Những người làm nghề đã không thể phủ nhận thực tế đáng buồn khi có những nhà báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp, bỏ qua mọi tôn chỉ, sứ mệnh của mình để thực hiện hành vi tống tiền, nhũng nhiễu doanh nghiệp…
Tiếng xấu lan nhanh, ảnh hưởng tới người làm báo chân chính
Thời gian qua, báo chí đã đăng tải không ít những vụ việc đáng buồn, những mặt tối của chính nghề báo với hàng loạt vụ việc phóng viên bị bắt, bị khởi tố vì hành vi tống tiền, cưỡng đoạt tài sản của doanh nghiệp.
Mới đây nhất ngày 1-12 vừa qua, Công an TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình phối hợp với một số phòng nghiệp vụ của Công an tỉnh bắt quả tang Bùi Anh Tuấn (SN 1983, trú tại xã Khánh Hải, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình, có thẻ phóng viên của một cơ quan báo chí) và Nguyễn Văn Đức (SN 1998, trú tại phường Trung Sơn, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) về hành vi “Cưỡng đoạt tài sản”. Nhóm phóng viên này đã cưỡng đoạt 30 triệu đồng của 3 bác sĩ vì kê phiếu mua sữa cho bệnh nhân nhưng sữa không không đảm bảo chất lượng.
Trước đó, đầu tháng 11, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông cho biết, đã đủ căn cứ để ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với trưởng đại diện tạp chí điện tử Thương hiệu và Pháp luật khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên và một phóng viên văn phòng này vì tống tiền doanh nghiệp tại địa phương…
Dù các trường hợp này chỉ là những “con sâu bỏ rầu nồi canh”, nhưng tiếng xấu thường lan rất nhanh, gây ảnh hưởng đến uy tín của nghề báo và những người làm báo chân chính.
Trao đổi với PV VOV.VN, PGS.TS Nguyễn Đức Dũng, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định Truyền hình Nhân dân (Báo Nhân dân) cho rằng, có 3 nguyên nhân dẫn đến thực trạng đáng buồn này.
Trước hết là việc một số cá nhân làm báo không chịu tu dưỡng đạo đức, không rèn luyện nghiệp vụ, hiểu sai và thậm chí cố tình hiểu sai tôn chỉ, mục đích, cũng như sứ mệnh cao quý của cơ quan báo chí và của người làm báo trong một đất nước mà báo chí được coi là lực lượng xung kích trên mặt trận đấu tranh tư tưởng của Đảng.
Nguyên nhân thứ hai đã được các cơ quan liên quan, đặc biệt là Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam nhiều lần cắt nghĩa, đó là việc giáo dục của một số cơ quan báo chí không tốt.
“Nhiều cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản của cơ quan báo chí, cụ thể hơn là một số Tổng Biên tập của một số tờ báo có vi phạm cũng rất lơ là nhiệm vụ này, thay vào đó là theo đuổi mục đích kiếm tiền và biến nhà báo thành công cụ kiếm tiền cho tờ báo, bất kể bằng cách nào. Điều này đẩy một số nhà báo đến chỗ phải kiếm tiền bằng mọi cách để phục vụ cho tờ báo của mình, đồng thời trục lợi cá nhân”, ông Dũng nói.
PGS.TS Nguyễn Đức Dũng cũng nêu nguyên nhân thứ 3 lôi kéo các nhà báo sa ngã là tác động từ mặt trái của cơ chế thị trường. Theo đó, cơn khát làm giàu ở một số người không kìm hãm được. Người ta sẵn sàng làm giàu bằng mọi cách và một số người làm báo báo đã biến nghề thành công cụ vì nghề báo có quá nhiều lợi thế. Tuy vậy, không thể đổ lỗi hoàn toàn cho cơ chế thị trường, bởi tất cả xã hội đều chịu sự chi phối của cơ chế thị trường.
Tăng cường chế tài xử phạt và nêu cao trách nhiệm người đứng đầu
“Tôi đề nghị, chúng ta phải rất nghiêm khắc và cần phải tăng cường chế tài xử phạt, cũng như tăng cường các hình thức kiểm tra, giám sát hoạt động báo chí, để làm sao cho báo chí hoạt động đúng với tôn chỉ mục đích và thực sự là công cụ hữu hiệu trong cuộc đấu tranh tư tưởng và góp phần cho đất nước phát triển lành mạnh”.
