Từ “thế chấp” đến mất tài sản

08:34, 11/08/2020

Trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã có nhiều vụ việc cho người khác mượn tài sản để thế chấp vay vốn nhưng sau đó người vay vốn kinh doanh thua lỗ không trả được tiền vay của ngân hàng dẫn đến tài sản thế chấp bị phát mại, thanh lý. Cá biệt, có trường hợp người cho mượn tài sản là đất, nhà ở nên khi bị ngân hàng phát mại đã trở thành người vô gia cư…

Trường hợp bà Vũ Thị X., trú tại tổ 4, phường Cam Giá (T.P Thái Nguyên) là một ví dụ. Bà X. đã đem giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) cho người thân mượn thế chấp vay vốn ngân hàng. Làm ăn thua lỗ, nên người thân của bà X. không trả được nợ ngân hàng. Do đó, toàn bộ khu đất rộng 960m2 và nhà ở, công trình trên đất của gia đình bà X. bị ngân hàng siết nợ, phải ra khỏi nhà trong khi không còn nơi ở nào khác.

Hay như trường hợp của bà Nguyễn Thị R. ở tổ 8, phường Quang Vinh (T.P Thái Nguyên), cũng cho con trai ruột mượn giấy chứng nhận QSDĐ để thế chấp vay vốn ngân hàng phục vụ kinh doanh, nhưng con trai bà R. không may bị bệnh đã qua đời, không trả được khoản vay ngân hàng. Cán bộ tín dụng của ngân hàng đã nhiều lần đến gặp bà R. yêu cầu trả nợ, không thực hiện sẽ phát mại quyền sử dụng đất, tài sản trên đất. Gia đình bà R. thuộc diện hộ cận nghèo, không có tài sản đáng giá, không còn nơi ở nào khác nên Chi cục Thi hành án Dân sự (THADS) T.P Thái Nguyên thụ lý vụ án, tiếp nhận đơn đề nghị thi hành án của ngân hàng nhưng nhiều tháng nay vẫn chưa triển khai thực hiện được.

Bà Nguyễn Thị Thùy Dung, Chi cục trưởng Chi cục THADS T.P Thái Nguyên cho biết: Trường hợp như bà R. trên địa bàn không phải là ít vì người đứng ra vay vốn đã chết hoặc vắng mặt tại nơi cư trú thời gian dài, mất liên lạc nên người cho mượn tài sản thế chấp không trả nợ thay thì ngân hàng sẽ yêu cầu cơ quan THADS cưỡng chế, phát mại tài sản thế chấp.

Khi tìm hiểu về vấn đề này, chúng thấy có nhiều trường hợp người dân vì ít hiểu biết về pháp luật nên đã đem tài sản (gồm: giấy chứng nhận QSDĐ; giấy đăng ký xe ô tô, các phương tiện đắt tiền khác) cho người thân, người quen mượn để thế chấp vay vốn ngân hàng. Sau đó, vì nhiều lý mà người vay vốn không trả được tiền cho ngân hàng nên tài sản thế chấp bị cưỡng chế, phát mại. Để giải quyết 132 án tín dụng ngân hàng thu hồi số tiền nợ xấu trên 610 tỷ đồng, cơ quan THADS đã nhiều lần tổ chức trao đổi với Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, 17 tổ chức tín dụng có vụ việc liên quan để bàn giải pháp. Tuy nhiên, kết quả giải quyết các vụ án tín dụng ngân hàng đạt rất thấp. 

Ông Nguyễn Xuân Tùng, Cục trưởng cục THADS tỉnh cho biết: Chúng tôi đã giao cho các chấp hành viên thụ lý từng vụ việc báo cáo quá trình, kết quả thi hành án; ý kiến của đại diện ngân hàng, tổ chức tín dụng đối với từng vụ việc cụ thể; kiến nghị và đề xuất giải pháp. Tuy nhiên, số vụ việc, số tiền phải thi hành án cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng tồn đọng chưa giải quyết xong thì số vụ việc mới thụ lý tăng nhanh. Do vậy, ngành THADS tỉnh cần sự phối hợp kịp thời hơn của các cơ quan chức năng, đơn vị liên quan để rà soát các vụ việc có điều kiện thi hành; tham mưu với Ban Chỉ đạo THADS tỉnh và 9 huyện, thành, thị về biện pháp cưỡng chế đối với những vụ việc đã hoàn thiện hồ sơ pháp lý và nhiều lần tổ chức tuyên truyền, vận động tổ chức, cá nhân phải thi hành án nhưng vẫn cố tình không chấp hành các phán quyết của cơ quan bảo vệ pháp luật. Đặc biệt, các tổ chức tín dụng ngân hàng cũng nên cân nhắc, rà soát kỹ đối với trường hợp tổ chức, cá nhân mượn tài sản của người khác để thế chấp vay vốn. Bởi khi người vay vốn ngân hàng không trả được nợ, buộc cơ quan THADS phải thực hiện cưỡng chế tài sản thế chấp để phát mại sẽ rất phức tạp, phát sinh nhiều hệ lụy cho xã hội.