Thông tin từ Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an T.P Thái Nguyên cho biết: 7 tháng đầu năm 2019, Công an thành phố tiếp nhận 22 đơn trình báo, phản ánh qua điện thoại của người dân bị lừa đảo, có liên quan đến tội phạm công nghệ cao. Trong khi đó, con số này của năm 2017 là 4 trường hợp; năm 2018 là 18 trường hợp. Trên thực tế, số người bị lừa đảo lớn hơn rất nhiều nhưng không trình báo đến cơ quan công an.
Theo đó, các đối tượng lừa đảo thường lợi dụng những người sử dụng tài khoản xã hội như Zalo, Facebook… để kết bạn làm quen hoặc gửi các tin nhắn trúng thưởng, mời nhận quà và yêu cầu đối phương cung cấp thông tin cá nhân. Sau đó, đối tượng giả danh nhân viên hải quan, sân bay hoặc nhân viên chăm sóc khách hàng của một công ty nào đó gọi đến số điện thoại cá nhân của bị hại để hướng dẫn cách thức nhận quà và kèm theo đó là yêu cầu chuyển tiền lệ phí vào tài khoản của chúng. Ngoài ra, các đối tượng còn sử dụng nhiều hình thức khác, như gọi điện vào số điện thoại của bị hại, giả danh cán bộ công an đang điều tra vụ án nghiêm trọng mà bị hại được xác định là có liên quan, rồi yêu cầu bị hại chuyển tiền vào tài khoản để phục vụ công tác điều tra. Nếu bị hại được xác định vô tội thì sẽ hoàn trả toàn bộ số tiền…Ngay sau khi bị hại chuyển tiền vào tài khoản, các đối tượng này sẽ lập tức chuyển tiền sang tài khoản khác và thường tài khoản chuyển đến cuối cùng (tài khoản đích) nằm ở nước ngoài nên rất khó cho công tác điều tra.
Trước loại tội phạm ngày càng hoạt động tinh vi và liên tục thay đổi phương thức, thủ đoạn, Thiếu tá Dương Trung Kiên, Phó đội trưởng phụ trách Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an T.P Thái Nguyên lưu ý: Người dân cần đề cao tinh thần cảnh giác; không cung cấp thông tin cá nhân và không chuyển khoản cho bất kỳ người lạ nào. Trong trường hợp đã chót chuyển khoản, cần báo cáo ngay tới cơ quan công an (đến trực tiếp/gọi điện thoại) hoặc nhờ người quen phản ánh tới ngân hàng để phong tỏa tài khoản đã chuyển tiền vào…