Gia tăng số vụ ly hôn trong giới trẻ

09:48, 27/08/2019

Những năm gần đây tình trạng ly hôn giữa các cặp vợ chồng trên địa bàn huyện Phú Bình ngày càng gia tăng. Điều đáng lo ngại là tỷ lệ ly hôn ở giới trẻ chiếm đến gần 70% tổng số án hôn nhân gia đình hàng năm. Hậu quả của việc ly hôn không chỉ là chấm dứt mối quan hệ hôn nhân giữa hai người mà còn khiến cho những đứa trẻ bị tổn thương về tình cảm, thiếu tự tin trong cuộc sống và dễ vướng vào các tệ nạn xã hội.

Ông Nguyễn Ích Yên, Chánh án TAND huyện Phú Bình cho biết: Nếu như năm 2016, TAND huyện thụ lý trên 260 vụ án hôn nhân gia đình thì trong 6 tháng đầu năm 2019, đơn vị đã thụ lý 150 vụ. Qua theo dõi các vụ án hôn nhân gia đình thì số vụ ly hôn rơi vào các cặp vợ chồng trẻ ở độ tuổi từ 20-30 chiếm đến gần 70% tổng số án. Hầu hết trong số các cặp vợ chồng đó đều đã có con nhỏ, đây là đối tượng dễ bị tổn thương và thiệt thòi nhất khi bố mẹ ly hôn. Do thiếu vắng tình yêu thương, dạy dỗ của cha hoặc mẹ, hoặc cả 2, số trẻ này dễ gặp khó khăn trong quá trình phát triển nhân cách, thậm chí phải rơi vào hoàn cảnh lang thang cơ nhỡ, sa vào các tệ nạn xã hội. Đây cũng là một trong số nguyên nhân dẫn tới việc gia tăng các loại tội phạm tuổi vị thành niên.

Điểm lại những án hôn nhân gia đình mà TAND huyện Phú Bình đã thụ lý mới thấy đa số các cặp vợ chồng trẻ ly hôn có thời gian chung sống với nhau rất ngắn. Hầu hết chỉ từ 1-2 năm, thậm chí có trường hợp chỉ 1 ngày. Điển hình như trường hợp của chị N.T.H (sinh năm 1991), ở xã Tân Kim và anh T.V.H, (sinh năm 1990) ở xã Hoàng Thanh, Hiệp Hòa (Bắc Giang). 2 người biết nhau qua sự giới thiệu của  người quen, sau khoảng 1 tháng đi lại, tìm hiểu họ quyết định tổ chức đám cưới. Nhưng sau đám cưới 1 ngày, chị H. đã bỏ về nhà mẹ đẻ và gửi đơn xin ly hôn đến TAND huyện Phú Bình với lý do không hòa hợp với chồng.

Thực tế từ các vụ ly hôn của gia đình trẻ cho thấy, nguyên nhân sâu xa thường do người trong cuộc chưa có sự chuẩn bị tốt về kiến thức hôn nhân gia đình, chưa tìm hiểu kỹ về nhau nên dẫn đến việc yêu nhanh, cưới vội. Đến khi bước vào hôn nhân, các cặp vợ chồng trẻ gặp nhiều khó khăn trong sắp xếp cuộc sống và giải quyết những khúc mắc nảy sinh. Thêm nữa, hầu hết các cặp vợ chồng đều phải tự lo mái ấm của mình, khi điều kiện kinh tế chưa bảo đảm cho cuộc sống riêng hoặc chưa có nghề nghiệp ổn định cũng dễ dẫn đến những mâu thuẫn không thể tháo gỡ và cuối cùng phải ly hôn.

Thống kê của TAND huyện Phú Bình cũng cho thấy tỷ lệ người vợ đứng đơn ly hôn cao gấp 2 lần so với người chồng. Lý do thường gặp là do người chồng say xỉn, ghen tuông, đánh đập vợ con. Một số trường hợp khác do chồng có tính gia trưởng, độc đoán, ích kỷ. Việc ly hôn ở một góc độ nào đó được xem là cần thiết bởi điều này giúp một số người thoát khỏi sự ràng buộc khi cuộc sống hôn nhân không như mong muốn. Tuy nhiên, qua các vụ án ly hôn cho thấy, nhận thức về gia đình và giá trị cuộc sống gia đình của hầu hết các cặp vợ chống trẻ xin ly hôn đều rất đơn giản, họ coi chuyện ly hôn là bình thường. Trong khi đó, hậu quả từ việc ly hôn chắc chắn sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy xấu cho gia đình, xã hội, đặc biệt là những thương tổn về mặt tâm lý, tình cảm và cuộc sống của trẻ nhỏ.

Theo ông Nguyễn Ích Yên, để hạn chế các vụ ly hôn, đặc biệt là trong giới trẻ cần có sự quan tâm hơn nữa của các cấp ủy, chính quyền địa phương và các ngành đoàn thể xã hội và các gia đình; đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, trong đó chú trọng việc giáo dục đạo đức, lối sống, nhân cách của từng thành viên trong gia đình, nâng cao hiểu biết về Luật Hôn nhân và gia đình, nhất là trong giới trẻ. Bên cạnh đó cần chú trọng công tác giải quyết việc làm, làm tốt công tác an sinh xã hội. Tuy nhiên, mỗi cặp vợ chồng cần nhận thức vai trò, vị trí của mình trong việc xây đắp một gia đình hạnh phúc, biết yêu thương, lắng nghe, chia sẻ, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.