Giải quyết tồn tại trong quản lý đất đai

08:26, 02/06/2021

Tính từ thời điểm tháng 10-1993, việc quản lý tài nguyên đất đã được Luật hóa. Tiếp đó, sau mốc thời gian 10 năm, pháp luật về quản lý đất đai tiếp tục được Nhà nước hoàn thiện, bổ sung. Tuy nhiên đến nay, hành lang pháp lý trong lĩnh vực đất đai vẫn còn có những khoảng trống, nảy sinh nhiều bức xúc, dễ xảy ra tranh chấp giữa các tổ chức, cá nhân với nhau và giữa tổ chức, cá nhân với cơ quan quản lý…

Để quản lý tốt lĩnh vực đất đai, Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai năm 2013 với nhiều nội dung được sửa đổi, bổ sung so với Luật Đất đai năm 1993 và Luật Đất đai năm 2003. Theo đó, Chính phủ đã ban hành trên 10 nghị định; các bộ, ngành đã ban hành hơn 50 thông tư, thông tư liên tịch để hướng dẫn thực thi pháp luật về đất đai. Trên cơ sở quy định của luật, các văn bản hướng dẫn và điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, UBND tỉnh cũng đã ban hành các quyết định về quản lý Nhà nước lĩnh vực đất đai trên địa bàn toàn tỉnh.

Tuy nhiên, trong suốt quá trình thi hành Luật Đất đai năm 2013 đến nay, trên địa bàn tỉnh vẫn còn có vướng mắc, đất đai vẫn là vấn đề “nóng”, căn nguyên dẫn đến đơn thư, khiếu kiện của các tổ chức, cá nhân (tỷ lệ đơn thư, khiếu kiện liên quan đến đất đai chiếm gần 40% trong tổng số đơn thư, khiếu kiện gửi tới cơ quan chức năng của tỉnh hàng năm). Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập tới một số nội dung, vấn đề bất cập của trong công tác quản lý đất đai của tỉnh đã, đang gây phiền phức cho người dân, ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp tới công tác quản lý nhà nước đối với một số lĩnh vực khác.

Trên địa bàn tỉnh hiện có hàng vạn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) được cấp vào giai đoạn cuối năm 1994, có nội dung ghi cùng số thửa nhưng thêm phụ lục a và b. Cụ thể, cùng một thửa đất nhưng phần đất ở được cơ quan chức năng ghi chú là a, phần đất cây lâu năm (người dân quen gọi là đất vườn tạp) cơ quan chức năng lại ghi chú là b. Ông Phạm Văn An, ở xóm Nam Sơn, xã Linh Sơn (T.P Thái Nguyên) cho biết: Gia đình tôi đã kê khai, hoàn thành hồ sơ và được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận QSDĐ tháng 12-1994. Trong đó, phần đất ở của gia đình là thửa 375a, phần đất cây lâu năm cơ quan chức năng lại ghi chú là thửa 375b. Khi gia đình tôi đề nghị chia tách cho các con thì cán bộ chuyên môn giải thích đây là 2 thửa đất khác nhau nên phải gộp thửa. Thủ tục gộp thửa lại rất phức tạp và phải cấp đổi luôn cả giấy chứng nhận QSDĐ.

Qua khảo sát chúng tôi được biết không chỉ tại xã Linh Sơn mà nhiều địa phương khác trong tỉnh cũng có tình trạng cùng thửa đất nhưng trên giấy chứng nhận QSDĐ cơ quan chức năng ghi chú thành 2 phần a và b nên kéo theo nhiều thủ tục khác khi người dân muốn chia tách, chuyển nhượng. Thêm nữa là tại một số địa phương trong tỉnh có việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ ở mang tên hộ gia đình dù đây là tài riêng của cá nhân hoặc cặp vợ chồng. Đối với những trường hợp đất ở cấp cho hộ gia đình khi chuyển nhượng, thế chấp vay vốn, cơ quan tài nguyên môi trường và các phòng công chứng lại yêu cầu chủ sử dụng đất phải xác định toàn bộ các thành viên khác từ 18 tuổi trở lên trong sổ hộ khẩu thời điểm được cấp giấy chứng nhận QSDĐ.

Ông Nguyễn Duy Luận, ở phường Phan Đình Phùng (T.P Thái Nguyên) cho biết: Tôi nhận chuyển nhượng QSDĐ vào thời điểm năm 2005 và đây là tài sản riêng của vợ chồng tôi, nhưng UBND T.P Thái Nguyên khi cấp chứng nhận QSDĐ ghi hộ nên lúc thế chấp vay vốn ngân hàng tôi phải đi 3 tỉnh để lấy chứ ký xác nhận của bố, mẹ, em trai, em gái và cả em dâu vì thời điểm đó chúng tôi chung sổ hộ khẩu nên mất rất nhiều thời gian, chi phí.

Một số khu vực trong tỉnh chưa đo đạc bản đồ nhưng cấp huyện vẫn cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho người dân nên dẫn đến việc trên giấy chứng nhận QSDĐ ghi chú thửa số 0, tờ bản đồ số 0. Do vậy, khi người dân chuyển nhượng, cho tặng, thế chấp cũng phát sinh nhiều thủ tục. Công chứng viên Trương Văn Minh cho biết: Chúng tôi gặp một số trường hợp giấy chứng nhận QSDĐ ghi thửa số 0, tờ bản đồ số 0 nên chưa thể công chứng được hồ sơ do lo ngại tranh chấp giữa các hộ có QSDĐ giáp ranh…

Một số vấn đề khác trong quản lý đất cũng cần được cấp có thẩm quyền sớm tháo gỡ là việc chuyển mục đích đất trồng lúa sang mục đích đất trồng cây hàng năm, cây lâu năm phù hợp với nhu cầu sử dụng của người dân, quy hoạch phát triển kinh tế của địa phương thì theo quy định của pháp luật là do UBND cấp xã thực hiện, nhưng hiện vẫn còn nhiều thủ tục. Việc chuyển mục đích đất nông nghiệp sang đất ở đối với khu vực phù hợp quy hoạch, trong hạn mức đất ở đối với hộ gia đình ở nông thôn và đô thị (400m2/hộ ở nông thôn, 300m2/hộ ở đô thị) thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện (cấp giấy chứng nhận QSDĐ lần đầu) nhưng hiện nay vẫn phải trình lên các kỳ họp của HĐND tỉnh để thông qua kế hoạch sử dụng đất mỗi năm 2 lần; việc đăng ký kế hoạch sử dụng đất đối với các hộ gia đình, cá nhân chưa được đưa vào bộ thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai dẫn đến các cấp, ngành liên quan thoái thác, đủn đẩy trách nhiệm…

Những vấn đề nêu trên cũng đã được cử tri trong tỉnh phản ánh tới đại biểu dân cử hoặc đại diện cơ quan chức năng các cấp, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, đồng bộ trên toàn tỉnh. Hy vọng tới năm 2023, Luật Đất đai tiếp tục được sửa đổi, bổ sung lần thứ 4 thì những vướng mắc, bất cập mới nảy sinh trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai sẽ được xem xét điều chỉnh.