Theo lãnh đạo TAND TP Hà Nội, việc xử kín ông Nguyễn Đức Chung nhằm mục đích bảo vệ các nội dung liên quan đến bí mật nhà nước.
Theo dự kiến, ngày 11-12 tới, TAND TP Hà Nội sẽ đưa ra xét xử vụ án Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước với 4 bị cáo là: Nguyễn Đức Chung (SN 1967, cựu Phó Bí thư Thành ủy, cựu Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội); Phạm Quang Dũng (SN 1983, cựu cán bộ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an); Nguyễn Hoàng Trung (SN 1983, công tác tại Phòng Thư ký – Biên tập, Văn phòng UBND thành phố Hà Nội); Nguyễn Anh Ngọc (SN 1974, Phó trưởng Phòng Thư ký - Biên tập, Văn phòng UBND thành phố Hà Nội).
Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Trương Việt Toàn, Phó Chánh án tòa Hình sự TAND TP Hà Nội. Theo thẩm phán Trương Việt Toàn, vụ án được xét xử kín để đảm bảo các nội dung liên quan đến bí mật nhà nước, nhưng phần tuyên án sẽ diễn ra công khai. Phóng viên báo chí được phép dự đưa tin tuyên án.
Không chỉ riêng vụ án này, trước đây nhiều vụ án đã được xét xử kín để đảm bảo bí mật Nhà nước hoặc vì lý do nhân đạo. Nói về điều này, luật sư Diệp Năng Bình, trưởng VP Luật sư Tinh thông luật cho biết: “Xét xử kín được hiểu là không phải tất cả mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa, như trường hợp xét xử công khai. Nhưng theo quy định HĐXX phải tuyên án công khai”.
Theo luật sư Diệp Năng Bình, trong các phiên tòa xét xử kín chỉ có Hội đồng xét xử, kiểm sát viên, thư ký phiên tòa, bị cáo, đương sự và những người tham gia tố tụng do Hội đồng xét xử triệu tập nếu xét thấy cần thiết. Còn lại, không một ai khác được ở lại phòng xét xử để theo dõi diễn biến phiên tòa, kể cả nhà báo hay người thân của bị cáo, đương sự...
Hiến pháp năm 2013 quy định về nguyên tắc xét xử tại Điều 103, trong đó nêu rõ: “Tòa án nhân dân xét xử công khai. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự, Tòa án nhân dân có thể xét xử kín”.
Theo đó, những trường hợp được xét xử kín thông thường là những vụ án cần giữ bí mật nhà nước, những vụ án xâm hại tình dục… Đặc biệt là những vụ án mà nạn nhân là trẻ em, người chưa thành niên thường được xét xử kín, tránh gây áp lực tâm lý cho nạn nhân.
Đối với những nội dung tuyên án của một phiên tòa kín, luật sư Diệp Năng Bình cho biết: “Phần tuyên án công khai sẽ chỉ nêu họ tên các bị cáo, tội danh bị kết án và mức hình phạt cụ thể đối với từng bị cáo. Có thể hiểu, quy định về việc tuyên án công khai này nhằm đảm bảo phán quyết của Tòa án phải được công khai để từ đó giúp nhân dân giám sát và kiểm tra tính khách quan, minh bạch của phán quyết”.
Theo luật sư Bình, một điều quan trọng nữa của việc tuyên án công khai cũng nhằm giáo dục ý thức pháp luật, tuyên truyền pháp luật cho người dân bởi, thông qua hoạt động xét xử công khai mọi người nhận thức được rằng bất cứ sự việc vi phạm pháp luật nào đều bị xử lí theo pháp luật, thể hiện tính răn đe và mục đích phòng ngừa chung.
Trước đó, một vụ án được xét xử kín, đó là phiên xử Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”, SN 1975, trú TP Đà Nẵng), Phan Hữu Tuấn (SN 1955, trú quận Tây Hồ, TP Hà Nội, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Tình báo, Bộ Công an, đã nghỉ hưu) và Nguyễn Hữu Bách (SN 1963, trú quận Hoàng Mai, TP Hà Nội, nguyên cán bộ Bộ Công an) diễn ra trong năm 2018. Các bị cáo bị truy tố cùng về tội Cố ý làm lộ bí mật nhà nước.
Trong vụ án này, để đảm bảo các nội dung về bí mật nhà nước, phiên tòa cũng được xét xử kín. Truyền thông báo chí chỉ được tác nghiệp trong quá trình tuyên án. Theo đó, HĐXX đã tuyên phạt các bị cáo: Phan Văn Anh Vũ 9 năm tù giam; Phan Hữu Tuấn 7 năm tù giam; Nguyễn Hữu Bách 6 năm tù giam, cùng với tội danh Cố ý làm lộ bí mật nhà nước.