Để người khuyết tật (NKT) được hưởng đầy đủ và bình đẳng các quyền con người, quyền tự do cơ bản mang tính toàn cầu và tạo điều kiện tham gia vào các hoạt động xã hội; đồng thời xây dựng xã hội không rào cản theo cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế, ngày 17/6/2010, tại kỳ họp thứ 7 khoá XII, Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội Việt Nam đã thông qua Luật Người khuyết tật, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2011.
Ngay sau khi Luật Người khuyết tật có hiệu lực, ngành Tư pháp tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện, chương trình tuyên truyền Luật này. UBND Tỉnh đã chỉ đạo Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật của tỉnh tổ chức hội nghị tập huấn, triển khai Luật Người khuyết tật đến cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn tỉnh, trong đó chú trọng đáp ứng yêu cầu tìm hiểu pháp luật của nhóm NKT; chỉ đạo Trung tâm Trợ giúp pháp lý tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền, phổ biến và kịp thời Luật Người khuyết tật đến đội ngũ trợ giúp viên pháp lý, luật sư, cộng tác viên, chuyên viên, những người làm công tác trợ giúp pháp lý (TGPL) trên địa bàn tỉnh thông qua các đợt tập huấn nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng tham gia tố tụng cho những người thực hiện TGPL. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về các quyền của NKT, tăng cường năng lực cho người thực hiện TGPL và nâng cao hiệu quả TGPL cho NKT.
Hoạt động truyền thông triển khai Luật Người khuyết tật đã được Sở Tư pháp chú trọng với nhiều hình thức khác nhau. Từ năm 2011 đến nay, ngành Tư pháp đã biên soạn và in trên 33.000 cuốn Thông tin pháp luật (nay là Bản tin Tư pháp Thái Nguyên), cập nhật các tin tức, sự kiện, các hoạt động triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của các sở, ban, ngành, các văn bản pháp luật mới nhất do Quốc hội, Chính phủ, UBND tỉnh ban hành, trong đó có nhiều văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực bảo vệ, hỗ trợ, chăm sóc NKT. Cuốn Bản tin Tư pháp được cấp phát đến các sở, ban, ngành của tỉnh, các huyện, thành phố, thị xã và các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh, sử dụng làm tài liệu phổ biến pháp luật và trang bị bổ sung tài liệu cho tủ sách pháp luật của địa phương. Ngành đã phối hợp với Báo Thái Nguyên, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh xây dựng chuyên trang, chuyên mục về giải đáp, phổ biến pháp luật, trong đó có nội dung tìm hiểu Luật Người Khuyết tật để đăng tải, phát sóng theo định kỳ hàng tuần, hàng tháng.
Ngành đã biên soạn và cấp phát gần 125.000 tờ gấp pháp luật liên quan đến các nội dung như phòng, chống mại dâm; phòng chống ma túy, một số quy định của Bộ luật Hình sự… để cấp phát cho người dân. Đây là những thông tin pháp luật giúp cho người dân nói chung, trong đó có NKT phòng ngừa, tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm cũng như giúp người dân hỗ trợ, bảo vệ NKT tránh các hành vi vi phạm pháp luật.
Để đẩy mạnh các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung, góp phần vào việc phòng ngừa tệ nạn xã hội, Ngành cũng đã chủ động phối hợp với nhiều đơn vị trong tỉnh triển khai công tác này như: Phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh tổ chức 28 buổi tuyên truyền; phối hợp với Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, Trại giam Phú Sơn, Trung tâm cai nghiện tự nguyện huyện Đại Từ… tổ chức trên 100 hội nghị tuyên truyền phổ biến pháp luật cho các đối tượng đặc thù, trong đó có nhiều đối tượng là NKT.
Hàng năm, căn cứ vào kế hoạch của Bộ Tư pháp, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước của tỉnh đã tham mưu cho Sở Tư pháp trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch TGPL cho NKT trên địa bàn tỉnh để triển khai thực hiện; tham mưu cho Hội đồng phối hợp liên ngành hướng dẫn về đối tượng thuộc diện TGPL theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý, tăng cường phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện TGPL cho NKT. Nói về thực hiện TGPL cho đối tượng là NKT, Ông Vũ Văn Chính, Giám đốc Trung tâm chia sẻ: Thông qua hoạt động TGPL lưu động, tư vấn pháp luật, truyền thông tại cơ sở, kể từ khi triển khai Luật Người khuyết tật năm 2010, Trung tâm đã tiếp nhận và thực hiện 97 vụ việc TGPL cho các đối tượng là NKT, trong đó: tư vấn pháp luật 64 vụ; tham gia tố tụng bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp 30 vụ; đại diện ngoài tố tụng 3 vụ. Ngoài ra, Trung tâm cũng đã phối hợp với Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam tổ chức Tọa đàm về các chính sách cho NKT tại Thái Nguyên.
Ông Trần Việt Dũng, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Thái Nguyên cho biết: Cùng với triển khai thực hiện Đề án trợ giúp NKT giai đoạn 2012-2020 theo Quyết định 1019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch của tỉnh, việc triển khai thực hiện Luật Người khuyết tật đã giúp cho NKT có điều kiện tiếp cận các dịch vụ TGPL. Điều này đã tác động đến đời sống pháp luật và ý thức tuân thủ pháp luật, chấp hành pháp luật của mọi người dân, trong đó có NKT; hạn chế tranh chấp, vi phạm pháp luật. Hoạt động TGPL nói chung và TGPL cho NKT đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy đảng, chính quyền và các cơ quan chức năng có thẩm quyền; huy động mọi nguồn lực trong xã hội cùng tham gia hoạt động trợ giúp cho NKT, tạo mọi điều kiện giúp họ chủ động vươn lên, tham gia bình đẳng vào các hoạt động kinh tế - xã hội.
Đại diện NKT, ông Đoàn Nhật Minh, Chủ tịch Hội NKT T.P Thái Nguyên bày tỏ: Được nghiên cứu và học tập Luật Người khuyết tật, chúng tôi hiểu thêm về quyền, nghĩa vụ của mình và trách nhiệm của Nhà nước, gia đình, xã hội đối với NKT. Chúng tôi được xã hội quan tâm nhiều hơn, có cơ hội tiếp cận với nhiều chương trình, dự án của các tổ chức trong nước và quốc tế dành cho NKT. Từ đó, chúng tôi thêm tự tin để hòa nhập cộng đồng.