Mục tiêu của công tác cải cách tư pháp được Đảng, Nhà nước đặt ra là từng bước hoàn thiện thể chế hình sự, dân sự, thủ tục tư pháp, các thiết chế bổ trợ tư pháp. Trong đó, các đối tượng yếu thế trong xã hội được trợ giúp pháp lý miễn phí trong cả quá trình tố tụng, giải quyết vụ án (từ giai đoạn điều tra, truy tố đến xét xử, thi hành án) để bảo vệ tốt nhất quyền con người trong lĩnh vực tư pháp…
Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 2-6-2006, của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” đã đặt ra yêu cầu hệ thống văn bản pháp luật phải được cụ thể hóa, bổ sung đầy đủ, thể hiện rõ các quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng; hoạt động bổ trợ tư pháp từng bước được xã hội hóa mạnh mẽ để huy động mọi nguồn lực trong xã hội. Trong đó, hoạt động trợ giúp pháp lý (TGPL) là một trong những nội dung quan trọng để cải cách tư pháp. Thông qua hoạt động này, trợ giúp viên pháp lý, luật sư tham gia tố tụng để bào chữa, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người được TGPL là người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự; tham gia tố tụng dân sự, tố tụng hành chính…
Đối với hoạt động trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh đã được UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương thực theo Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao quy định về phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng. Cùng với đó, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch hoạt động hàng năm của Hội đồng phối hợp liên ngành trong hoạt động tố tụng trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo Sở Tư pháp thực hiện rà soát chi nhánh, người thực hiện trợ giúp pháp lý, tổ chức tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý và người thuộc diện trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, Sở Tư pháp đã tăng cường tập huấn nâng cao năng lực cho người thực hiện trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh (trong quý I-2019, Sở Tư pháp đã tổ chức 1 lớp tập huấn với 100 lượt người tham dự cho đối tượng là thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư, trợ giúp viên pháp lý trên địa bàn tỉnh). Đồng thời, các sở, ban, ngành của tỉnh có liên quan đến công tác TGPL triển khai hiệu quả các quy chế phối hợp, như: Sở Tư pháp với Sở Y tế, Đoàn Luật sư tỉnh. Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh đẩy mạnh hoạt động tư vấn pháp luật tại cơ sở để TGPL miễn phí cho các đối tượng theo quy định của pháp luật. Cụ thể, năm 2018, đội ngũ trợ giúp viên pháp lý và luật sư ký hợp đồng với Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh đã trợ giúp pháp lý được 227 vụ việc (tăng 37% so với năm 2017). Đến 6 tháng đầu năm 2019, đội ngũ trợ giúp viên pháp lý và luật sư do Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh chỉ định đã trợ giúp pháp lý miễn phí được 235 vụ và đại diện ngoài tố tụng 11 vụ; tổ chức thực hiện 10 chuyến TGPL tại cơ sở cho các đối tượng là người nghèo, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng...
Bằng các hoạt động trong quá trình giải quyết vụ án cùng với sự tận tâm, nhiệt huyết, trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, trợ giúp viên pháp lý, luật sư do Trung tâm chỉ định đã bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của đối tượng, góp phần nâng cao trách nhiệm, chất lượng giải quyết vụ án của các cơ quan tố tụng các cấp. Đồng thời, hoạt động TGPL cũng hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp oan sai, không vô tư, khách quan trong hoạt động tố tụng, làm giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, dân sự, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người được TGPL, giáo dục, cải tạo, răn đe và phòng ngừa tội phạm, không để lọt tội phạm, không để oan người vô tội. Ông Vũ Văn Chính, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh cho biết: Để nâng cao hiệu quả hoạt động TGPL trên địa bàn tỉnh, thời gian tới cần tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa Trung tâm với các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước kết hợp với kiểm tra, giám sát, phản biện xã hội đối với hoạt động TGPL, nhất là phản hồi kết quả giải quyết vụ việc phức tạp, kéo dài...
Hiện nay, công tác TGPL đứng trước những yêu cầu cao hơn về chất lượng, tính chuyên nghiệp, chuyên sâu, lấy lợi ích hợp pháp của người dân làm trọng tâm theo quy định trong Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017. Đặc biệt là sự hỗ trợ pháp lý miễn phí đối với đồng bào dân tộc thiểu số, người dân nghèo, người sống vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.. Do vậy, hoạt động TGPL của tỉnh cần tiếp tục được các cấp, các ngành và địa phương quan tâm đầu tư để đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong công tác này tới cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn.