Được đánh giá là có những chuyển biến tích cực trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, song theo nhận định của cơ quan chức năng, tình hình buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn biến phức tạp, các đối tượng hoạt động ngày càng tinh vi, liên tục thay đổi phương thức, thủ đoạn, tuyến đường, địa bàn hoạt động… Thực tế này cần nhiều hơn sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh: Chỉ tính riêng 8 tháng đầu năm nay, các ngành thành viên, lực lượng chức năng và Ban Chỉ đạo 389 các địa phương đã tiến hành kiểm tra 3.763 vụ, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, xử lý 3.583 vụ, với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính, truy thu thuế, trị giá hàng bán, tiêu hủy gần 32,5 tỷ đồng. Ông Nguyễn Tiến Chiến, Phó Đội trưởng Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1 Cục QLTT tỉnh chia sẻ: Các mặt hàng vi phạm đa dạng, song chủ yếu vẫn là hàng cấm, hàng hóa có thuế suất cao, hàng hóa yêu cầu phải có giấy phép quản lý chuyên ngành, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng...
Thực tế cho thấy, có muôn kiểu buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả hàng ngày vẫn đang được diễn ra với nhiều thủ đoạn như lợi dụng chế độ hóa đơn, chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu chưa được quản lý chặt chẽ, các đối tượng đã vận chuyển hàng nhập lậu, hàng giả, hàng cấm lưu thông qua địa bàn tỉnh hoặc đưa vào tiêu thụ tại địa bàn tỉnh. Đặc biệt, tình hình về tội phạm ma túy có tính chất ngày càng phức tạp, chúng thường dụ dỗ, lợi dụng các đối tượng có tiền án, tiền sự hoặc người nghiện để vận chuyển ma túy với số lượng ngày càng lớn. Hay như việc vận chuyển pháo nổ cũng đã có sự thay đổi rõ rệt. Các đối tượng không còn tập trung vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán mà vào mọi thời điểm trong năm, với thủ đoạn cất giấu pháo trong hàng hóa, hành lý cá nhân hoặc ngụy trang trên phương tiện vận tải.
Đối với tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, phương thức, thủ đoạn mà các đối tượng vi phạm cũng ngày càng tinh vi, đáng chú ý là tình trạng hàng hóa được vận chuyển trái phép từ Trung Quốc vào Việt Nam, sau đó thay đổi nhãn ghi sản xuất từ Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản... để đánh lừa người tiêu dùng. Ngoài ra, việc vận chuyển, kinh doanh các loại hàng giả gây nguy hại đến sản xuất, sức khỏe người tiêu dùng, như: Thực phẩm chức năng, phân bón giả, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi... cũng có xu hướng diễn biến phức tạp.
Trong khi đó, công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại hiện vẫn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế. Đó là hệ thống văn bản pháp luật ban hành chưa đồng bộ, còn nhiều kẽ hở, gây khó khăn cho việc áp dụng. Ý thức tự giác chấp hành các quy định pháp luật trong lĩnh vực thương mại của không ít tổ chức, cá nhân kinh doanh chưa tốt; còn có hành vi cố tình chống đối hoặc cản trở việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan chức năng…
Đơn cử như vụ thu giữ 49 bình khí N2O (loại khí dùng để bơm bóng cười, gây ảo giác và có hại cho sức khỏe người dùng) hồi giữa tháng 7 vừa qua. Để có thể thực hiện được công việc này, Đội QLTT số 1 đã mất nhiều ngày liên tục theo dõi đối tượng, đồng thời đặt các cơ sở nghiệp vụ để nắm bắt thông tin… Đến khoảng 22 giờ, khi đối tượng đang xuống hàng trên tuyến Quốc lộ 3 thuộc địa phận T.X Sông Công, một số cán bộ của Đội đã kịp thời có mặt. Tuy nhiên, do chưa có quy định cụ thể về việc xử lý đối với mặt hàng bóng cười nên lực lượng chức năng bước đầu đã phải ra quyết định tạm giữ đối với số hàng hóa này do không có nguồn gốc xuất xứ và không có hóa đơn, chứng từ. Tiếp đó, để có cơ sở ra quyết định xử phạt đó là (40 triệu đồng) loại hàng hóa độc hại, Cục QLTT đã phải thành lập Hội đồng xử lý tiêu hủy đối với số hàng hóa trên, đồng thời gửi 3 mẫu về Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an để xác định đây có phải là khí N2O hay không, mặc dù chủ số hàng này đã thừa nhận đó là N2O. Cũng do đây là loại khí độc hại nên việc xử lý được số hàng hóa này phải do lực lượng chuyên ngành thực hiện. Qua đây có thể thấy, việc bắt giữ hàng lậu, hàng cấm đã khó, việc xử lý các bước sau đó cũng gian nan, vất vả không kém.
Trước thực tế này, theo đại diện nhiều ngành thành viên Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh, bên cạnh sự vào cuộc của lực lượng chức năng thì sự tham gia ủng hộ của người dân là yếu tố không thể thiếu trong quá trình đấu tranh phòng chống loại tội phạm này, vì trên thực tế, đối với đội QLTT cơ động, có đến trên 50% số vụ vi phạm được phát hiện là nhờ vào tin báo tố giác của quần chúng nhân dân. Ngoài ra, việc nâng cao ý thức của người tiêu dùng khi chọn mua các sản phẩm hàng hóa ở những địa chỉ có uy tín, rõ nguồn gốc, đầy đủ tem nhãn cũng là cách để bảo vệ hàng thật, chống hàng giả, hàng lậu và đảm bảo quyền lợi của chính mình. Đồng thời tăng thu cho ngân sách Nhà nước, giúp quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam vì thế cũng trở nên thuận lợi, đạt hiệu quả cao hơn.