Công tác thi hành án tín dụng ngân hàng (TDNH) có vai trò rất quan trọng, được ví như “liều thuốc” đánh tan “cục máu đông” nợ xấu. Nhằm thực hiện hiệu quả công tác này, thời gian qua, các cơ quan thi hành án dân sự (THADS) trên địa tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc giá trị lớn, phức tạp.
Các cơ quan THADS trên địa bàn tỉnh hiện thi hành các khoản thu hồi nợ cho khoảng 20 tổ chức TDNH trong và ngoài tỉnh. Những năm gần đây, nhất là từ khi tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, số vụ việc thi hành án cho các tổ chức TDNH tăng nhanh. Việc phải tổ chức thi hành án để thu hồi số tiền có giá trị lớn cho các tổ chức TDNH tạo ra áp lực cao cho các cơ quan THADS và chấp hành viên.
Nhằm thực hiện hiệu quả công tác này, hàng năm, Cục THADS tỉnh đã ban hành Kế hoạch hoạt động và kiện toàn Tổ công tác theo dõi chỉ đạo, xử lý các vụ việc liên quan đến hoạt động TDNH nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thi hành dứt điểm các việc TDNH phức tạp, kéo dài.
Thường xuyên rà soát, thống kê các vụ việc thi hành án có liên quan đến các tổ chức TDNH; chủ động chủ trì, phối hợp với các tổ chức tín dụng và cơ quan, tổ chức liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Ông Trần Bình, Phó Cục trưởng Cục THADS tỉnh cho biết: 3 năm trở lại đây, hàng năm Cục THADS tỉnh và Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh đồng tổ chức hội nghị để rà soát kết quả thi hành án TDNH nhằm đánh giá tổng thể về quá trình tổ chức, phối hợp, trao đổi thông tin trong công tác THADS, phát huy những mặt tích cực và kết quả đã đạt được, trao đổi, bàn bạc, phản ảnh các khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị kịp thời phương án giải quyết.
Từ sự nỗ lực của các cơ quan THADS, công tác thi hành án TDNH ngày càng chuyển biến theo chiều hướng tích cực. Từ ngày 1-10-2020 đến nay, tổng thụ lý án TDNH trên địa bàn tỉnh là 160 việc, tương ứng gần 338 tỷ đồng (chiếm 1,45% về việc và 45,56%về tiền thụ lý toàn tỉnh). Trong đó, số chưa có điều kiện thi hành là 70 việc, tương đương số tiền trên 99 tỷ đồng (đã bán hết tài sản thế chấp, người phải thi hành án không có điều kiện thi hành). Số có điều kiện thi hành là 90 việc, tương đương số tiền phải thi hành trên 138 tỷ đồng.
Trong các việc có điều kiện thi hành, cơ quan THADS đã thi hành được 16 việc và gần 49 tỷ đồng, chiếm lần lượt 17,78% về việc và 20,44% về tiền trên tổng số có điều kiện thi hành.
Ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết: Các cơ quan THADS trên địa bàn tỉnh đã quyết liệt, giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc giá trị lớn, phức tạp, tồn đọng, khiếu kiện kéo dài. Nhiều vụ việc bế tắc như chậm bán đấu giá tài sản, tài sản bán nhiều lần không thành, bán thành nhưng không giao được tài sản… đã có “lối thoát”, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức TDNH, giúp các tổ chức thu hồi nợ, giảm nợ xấu và tạo điều kiện mở rộng tín dụng.
Có thể nhận thấy, trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát, lây lan và diễn biến phức tạp, biên chế cắt giảm theo chủ trương chung… ảnh hưởng lớn đến hoạt động thì kết quả đạt được trong thi hành án TDNH đã khẳng định sự nỗ lực, cố gắng của toàn ngành THADS tỉnh.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Cục THADS tỉnh, công tác này vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức như: Tài sản bảo đảm khi nhận thế chấp được định giá cao nhưng khi xử lý thì giá trị thực tế thấp hơn nhiều, thời gian xác minh, xử lý tài sản kéo dài phát sinh chi phí lớn; bản án tuyên không phân chia rõ phạm vi, giới hạn nghĩa vụ đảm bảo của từng tài sản thế chấp trong cùng một vụ việc thi hành án; người phải thi hành án, người có nghĩa vụ liên quan không hợp tác, chống đối; có vụ việc bán đấu giá gần 10 lần nhưng không có người đăng ký mua tài sản, ngân hàng cũng không nhận tài sản để trừ vào số tiền được thi hành án, dẫn đến việc thi hành án bị kéo dài…
Cũng vì vậy, kết quả công tác thi hành án TDNH chưa đạt như kỳ vọng và chưa đáp ứng yêu cầu của Ngành, lượng việc tồn đọng và số tiền phải thi hành vẫn ở mức cao.
Để nâng cao hiệu quả công tác thi hành án TDNH, Cục THADS tỉnh cùng với Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh Thái Nguyên, sẽ tiếp tục chỉ đạo các Chi cục THADS trực thuộc, tổ chức tín dụng bám sát hồ sơ, phối hợp chặt chẽ, xây dựng kế hoạch chi tiết để giải quyết các vụ việc, nhất là các vụ việc còn vướng mắc, kéo dài; chủ động phối hợp với các ban, ngành có liên quan tại địa phương, báo cáo Ban chỉ đạo THADS kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để giải quyết dứt điểm vụ việc có điều kiện thi hành…