Khai thác đất trái phép bước đầu được ngăn chặn

07:04, 02/12/2020

Sau loạt bài của Báo Thái Nguyên và phản ánh của người dân về tình trạng khai thác, vận chuyển đất san lấp trái phép tại một số địa phương, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo quản lý tài nguyên khoáng sản tỉnh đã có các văn bản chỉ đạo địa phương liên quan kiểm tra, xác minh và có biện pháp giải quyết. Theo ghi nhận của chúng tôi, tình trạng “đất tặc” đã bước đầu được ngăn chặn.

Trong công văn ngày 24-11 về việc xử lý thông tin phản ánh trên Báo Thái Nguyên điện tử, UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện Phú Bình kiểm tra, xác minh và có biện pháp giải quyết, báo cáo cấp, ngành liên quan trước ngày 5-12. Cũng trong ngày 24-11, Ban chỉ đạo quản lý tài nguyên khoáng sản tỉnh cũng có công văn yêu cầu UBND huyện Phú Bình kiểm tra, xử lý, ngăn chặn hoạt động khai thác đất san lấp trái phép trên địa bàn, theo phản ánh của Báo Thái Nguyên. Công văn đề nghị UBND huyện Phú Bình chỉ đạo ngành chức năng và các xã có tình trạng khai thác, vận chuyển đất san lấp trái phép, tổ chức kiểm tra làm rõ; cương quyết giải tỏa và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm, không để tái diễn hoạt động này; tổ chức lực lượng thường xuyên kiểm tra, giám sát tất cả các điểm nóng thường xảy ra hiện tương khai thác khoáng sản, trong đó có đất san lấp trái phép; làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, làm đúng trách nhiệm quản lý tài nguyên khoáng sản chưa khai thác… Gần đây, Ban chỉ đạo cũng có công văn yêu cầu huyện Phú Lương kiểm tra, ngăn chặn hoạt động khai thác, vận chuyển đất trái phép trên địa bàn xã Phấn Mễ.

Trước đó, ngay sau khi Báo Thái Nguyên đăng bài: Tái diễn tình trạng khai thác đất trái phép tại Phú Bình (trên báo in ngày 18-11, trên báo điện tử ngày 19-11), ngày 20-11, UBND huyện Phú Bình đã ra văn bản “hỏa tốc” yêu cầu các xã Tân Kim, Tân Hòa, Điềm Thụy, Công an huyện và Phòng Tài nguyên - Môi trường tổ chức kiểm tra, ngăn chặn, xử lý, giải tỏa toàn bộ hoạt động khai thác, mua bán, vận chuyển đất san lấp trái phép trên địa bàn; có biện pháp đảm bảo không để tái diễn.

Trong báo cáo (đề ngày 27-11) gửi UBND tỉnh và các cấp, ngành liên quan, UBND huyện Phú Bình nêu: Sau khi có phản ánh của báo chí và người dân, huyện đã chỉ đạo kiểm tra và xác định tại một số khu vực có xảy ra tình trạng khai thác, vận chuyển đất san lấp trái phép. UBND huyện đã yêu cầu các xã lập tức đình chỉ, giải tỏa toàn bộ các điểm này, xử lý nghiêm vi phạm. Kết quả: UBND xã Tân Kim đã xử phạt hành chính 1 trường hợp với số tiền 3,5 triệu đồng; UBND xã Tân Hòa xử phạt hành chính 2 trường hợp với tổng số tiền 5 triệu đồng; UBND xã Điềm Thụy xử phạt 1 trường hợp với tổng số tiền 5 triệu đồng. Trước đó, huyện Phú Bình đã xử phạt vi phạm hành chính và đề nghị UBND tỉnh xử phạt một số trường hợp khai thác, vận chuyển đất trái phép.

Cũng như huyện Phú Bình, thời gian gần đây, từ phản ánh của báo chí và người dân, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các địa phương có hiện tượng khai thác, vận chuyển đất san lấp trái phép đều vào cuộc khá quyết liệt. Cụ thể, ngay khi có phản ánh của phóng viên Báo Thái Nguyên, T.X Phổ Yên đã yêu cầu Công ty CP Môi trường Việt Xuân Mới dừng ngay việc cho tổ chức, cá nhân khác khai thác đất trong phạm vi diện tích của Công ty để vận chuyển ra ngoài; chỉ đạo lực lượng chức năng và UBND xã Minh Đức kiểm tra, xác minh rõ vấn đề này. UBND phường Tân Lập (T.P Thái Nguyên) mới đây ban hành 3 quyết định xử phạt vi phạm hành chính (tổng số tiền 6 triệu đồng) đối với các cá nhân tiến hành khai thác đất trái phép tại tổ 9…

Chúng tôi được biết, trong dịp này không chỉ các địa phương cấp huyện ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, chấn chỉnh, tổ chức nhiều cuộc kiểm tra, giải tỏa các điểm “đất tặc”, Ban chỉ đạo quản lý tài nguyên khoáng sản tỉnh và Sở Tài nguyên – Môi trường cũng đã và đang tổ chức kiểm tra, xác minh trực tiếp một số điểm.

Theo ghi nhận của phóng viên, vài ngày gần đây, nhiều điểm “đất tặc” đã yên ắng, lực lượng chức năng, nhất là công an thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát tại các khu vực có nguy cơ hoặc từng là “điểm nóng” về khai thác, vận chuyển đất san lấp trái phép. Nhiều người dân sinh sống gần các điểm “đất tặc” tạm thời không còn phải hứng chịu tình trạng ô nhiễm môi trường (tiếng ồn, khói bụi) và mất an toàn giao thông do hoạt động khai thác, vận chuyển đất trái phép gây ra.

Ông Phạm Văn T. một người dân ở gần điểm khai thác đất trái phép tại xóm Mỏn Hạ, xã Tân Kim (Phú Bình) nói: Sau khi có phản ánh của Báo Thái Nguyên và sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, khoảng 10 ngày nay, ở đây không còn hoạt động khai thác. Cuộc sống của chúng tôi đã bình yên trở lại…

Rõ ràng, khi lực lượng chức năng, nhất là chính quyền cơ sở vào cuộc quyết liệt, làm hết trách nhiệm trong công tác quản lý tài nguyên khoáng sản thì “đất tặc” không thể lộng hành. Dù rằng, để giải quyết tận gốc vấn đề này cần các giải pháp đồng bộ, sự vào cuộc trách nhiệm của nhiều lực lượng liên quan và cần xem xét điều chỉnh cơ chế quản lý như chúng tôi đã đề cập ở bài trước. Trước mắt, để tránh tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa” hoặc kết quả chỉ là tạm thời, việc các cấp, ngành liên quan vào cuộc quyết liệt, thường xuyên vẫn là yếu tố quan trọng hàng đầu./