PGS.TS Nguyễn Đức Dũng bày tỏ đồng thời nhấn mạnh, sai phạm của ai thì người ấy phải chịu trách nhiệm, song một tờ báo đã vi phạm thì không thể nói rằng cấp quản lý không chịu trách nhiệm được. Theo ông Dũng, khi để cho phóng viên xảy ra sai phạm, đương nhiên cấp quản lý cũng có liên đới và chịu trách nhiệm tùy theo từng trường hợp. Nếu do quản lý lơ là thì đó lại là một chuyện, nhưng nếu tiếp tay, đứng sau, thậm chí là hỗ trợ phóng viên vi phạm đạo đức và thực hiện tống tiền thì cách xử lý sẽ phải khác vì lúc đó đã trở thành tòng phạm.
“Về mặt luật pháp, cần phải có quy định rất rõ ràng về trách nhiệm của những người lãnh đạo, quản lý tờ báo trong trường hợp khi có phóng viên vi phạm. Điều này sẽ buộc cấp quản lý phải có ý thức, trách nhiệm hơn trong việc chỉ đạo, lãnh đạo tờ báo đó”, PGS.TS Nguyễn Đức Dũng nhận định.
Đồng tình với nhận định này, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Thị Thu Hường cho rằng, những trường hợp này phải được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật để trả lại uy tín của các phóng viên với người dân và các doanh nghiệp.
“Hiện nay, Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông đang thực hiện quy hoạch lại các cơ quan báo chí. Quy hoạch lại sẽ nâng cao chất lượng và gắn trách nhiệm của báo chí với từng địa phương. Đồng thời, gắn liền với sắp xếp lại tổ chức, bộ máy, nhân lực, phóng viên… tạo điều kiện cho các phóng viên chân chính tác nghiệp thuận lợi và xử lý nghiêm các phóng viên nhũng nhiễu”, bà Hường nhấn mạnh.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An, ngoài 4 cơ quan báo chí của địa phương, 62 cơ quan báo chí của Trung ương và các ngành có phóng viên thường trú. Bà Hường cho biết, đội ngũ phóng viên này đã góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền kinh tế- chính trị- xã hội, an ninh quốc phòng, góp phần thúc đẩy địa phương phát triển. Ở địa phương này, cũng chưa xảy ra các vụ việc phóng viên “tống tiền” các tổ chức, cá nhân. Trong các cuộc giao ban báo chí hàng tháng, chính các phóng viên cũng nêu sự bức xúc về vấn đề này với mục tiêu giữ uy tín của nhà báo và đảm bảo môi trường hoạt động báo chí lành mạnh trên địa bàn.
Tại phiên chất vấn ngày 6/11/2020 trước Quốc hội, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, cơ quan báo chí là cơ quan ngôn luận của cơ quan chủ quản báo chí, tức cơ quan và tổ chức nằm trong hệ thống tổ chức chính trị ở Việt Nam. Mỗi cơ quan tổ chức đều có chức năng nhiệm vụ riêng, các cơ quan báo chí phải bám theo chức năng nhiệm vụ này, hay còn gọi là tôn chỉ mục đích để tuyên truyền, vì thế sẽ vẽ lên bức tranh toàn cảnh về xã hội Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Quốc hội)
Theo Bộ trưởng, thời gian vừa qua có nhiều nhà báo, cơ quan báo chí đã đi tác nghiệp hoặc được giao đi tác nghiệp không đúng với tôn chỉ mục đích, chuyên ngành của mình, việc này gây khó khăn cho nhiều cơ quan tổ chức và ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của cơ quan báo chí, nhà báo đang thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Bộ TT&TT đã và sẽ nghiêm túc xử lý các cơ quan báo chí không thực hiện đúng tôn chỉ mục đích này.
Về việc “sáng đăng trưa gặp chiều gỡ”, Bộ trưởng nhận là việc này đã xảy ra. Đỉnh điểm năm 2017, mỗi tuần có đến hàng chục vụ được phát hiện, đây là hành vi sai trái.
Bộ trưởng cho biết, từ năm 2018, Hội Nhà báo Việt Nam và Bộ TT&TT đã dùng công nghệ, phát triển công cụ để phát hiện những bài báo "sáng đăng, chiều gỡ". Nhờ đó, hiện nay hiện tượng này đã giảm đáng kể.