tình trạng trên, một phần nguyên nhân do chính quyền quản lý chưa tốt. Cùng với đó, thời gian qua, trên địa bàn có hơn chục dự án đầu tư, như: Khu Công nghiệp Điềm Thụy, tuyến đường Vành đai V (đoạn đi qua huyện) nên nhu cầu sử dụng đất san lấp lớn. Trong khi đó trên địa bàn huyện Phú Bình và khu vực lân cận không có mỏ đất nào được cấp phép khai thác nên các đối tượng luôn tìm cách khai thác đất trái phép để bán.
Để giải quyết bài toán trên, huyện đã quy hoạch 25 điểm mỏ với diện tích hơn 100ha, nhưng do thủ tục pháp lý phức tạp nên đến đầu tháng Ba vừa qua mới có 2 đơn vị được cấp phép khai thác mỏ đất tại xóm Ngoài, xóm Giữa (xã Xuân Phương); xóm Nhi Kha (xã Kha Sơn) và mỏ đất núi Lầm, núi Hiếu (xã Điềm Thụy). Tuy nhiên, để hoàn thành các thủ tục và chính thức được khai thác thì còn phải mất thêm một thời gian nữa...
Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi được biết trên địa bàn tỉnh mới có 3 mỏ đất được cấp phép gồm: Mỏ đất núi Choẹt xã Minh Đức, T.X Phổ Yên (được cấp phép khai thác từ năm 2017) và 2 mỏ ở huyện Phú Bình (được cấp phép từ đầu tháng 3-2019). Còn lại, những địa phương khác trong tỉnh đều chưa được cấp phép khai thác mỏ đất. Điều này đã gây không ít khó khăn trong thực hiện xây dựng các công trình, dự án ở các địa phương bởi thiếu nguồn vật liệu san lấp.
Bà An Thị Hương, Trưởng Phòng Tài Nguyên và Môi trường huyện Đồng Hỷ cho biết: Do nhiều thủ tục và mất nhiều thời gian (hơn 1 năm) từ quy hoạch, thẩm định, đánh giá, đấu giá... đến nay, huyện vẫn chưa có mỏ nào được cấp phép nên một số dự án bị chậm tiến độ. Huyện đã quy hoạch mỏ đất ở các xã: Hóa Thượng, Hóa Trung và hiện có doanh nghiệp đang đề nghị tỉnh cấp phép. Nhu cầu sử dụng vật liệu san lấp của huyện hàng năm lên tới hàng vạn mét khối nên địa phương mong muốn sớm được cấp phép mỏ khai thác đất để thuận lợi cho việc thực hiện các dự án... Còn ông Phạm Việt Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai thì chia sẻ: Theo Luật Khoáng sản, đơn vị thi công được sử dụng đất ngay tại khu vực dự án đang triển khai dùng để san lấp, nhưng cũng chỉ đáp ứng được phần nhỏ so với nhu cầu thực tế. Hiện nay, việc cấp mỏ khai thác đất được thực hiện như cấp phép khai thác khoáng sản kim loại quý nên ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thực hiện các dự án trong phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, địa phương rất mong muốn cấp có thẩm quyền giảm bớt thủ tục trong việc cấp phép khai thác mỏ đất...
Hiện nay, nhu cầu thực tế sử dụng đất để san lấp trên địa bàn tỉnh lên đến hàng triệu mét khối, nhưng tổng công suất khai thác của 3 mỏ được cấp phép trên địa bàn mới đạt hơn 800.000m3 nên nguồn vật liệu này đang rất thiếu. Nếu chỉ có 3 mỏ đất hiện nay được cấp phép thì những dự án được thực hiện ở các địa phương khác cũng khó có thể đến đây mua, bởi khoảng cách quá xa sẽ làm tăng chi phí đầu tư...
Trước những khó khăn trên, Sở Tài Nguyên và Môi trường và Sở Xây dựng đã kiến nghị lên Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh xem xét để giảm bớt quy trình, thủ tục, thời gian cấp phép khai thác mỏ đất, bởi đây là vật liệu thông thường, nhu cầu sử dụng lớn. Khi có mỏ đất được cấp phép sẽ tạo thuận lợi cho chính quyền địa phương quản lý tốt hơn, tránh thất thu ngân sách...