Là tỉnh có thế mạnh về đất lâm nghiệp, với mục tiêu hình thành một tổ chức “đòn bẩy” phát huy thế mạnh này cho nên năm 2001, Bắc Kạn thành lập Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bắc Kạn (Công ty) trên cơ sở sáp nhập nguyên trạng sáu lâm trường quốc doanh. Tuy nhiên từ đó tới nay, Công ty hoạt động kém hiệu quả, làm mất vốn, mất đất, mất rừng, nhiều sai phạm gây bức xúc trong dư luận.
Sản xuất, kinh doanh kém hiệu quả
Sau khi thành lập, Công ty được tỉnh Bắc Kạn giao quản lý, sử dụng hơn 17.728 ha đất rừng, gồm: Hơn 3.298 ha đất rừng phòng hộ, hơn 14.400 ha đất rừng sản xuất cùng một số đất nông nghiệp và đất chuyên dùng. Với 100% vốn nhà nước, cộng với nguồn lực đất đai rất lớn, những tưởng Công ty sẽ hình thành trục sản xuất lâm nghiệp bền vững, hiệu quả thì trên thực tế lại ngược lại. Yếu kém, sai phạm của Công ty này diễn ra hàng chục năm trời mà biểu hiện đầu tiên là từ việc tùy tiện trong xây dựng tổ chức bộ máy.
Từ năm 2012, các luật: Doanh nghiệp, Lao động, Đầu tư… đã được sửa đổi, tuy nhiên, Công ty vẫn giữ nguyên quy chế quản lý tài chính như cũ. Trong tổ chức bộ máy, nhiều trường hợp bổ nhiệm sai quy định. Theo Thanh tra tỉnh Bắc Kạn, qua kiểm tra 11 hồ sơ bổ nhiệm, bổ nhiệm lại lãnh đạo, quản lý tại Công ty thì phát hiện, Công ty không thực hiện đúng trình tự theo quy định; nhiều hồ sơ thậm chí không có biên bản lấy phiếu tín nhiệm, văn bằng, chứng chỉ, giấy khám sức khỏe…
Một trong những vụ việc gây bức xúc dư luận của Công ty là việc chuyển giao hàng nghìn héc-ta đất lâm nghiệp sang Công ty CP Sahabak không đúng quy định trong khi những hộ dân lân cận thì lại không có đất để trồng rừng. Theo tìm hiểu, ngày 27/12/2007, UBND tỉnh Bắc Kạn cho phép Công ty hợp tác với Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn xây dựng nhà máy chế biến gỗ tại khu công nghiệp Thanh Bình, huyện Chợ Mới. Hai đơn vị cùng góp vốn, trong đó, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bắc Kạn góp vốn bằng rừng và đất rừng, thành lập Công ty CP Sahabak. Ngày 3/9/2009, UBND tỉnh Bắc Kạn ban hành văn bản đồng ý về chủ trương cho tách 2.338 ha đất của Công ty quản lý chuyển cho Công ty CP Sahabak quản lý theo quy định, trong đó có 710 ha đất có rừng và tài sản trên đất đã được dùng vào việc góp vốn giá trị tài sản trên đất để thành lập Công ty CP Sahabak.
Ngày 2/10/2009, Công ty ban hành Quyết định số 170/2009/QĐ-CT chuyển giao rừng và đất lâm nghiệp tại tiểu khu Khe Tao, xã Quảng Chu, huyện Chợ Mới cho Công ty CP Sahabak với tổng diện tích hơn 2.338 ha, gồm 710 ha rừng trồng và hơn 1.628 ha rừng tự nhiên. Ngay sau khi nhận bàn giao, Công ty CP Sahabak đã khai thác hơn 588 ha rừng trồng. Tuy nhiên, đến tận năm 2011, công ty này mới ký hợp đồng thẩm định giá với Công ty CP Thông tin và Thẩm định giá miền nam để thẩm định giá trị rừng là 710 ha. Theo chứng thư thẩm định của Công ty CP Thông tin và Thẩm định giá miền nam thì tổng giá trị tài sản này hơn 29 tỷ đồng, tài sản thẩm định là hơn 112 ha rừng trồng thuộc dự án 327 và 661 cùng hơn 507 ha rừng trồng nguyên liệu, phần còn lại không xác định giá trị.
Theo Thanh tra tỉnh Bắc Kạn, Quyết định số 170/2009/QĐ-CT chuyển giao rừng và đất lâm nghiệp tại tiểu khu Khe Tao cho Công ty CP Sahabak là không đúng thẩm quyền theo quy định tại Luật Đất đai và Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2014. Quyết định này đồng thời không thực hiện đúng ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh. Ngoài ra, chứng thư thẩm định giá trị tài sản 710 ha rừng chênh lệch quá lớn so với thực tế, khi mà biên bản bàn giao rừng ngày 2/10/2009 đã ghi rõ gồm hơn 668 ha rừng tự nhiên, hơn 855 ha rừng trồng, hơn 737 ha đất chưa có rừng và hơn 34 ha vườn hộ. Điều đáng nói là, dù được phê duyệt góp vốn bằng rừng với trị giá hơn 29 tỷ đồng cùng hơn 4,4 tỷ đồng tiền mặt vào thành lập Công ty CP Sahabak nhưng kết quả đến năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2018, công ty lỗ hơn 38 tỷ đồng dẫn tới âm vốn chủ sở hữu hơn bốn tỷ đồng.
Đối với diện tích đất đã được giao, quản lý, sử dụng, Công ty thực hiện nhiều nội dung “tự ý” không đúng quy định. Tại huyện Ba Bể và Ngân Sơn, Công ty cho Chi nhánh Viettel Bắc Kạn thuê đặt trạm phát sóng từ năm 2009 đến 2019 không đúng quy định. Đến nay, còn hơn 680 triệu đồng phải nộp ngân sách chưa thu được. Công ty hợp đồng giao khoán, chăm sóc, bảo vệ rừng với các hộ dân theo quy chế tự ban hành, áp đặt định mức khoán không căn cứ. Công ty tự điều chỉnh tăng tỷ lệ phần trăm phân chia lợi nhuận, gây thiệt thòi cho người dân nhận khoán. Đây là nguồn cơn của rất nhiều đơn thư, khiếu nại, tố cáo đối với Công ty. Công ty tự ý bàn giao hơn 496 ha đất rừng ngoài quyết định của UBND tỉnh cho UBND cấp xã và các tổ chức khác.
Đối với đất đã được giao, việc quản lý của Công ty cũng rất yếu kém, thiếu trách nhiệm, không đúng với chức trách, nhiệm vụ đã được UBND tỉnh giao. Cụ thể, Công ty không thống kê, kiểm kê rừng, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng trong hàng chục năm, dẫn tới đất bị lấn chiếm mà không hay. Công ty còn quản lý, sử dụng hơn 590 ha đất rừng ngoài quyết định được giao của UBND tỉnh. Từ năm 2007 tới nay, Công ty không ban hành văn bản, tài liệu nào về biện pháp khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh phục hồi rừng, làm giàu rừng, nâng cao hiệu quả kinh tế rừng. Công ty có tới 18 vụ việc vi phạm quy định về bảo vệ rừng, có vụ việc có sự tham gia của cán bộ, lãnh đạo Công ty nhưng chưa xử lý trách nhiệm.
Không khó hiểu với cách quản lý như vậy thì Công ty đã làm mất phần vốn liên doanh 34 tỷ đồng góp vào Công ty CP Sahabak. Công ty có nợ quá hạn phải trả gần năm tỷ đồng. Tính đến ngày 31/12/2019, Công ty nợ hơn 2,6 tỷ đồng tiền lương; hơn 499 triệu đồng bảo hiểm xã hội; hơn 15 triệu đồng bảo hiểm y tế; nợ đọng thuế hơn 2,2 tỷ đồng… Công ty quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh kém hiệu quả, để thiếu vốn kinh doanh, mất vốn, mất đất, mất rừng.
Sẽ xử lý nghiêm những sai phạm
Trước rất nhiều sai phạm của Công ty đã được chỉ ra, Thanh tra tỉnh Bắc Kạn quyết định chuyển hồ sơ có dấu hiệu sai phạm sang cơ quan công an để điều ra làm rõ ba nội dung, gồm: Việc Công ty sử dụng vốn, tài sản và đất đai do Công ty quản lý để góp vốn đầu tư vào Công ty CP Sahabak; việc Công ty cho Công ty CP Sahabak vay vốn hơn 2,9 tỷ đồng và điều tra, làm rõ việc ngân sách nhà nước hỗ trợ để bảo vệ diện tích rừng tự nhiên phải tạm dừng khai thác theo Quyết định số 2242/QĐ-TTg ngày 11/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Về xử lý kinh tế, Thanh tra tỉnh Bắc Kạn yêu cầu Công ty xác định lại số dư nợ hơn 2,2 tỷ đồng; bố trí kinh phí chi trả lương còn nợ hơn 2,6 tỷ đồng và 522 triệu đồng còn nợ bảo hiểm xã hội; bố trí hơn 4,8 tỷ đồng chi trả các khoản nợ quá hạn. Đồng thời, kiến nghị đơn vị tiếp tục thu hồi số tiền hơn 10 tỷ đồng về ngân sách nhà nước theo các kết luận thanh tra của Sở Tài chính và Bộ Tài chính trước đây đã kiến nghị; thu nộp hơn 680 triệu đồng tiền cho thuê đặt trạm Viettel trái quy định.
Thanh tra tỉnh Bắc Kạn cũng kiến nghị UBND tỉnh kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân thuộc Công ty; kiểm điểm trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước đối với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), Sở Nội vụ, Sở Tài chính. Đồng thời kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở NN và PTNT xem xét xử lý vi phạm hành chính của Công ty. Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét lại thực trạng, đề xuất, tham mưu thực hiện chuyển đổi, sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước đối với Công ty do quản lý yếu kém, để mất vốn, mất đất, mất rừng. Sở Tài chính xem xét, tham mưu đưa Công ty vào diện giám sát tài chính đặc biệt. Sở Nội vụ xem xét, tham mưu đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý vi phạm theo quy định. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Bắc Kạn kiểm tra ngay việc Ngân hàng NN và PTNT chi nhánh tỉnh Bắc Kạn cho Công ty vay vốn bằng hình thức ủy quyền ký kết hợp đồng vay vốn và quan hệ tín dụng với năm chi nhánh của Công ty với tổng số tiền năm tỷ đồng chưa đúng quy định.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Long Hải cho biết, trên cơ sở kết luận của Thanh tra tỉnh ban hành sau khi thanh tra toàn diện đối với Công ty, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện các kiến nghị tại kết luận thanh tra. Riêng đối với các nội dung chuyển cơ quan công an điều tra, UBND tỉnh chỉ đạo sớm làm rõ, xử lý nghiêm vi phạm nếu có.