Thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, thời gian qua, Tòa án nhân dân (TAND) hai cấp trong tỉnh đã phối hợp với các cơ quan tố tụng, chính quyền các địa phương trong tỉnh tổ chức xét xử lưu động một số vụ án hình sự tại cơ sở. Tuy nhiên, hoạt động xét xử lưu động đã và đang nảy sinh một số vấn đề liên quan đến nghiệp vụ chuyên môn, điều kiện xét xử và cả vấn đề quyền con người…
Thực hiện Chỉ thị của Chánh án TAND tối cao, Nghị quyết HĐND tỉnh, TAND hai cấp trong tỉnh đã tăng cường công tác xét xử lưu động. Các đơn vị thuộc TAND hai cấp của tỉnh đã lựa chọn các vụ án thích hợp, có tính giáo dục cao để tổ chức xét xử lưu động. Thông qua đó đã góp phần phổ biến giáo dục pháp luật cho người tham dự phiên tòa, nâng cao ý thức pháp luật cho quần chúng nhân dân, tạo niềm tin của người dân vào đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, trang bị cho người dân những kiến thức pháp luật cần thiết để tự bản thân họ tránh những hành vi vi phạm pháp luật và giáo dục con em của mình. Đồng thời, thông qua hoạt động xét xử lưu động, cơ quan tòa án đã đấu tranh với những hành vi vi phạm pháp luật xảy ra trong cộng đồng. Bình quân mỗi năm, TAND hai cấp của tỉnh tổ chức được trên 250 phiên tòa xét xử lưu động. Đây là sự nỗ lực rất lớn của của TAND hai cấp trong tỉnh.
Thực tiễn cho thấy việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua công tác xét xử các phiên toà lưu động ít nhiều có tác dụng đối với những địa bàn phức tạp về một số loại tội phạm nào đó. Nhưng khi đánh giá về mặt hạn chế, một số cán bộ công tác lâu năm trong ngành TAND và các chuyên gia pháp lý cho rằng việc tổ chức phiên tòa lưu động ngoài trụ sở Tòa án là một nhiệm vụ rất khó khăn về nhiều phương diện. Vấn đề đầu tiên là không an toàn vì Hội đồng xét xử phải đi xa, mang theo hồ sơ nên có thể có những bất trắc xảy ra, nhất là những vụ án mà các bị cáo là tội phạm mang tính băng nhóm. Cùng với đó là do phụ thuộc vào địa điểm địa phương bố trí nên tính uy nghiêm của Tòa án trong nhiều trường hợp cũng không bảo đảm. Về kinh tế, xét xử lưu động tốn kém hơn xét xử tại trụ sở do tiền vận chuyển (Quốc huy, vành móng ngựa, trang thiết bị âm thanh), tiền công tác phí, tiền huy động người hỗ trợ, bảo vệ… nên ngoài kinh phí của Tòa án cấp trên cấp, các địa phương thường phải hỗ trợ thêm kinh phí xét xử lưu động cho Tòa án cùng cấp.
Bên cạnh đó, việc xét xử lưu động gây tâm lý xấu hổ, bị làm nhục, lo lắng, sợ hãi cho bị cáo và thân nhân của bị cáo, như: Cha mẹ, vợ, chồng, con cái, họ hàng cũng đều bị tổn thương. Hậu quả tiếp theo là bị cáo sẽ khó hòa nhập cộng đồng, vì các phiên tòa xét xử lưu động thường tổ chức tại nơi cư trú hoặc địa phương khác nhưng có người thân, người quen của bị cáo. Đối với người dự phiên tòa thì bên cạnh mặt tích cực là hiểu biết thêm về pháp luật, cũng có những mặt trái mang tính tiêu cực. Đó là họ phải chứng kiến, nghe thuật lại chi tiết vụ án, trong đó có nhiều vụ án giết người gây hậu quả thảm khốc; các vụ án miêu tả về cách thức trộm cắp tài sản… nên tác động của những thông tin đó đến mỗi đối tượng có sự khác nhau.
Hiến pháp và pháp luật đã và đang đề cao quyền con người, quyền công dân và nội dung này cũng thể hiện rõ trong chiến lược cải cách tư pháp. Như vậy, khi đưa một người về địa phương nơi cư trú để xét xử nên cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng bởi họ cần tái hòa nhập cộng đồng khi đã thi hành xong bản án. Từ những vấn đề đã nêu, nên chăng ngành TAND chỉ tổ chức phiên tòa giả định trên phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật.