Với phương thức cho vay không cần thế chấp, nhiều người dân đã trở thành “con mồi” của các đối tượng cho vay nặng lãi. Không ít gia đình sau khi vay tiền đã lâm vào cảnh nợ nần, thậm chí bị chủ nợ khủng bố. Gia đình ông Phạm Văn Thiệp, xóm Làng Bầng, xã Đồng Thịnh là một trong những nạn nhân điển hình của tình trạng vay nặng lãi ở Định Hóa.
Theo đơn trình báo của ông Thiệp, năm 2016, gia đình ông vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện Định Hóa để đầu tư trồng rừng và phát triển chăn nuôi. Tuy nhiên, do quá trình chăn nuôi gặp phải dịch bệnh nên đến kỳ hạn phải thanh toán nợ vào giữa năm 2019, gia đình ông không có đủ tiền để trả nợ.
Trong lúc khó khăn ông được giới thiệu đến tiệm cầm đồ, hỗ trợ tài chính Quốc Tuân, địa chỉ tại phường Trung Thành, thị trấn Chợ Chu. Tại đây, ngày 12/5/2019, ông Thiệp đã thế chấp 1 đăng ký xe máy để vay 25 triệu đồng trong 20 ngày, lãi suất 2 triệu đồng/20 ngày. Sau khi viết giấy vay tiền, ông Thiệp chỉ được nhận 23 triệu đồng, còn 2 triệu đồng bị chủ tiệm giữ lại để thanh toán trước tiền lãi. 20 ngày sau, vì chưa có tiền để trả nên khoản vay của ông Thiệp tiếp tục bị tính lãi 4.000 đồng/triệu/ngày. Đến ngày 14/8/2019, chủ tiệm cầm đồ đến nhà ông Thiệp yêu cầu trả số tiền cả gốc và lãi là 55,3 triệu đồng. Vì không có tiền trả nên chủ tiệm cầm đồ buộc ông Thiệp phải viết giấy vay 55,3 triệu đồng, trong đó phần ghi lãi suất bỏ trống. Nhưng chủ tiệm cầm đồ yêu cầu ông phải trả lãi suất khoản vay này là 4.000 đồng/triệu/ngày. Đến ngày 22/1/2020, chủ tiệm cầm đồ đến nhà yêu cầu ông Thiệp phải thanh toán số tiền cả gốc và lãi là 80 triệu đồng, nếu không trả đủ số tiền nêu trên, sẽ không để cho gia đình ông yên ổn. Lo sợ, ông Thiệp đã làm đơn trình báo đến Công an huyện Định Hóa.
Thông tin từ Công an huyện Định Hóa cho biết: Sau khi ông Thiệp làm đơn trình báo đến cơ quan công an, chủ tiệm cầm đồ đã đến nhà thỏa thuận với ông Thiệp chỉ lấy số tiền 25 triệu đồng vay ban đầu để ông Thiệp rút đơn trình báo. Mặc dù ông Thiệp đã rút đơn, nhưng Công an huyện xác định sự việc có dấu hiệu của tội cho vay nặng lãi nên đã củng cố hồ sơ để xử lý theo quy định của pháp luật. Hiện vụ việc đang được cơ quan công an tiếp tục điều tra, làm rõ.
Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tá Hạc Sơn Linh, Phó Trưởng Công an huyện Định Hóa cho biết: Các đối tượng cho vay nặng lãi thường có chung phương thức che giấu bằng cách không thể hiện lãi suất cho vay trong hợp đồng hoặc giấy vay tiền nên khó chứng minh vi phạm. Một số đối tượng chia nhỏ các gói vay để tỷ lệ phần trăm mức hưởng lợi bất hợp pháp không đủ mức truy cứu trách nhiệm hình sự… Trong khi đó, hầu hết người dân khi “sập bẫy” của các đối tượng cho vay nặng lãi đều không dám trình báo cơ quan công an vì sợ bị trả thù. Theo thống kê, trên địa bàn huyện Định Hóa hiện có 12 cơ sở cầm đồ, hỗ trợ tài chính đang hoạt động. Thời gian gần đây, Công an huyện đã nhận được một số phản ánh của người dân về tình trạng cho vay nặng lãi hoạt động trên địa bàn huyện, tuy nhiên, đến nay, ông Phạm Phạm Văn Thiệp là trường hợp đầu tiên có đơn trình báo.
Trước thực trạng nêu trên, người dân cần hết sức tỉnh táo trước những thủ đoạn tinh vi của các đối tượng cho vay nặng lãi. Khi gặp khó khăn về tài chính, người dân hãy tìm đến các tổ chức tín dụng, ngân hàng tin cậy để được hỗ trợ.