Thời gian gần đây, nhiều vụ việc liên quan đến vấn đề xâm hại tình dục ở trẻ em bị phát giác cho thấy dạng tội phạm này luôn tiềm ấn và diễn biến phức tạp. Để bảo vệ an toàn cho trẻ rất cần sự quan tâm của gia đình và cộng đồng, đặc biệt là sự lên tiếng của người trong cuộc khi đối diện những điều mang tính nhạy cảm, khó nói.
Ngày 16/5/2021, Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) tiếp nhận thông tin một trường hợp bé gái, tại thị trấn Chợ Chu (Định Hóa) bị xâm hại tình dục. Cháu H. (xin được giấu tên) sinh năm 2007, hiện đang đi học tại một trường THCS trên địa bàn. Tìm hiểu ban đầu cho thấy, H. có hoàn cảnh tương đối đặc biệt, bố mất sớm, mẹ làm công nhân tại Bắc Ninh nên em phải ở cùng với bà ngoại. Bản thân H. có sức khỏe yếu và trí tuệ không được minh mẫn như người bình thường. Điều đáng buồn là khi phát hiện, em đã mang thai được khoảng 27 tuần tuổi. Xác minh ban đầu của cơ quan chức năng, đối tượng xâm hại tình dục H. sinh năm 2002 lại có họ hàng gần với nạn nhân.
Chị Lê Hải Yến, cán bộ Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội cho biết: Với trường hợp của H., chúng tôi đã xuống trực tiếp tìm hiểu hoàn cảnh, tư vấn cho người thân về pháp lý và các kỹ năng chăm sóc; trò chuyện, chia sẻ để giúp cháu ổn định tâm lý. Vì lý do lịch COVID-19 bùng phát ở Bắc Ninh nên đến tận bây giờ mẹ cháu vẫn chưa về được.
Trung bình mỗi năm, Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh tiếp nhận thông tin hàng chục vụ việc xâm hại tình dục trẻ em thông qua tổng đài tư vấn miễn phí 18008080 hoặc chính quyền địa phương, cơ quan chức năng báo cáo. Chị Trần Bảo Khánh, Trưởng phòng Công tác xã hội và Phát triển cộng đồng của của Trung tâm nhận định: Con số này mới phản ánh một phần thực tế, bởi có rất nhiều trường hợp gia đình, người thân không biết, không nhận thức được đó là hành vi xâm hại trẻ em hoặc biết nhưng vì tâm lý ngại va chạm, đàm tiếu của cộng đồng mà không cung cấp thông tin.
Một khía cạnh đáng chú ý là có nhiều trường hợp trẻ đang đi học nảy sinh tình cảm yêu đương và bị lợi dụng xâm hại tình dục. Như trường hợp cháu T., sinh năm 2004 ở xã Tân Kim (Phú Bình) có hẹn và đồng ý đi chơi với Nguyễn Văn Hoàng, sinh năm 1995 ở cùng Tân Kim. Hoàng đã đưa T. lên khu vực đồi vắng rồi dùng vũ lực xâm hại. Cả 2 đối tượng nói trên đều đã bị bắt giữ và xét xử với mức án nghiêm minh, thế nhưng hậu quả để lại về sức khỏe và tinh thần đối với nạn nhân chắc chắn sẽ còn ám ảnh mãi.
Đề cập vấn đề trên, chị Trần Bảo Khánh cho rằng: Trong một số trường hợp đã có ý kiến đổ lỗi phần nào do bản thân các cháu mải chơi, quan hệ yêu đương sớm. Tuy nhiên, cần khẳng định rằng dù bất cứ hoàn cảnh nào thì trẻ cũng đều là nạn nhân. Và nguyên nhân chính là nhận thức của cha mẹ và cộng đồng về nguy cơ xâm hại trẻ em chưa đầy đủ; chưa có định hướng, trang bị cho trẻ kiến thức và kỹ năng cần thiết để tự bảo vệ. Trong rất nhiều vụ việc, thủ phạm gây ra các vụ xâm hại trẻ em lại là người thân hoặc có quen biết. Khi phát hiện thì gia đình còn giấu giếm, còn thủ phạm tìm cách thoả thuận với người nhà nạn nhân.
Để bảo vệ an toàn cho trẻ, rất cần sự quan tâm của cả cộng đồng với nhiều giải pháp đồng bộ; kiên quyết lên tiếng với hành động xâm hại một cách văn minh và theo đúng quy định pháp luật, tránh gây những tổn thương không cần thiết cho các bên liên quan.