Đánh giá mới nhất của UBND tỉnh cho thấy, năm 2020, tuy các vụ việc, vụ án tham nhũng phát hiện trên địa bàn tỉnh không nhiều, nhưng vẫn tiềm ẩn yếu tố phức tạp. Do đó, thời gian tới cần phải siết chặt hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, nhất là đối với những lĩnh vực nhạy cảm có khả năng xảy ra tham nhũng…
Theo các cơ quan chức năng, tình hình tội phạm về tham nhũng hiện nay xảy ra ở cả khu vực trong và ngoài Nhà nước. Các đối tượng chủ yếu phạm tội về tham ô tài sản, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ, giả mạo giấy tờ để chiếm đoạt tài sản, trục lợi cá nhân. Thủ đoạn của các đối tượng chủ yếu là lợi dụng kẽ hở của pháp luật trong quản lý kinh tế hoặc thiếu sự kiểm tra, giám sát của đơn vị chủ quản để hoạt động phạm tội.
Trong năm qua, các cơ quan điều tra đã phát hiện, khởi tố 5 vụ tham nhũng với 11 bị can; tòa án các cấp đã xét xử 6 vụ án tham nhũng với 11 bị cáo. Tổng số tiền, tài sản tham nhũng phát hiện được là trên 5 tỷ đồng, thu hồi 480 triệu đồng. Cũng trong năm, lực lượng Thanh tra tỉnh đã tiến hành 606 cuộc thanh, kiểm tra, trong đó thanh tra hành chính 69 cuộc, thanh kiểm tra chuyên ngành 534 cuộc, thanh tra trách nhiệm 3 cuộc và trên 5.500 cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân được thanh, kiểm tra. Kết quả, phát hiện khoảng 1.000 cơ quan, tổ chức, cá nhân sai phạm, kiến nghị xử lý về kinh tế hàng chục tỷ đồng.
Tuy đã phát hiện và xử lý một số vụ tham ô, tham nhũng, nhưng trên thực tế, tình trạng tham nhũng vặt và những trường hợp nhận hối lộ chưa có dấu hiệu giảm xuống. UBND tỉnh đánh giá: Nhìn chung công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, đơn vị, địa phương đã có tiến triển, nhưng chất lượng chưa cao, số vụ việc phát hiện còn ít. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng còn thiếu hệ thống, sự gắn kết giữa các cấp, các ngành còn thiếu khăng khít; nội dung tuyên truyền chưa thật sự hấp dẫn. Công tác thanh, kiểm tra ở một số cơ quan, tổ chức chưa đạt yêu cầu, khả năng tự phát hiện tham nhũng còn yếu…
Chúng ta đều biết, tham nhũng là vấn đề nhức nhối mà Đảng và Nhà nước ta đang quyết tâm loại trừ. Trong bối cảnh hiện nay, khi tội phạm tham nhũng hoạt động ngày càng tinh vi thì việc phát hiện và xử lý vụ việc tham nhũng là không hề đơn giản. Để phòng, chống hiệu quả, cần phải đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện đúng quy tắc ứng xử, trách nhiệm giải trình của cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, tổ chức khi thực hiện nhiệm vụ; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sử dụng tài chính, tài sản công; thực hiện chuyển đổi vị trí công tác, công khai tổ chức, hoạt động của cơ quan theo quy định. Tăng cường thanh, kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng; tập trung các cuộc thanh, kiểm tra những lĩnh vực nhạy cảm, dễ nảy sinh tham nhũng như: quản lý sử dụng đất, tài nguyên khoáng sản, đấu thầu, mua sắm tài sản công… để kịp thời phát hiện hành vi tham nhũng...