Thời gian gần đây, một số nhân vật trên mạng xã hội có những hành vi lệch chuẩn văn hóa nhưng lại thu hút được sự chú ý của rất nhiều bạn trẻ, thậm chí là sự hưởng ứng, bắt chước, coi như “thần tượng”, đã đặt ra bài toán về định hướng văn hóa cho giới trẻ hiện nay.
Hiện nay, với sự phát triển chóng mặt của công nghệ thông tin, mỗi người, mỗi gia đình đều có thể dễ dàng có được những phương tiện truy cập internet. Điều đó vừa tạo thuận lợi cho việc tiếp thu những tinh hoa văn hóa, thông tin hữu ích, nhưng đồng thời cũng là mối hiểm nguy khi người sử dụng không biết chọn lọc thông tin. Trong khi, mạng xã hội của chúng ta chưa được quản lý triệt để, có rất nhiều “rác thải” thông tin gây ảnh hưởng đến tâm lý, nhân cách và cả phong cách sống của người chơi, đặc biệt là giới trẻ. Với tâm lý lứa tuổi, thanh thiếu niên chưa phân biệt được hết cái tốt, cái xấu; và với bản tính tò mò, thích khám phá cái mới, lạ, không được định hướng cũng như chưa biết tự kiểm soát, dễ dàng bị hấp dẫn và hòa nhập theo những lời nói, hành vi “lệch chuẩn” này.
Trách nhiệm của gia đình và xã hội sẽ góp phần định hướng, điều chỉnh, hướng dẫn giới trẻ nhận biết được đúng, sai; từ đó có điều chỉnh nhận thức và hành động một cách đúng đắn. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn tình trạng gia đình, nhà trường và các tổ chức đoàn thể chưa thật sự quan tâm, coi trọng đúng mức đến việc giáo dục, dìu dắt, chỉ bảo đối với thanh thiếu niên. Nhiều gia đình vì mải mê kiếm sống mà sao nhãng, bỏ qua việc giáo dục con. Nhiều trường học chỉ chú trọng phần học “văn” mà bỏ qua phần “lễ”, coi trọng giáo dục kiến thức mà xem nhẹ giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh. Vẫn còn nhiều tổ chức đoàn thể hoạt động theo phong trào, bề nổi lấy thành tích, chưa tạo ra những hoạt động thực tiễn, theo chiều sâu có tác dụng lôi kéo, thúc đẩy các em tham gia các hoạt động văn hóa, tinh thần, chưa định hướng lý tưởng trong các hoạt động văn hóa, xã hội cho các em.
Truyền thông cũng không hẳn vô can trong vấn đề này khi vẫn còn có những bài báo, tin tức đi quá chừng mực cho phép, khai thác quá mức những tình tiết bạo lực, hành vi ứng xử “lệch chuẩn”, gây biến dạng, méo mó bản chất sự vật, hiện tượng. Điều đó dẫn tới hệ lụy là gây nhiễu loạn dư luận xã hội, làm gia tăng tâm lý bất an cho công chúng, tác động tiêu cực đến chuẩn mực văn hóa ứng xử của cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ.
Do đó, sự kết hợp giữa gia đình, nhà trường, các đoàn, hội trong công tác giáo dục, định hướng thanh thiếu niên là việc làm luôn luôn cần thiết và cấp bách. Báo chí cũng cần định hướng dư luận xã hội, thay đổi hành vi cộng đồng bằng cách nêu nhiều gương tốt, phê phán cái xấu; báo chí không chỉ mô tả, phản ánh các vụ việc, hành vi văn hóa, mà phải phân tích thấu đáo, từ đó đưa ra khuyến nghị về phong cách ứng xử.
Việc ngăn chặn, xử lý nghiêm minh những hành vi “vô văn hóa”, “lệch chuẩn”, làm gương xấu cho thanh niên cũng đòi hỏi cơ quan chức năng cần nhanh chóng giải quyết.
Cuối cùng, công tác giáo dục đạo đức, bồi đắp niềm tin cho thanh niên là vô cùng cần thiết. Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc đi xa còn căn dặn trong Di chúc: “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.
Sau nửa thế kỷ thực hiện Di chúc của Người, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác bồi dưỡng, giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng cho thanh niên. Tuy nhiên, trước sự hội nhập và văn hóa toàn cầu, tuổi trẻ rất dễ bị tiêm nhiễm văn hóa độc hại, cổ súy lối sống lai căng, tư tưởng lệch lạc. Trong bối cảnh ấy, chúng ta càng phải quan tâm chăm lo giáo dục, rèn luyện thế hệ thanh niên có đủ đức, tài, niềm tin, khát vọng để xứng đáng với vị thế, trọng trách cao cả của mình đối với dân tộc và Tổ quốc. Trách nhiệm này không riêng của riêng ai, mà là trách nhiệm chung của các ngành, các cấp và toàn xã hội./.