Đó là một trong các nhận định của chuyên gia pháp lý khi bàn về đề xuất gây nhiều tranh cãi mà Bộ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể đưa ra gần đây.
Cụ thể, tại phiên giải trình về tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm an toàn giao thông đường bộ, đường sắt do Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức mới đây, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể khi nói về những bất cập trong cấp phép lái xe hiện nay đã đề xuất phương án: “Tất cả những người mất bằng lái xe phải thi lại để tránh tình trạng lợi dụng việc này xin thêm bằng thứ 2, thậm chí bằng thứ 3".
Bàn về đề xuất này, Luật sư Lê Lưu Phú, Văn phòng Luật sư Long Tâm (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho biết:
Thứ nhất, việc đề xuất mất bằng lái xe phải thi lại của Bộ GTVT không có căn cứ, hoặc nói cách khác có dấu hiệu mâu thuẫn với các quy định pháp luật hiện hành trong đó có cả các thông tư của chính Bộ này.
Cụ thể, điều 36, Thông tư 12/2017/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải về việc cấp lại giấy phép lái xe cho thấy: Người có giấy phép lái xe bị mất, còn thời hạn sử dụng hoặc quá thời hạn sử dụng dưới 3 tháng, được xét cấp lại giấy phép lái xe.
Hiện nay, để được cấp giấy phép lái xe, người dân cần phải trải qua quá trình sát hạch về lý thuyết và thực hành. Ngoài giấy phép lái xe (GPLX), người đủ điều kiện cấp bằng lái còn được cấp hồ sơ gốc.
Ngoài ra, dữ liệu của người được cấp giấy phép lái xe còn được lưu trữ tại cơ sở dữ liệu GPLX chung trên toàn quốc do Tổng cục Đường bộ Việt Nam quản lý.
Trên cơ sở đó, khi mất hoặc hư hỏng giấy phép lái xe, người dân có thể làm hồ sơ xin cấp lại giấy phép lái xe. Hồ sơ gồm: đơn đề nghị cấp lại giấy phép lái xe, hồ sơ gốc phù hợp với giấy phép lái xe, giấy khám sức khỏe của người lái xe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp theo quy định, trừ trường hợp cấp lại giấy phép lái xe không thời hạn các hạng A1, A2, A3, bản sao giấy CMND hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn có ghi số giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân (đối với người Việt Nam) hoặc hộ chiếu còn thời hạn sử dụng.
Quá trình cấp lại giấy phép lái xe tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải, người lái xe gửi 1 bộ hồ sơ, chụp ảnh trực tiếp và xuất trình bản chính các giấy tờ liên quan để đối chiếu.
Sau 2 tháng kể từ ngày nộp đủ hồ sơ, chụp ảnh và nộp lệ phí theo quy định, nếu không phát hiện giấy phép lái xe đang bị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ, xử lý, có tên trong hồ sơ của cơ quan quản lý sát hạch, thì giấy phép lái xe được cấp lại.
Vì vậy, đề xuất mất bằng lái xe phải thi lại là không căn cứ vào quy định pháp luật hiện hành. Việc đề xuất mất bằng lái xe phải thi lại vì lý do người lái xe gian dối muốn cấp 2, 3 giấy phép để đối phó với cơ quan chức năng khi bị kiểm tra xử lý là mâu thuẫn với các quy định pháp luật hiện hành.
Ngoài ra, việc mất bằng lái xe phải thi lại vô hình chung còn tước đi quyền có giấy phép lái xe của người khác, khi họ không có bất cứ vi phạm pháp luật nào là vi hiến, trái pháp luật, do đó đề xuất này thiếu tính thuyết phục vì không có căn cứ pháp lý.
Luật sư Phú phân tích thêm: Hiện nay, đối với các loại giấy tờ liên quan đến hộ tịch như khai sinh, khai tử, kết hôn..., nếu mất, hư hỏng thì được cấp lại bản sao. Các loại giấy tờ khác chưa có quy định chung, thì tuỳ theo quy định của từng ngành, lĩnh vực cụ thể. Việc cấp lại giấy phép lái xe, thông tư của Bộ GTVT đã quy định cụ thể. Đề xuất mất bằng lái phải thi lại muốn khả thi thì phải “luật hóa việc này” bằng cách bổ sung vào quy định pháp luật một cách cụ thể với điều kiện mọi quy định pháp luật phải đảm bảo không trái với Hiến pháp hay xung đột với các văn bản pháp luật khác.
Theo đó, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân được pháp luật bảo vệ, việc tước đi quyền có giấy phép lái xe của người khác, khi họ không có bất cứ vi phạm pháp luật nào là vi hiến, trái pháp luật./.