Mua bán, sử dụng trái phép thông tin cá nhân có thể bị phạt tù

08:03, 01/06/2021

Thời gian gần đây, nhiều người rất khó chịu vì nhận được các cuộc điện thoại lạ mời mua đất, tham gia các sàn giao dịch, thị trường Forex… Nhiều người đặt câu hỏi tại sao những đối tượng gọi điện ở tận T.P Hồ Chí Minh hoặc các tỉnh, thành khác lại biết thông tin cá nhân, số điện thoại của mình… 

Trao đổi cùng chúng tôi, Đại úy Phạm Tuấn Nguyên, điều tra viên Đội Phòng ngừa đấu tranh và hướng dẫn điều tra tội phạm sử dụng công nghệ cao và có yếu tố nước ngoài, Phòng Cảnh sát Hình sự (Công an tỉnh) cho biết: Mới đây nhất, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm (PCTP) sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an đã đấu tranh với nhóm đối tượng có hoạt động mua bán, sử dụng, trái phép dữ liệu cá nhân. Khám xét khẩn cấp 7 địa điểm tại nhiều tỉnh, thành đã áp dụng biện pháp tố tụng đối với 15 đối tượng liên quan, vô hiệu hoá 6 đường dây chiếm đoạt, mua bán dữ liệu quy mô lớn. Đặc biệt là ngày 4/5/2021, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can đối với 2 đối tượng gồm: Dư Anh Quý (sinh năm 1988) và vợ là Lại Thị Phương (sinh năm 1992, Giám đốc Công ty VNIT TECH), địa chỉ huyện Đông Anh, T.P Hà Nội. Qua điều tra, lực lượng chức năng xác định các đối tượng này đã thu thập, chiếm đoạt, mua dùng trái phép gần 1.300GB dữ liệu, chứa hàng tỷ thông tin về các cá nhân, tổ chức trên toàn quốc.

Vậy vì sao các thông tin của tổ chức, cá nhân lại bị lộ, mua bán trái phép? Theo Đại úy Phạm Tuấn Nguyên, hiện nay nhiều tổ chức, cá nhân khi thực hiện các giao dịch liên quan đến việc cung cấp thông tin như: Số điện thoại, địa chỉ, ngày tháng năm sinh… có thể là thông tin của khách hàng điện lực, phụ huynh, học sinh, khách hàng của ngân hàng... Khi có những thông tin này, nhiều cá nhân đã lợi dụng rao bán. Trên địa bàn tỉnh ta, lực lượng Công an chưa nhận được tố giác liên quan đến việc mua bán trái phép thông tin, nhưng nếu kẻ xấu lợi dụng các thông tin của cá nhân giao dịch vay tiền trên mạng hoặc làm các việc bất minh khác sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến danh dự, thậm chí khi đối tượng thực hiện những hoạt động vi phạm pháp luật, khi đó chính chủ sẽ phải xử lý các rắc rối phát sinh.

Thời gian qua, hoạt động thu thập, chiếm đoạt, mua bán, sử dụng trái phép thông tin, dữ liệu cá nhân trên không gian mạng diễn biến phức tạp. Theo Cục An ninh mạng và PCTP sử dụng công nghệ cao, những dữ liệu này được các đối tượng thu thập từ nhiều nguồn và bằng nhiều phương thức khác nhau, đáng chú ý là lợi dụng quyền quản trị hệ thống thông tin tại một số cơ quan, doanh nghiệp để trích xuất dữ liệu. Quá trình điều tra, các đơn vị nghiệp vụ đồng thời đã phát hiện nhiều cá nhân, doanh nghiệp mua dữ liệu với số lượng lớn từ các đối tượng để sử dụng trái phép. Có dấu hiệu về sự thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý của một số cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đối với thông tin, dữ liệu cá nhân về khách hàng do mình quản lý; một số doanh nghiệp khai thác, sử dụng trái phép dữ liệu khách hàng để cung cấp cho bên thứ ba nhằm thu lợi bất chính.

Trước thực trạng trên, lực lượng chức năng khuyến cáo người dân cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi cung cấp thông tin cá nhân của mình cho các dịch vụ trên mạng. Luôn có thói quen kiểm tra, định kỳ thay đổi các thông tin xác thực để giảm thiểu nguy cơ lộ, lọt, mất an toàn thông tin cá nhân. Khi phát hiện lộ lọt, bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép thông tin, các tổ chức, cá nhân báo cho cơ quan chức năng có thẩm quyền liên quan để phối hợp xử lý, lực lượng công an nơi gần nhất hoặc số điện thoại: 02083.855232 để được giải quyết