Đăng tải những câu chuyện, hoàn cảnh thương tâm cùng đầy đủ các thông tin như: Tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại liên hệ, số tài khoản nhân vật cần giúp đỡ (hoặc tài khoản của người viết bài) nhằm kêu gọi các nhà hảo tâm quyên góp, ủng hộ tiền… Thế nhưng, đã có không ít trường hợp bị phát hiện, tố giác chỉ là màn kịch của một số đối tượng lợi dụng mạng xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, gây bức xúc cho người dân.
Ngày 27-9, tài khoản Facebook “Nguyễn Phương Nga” đăng bài viết lên nhóm “Đại Từ quê mình” và ĐẠI TỪ QUÊ MÌNH có hàng chục nghìn thành viên với nội dung: Em xin mọi người hãy bớt chút lòng thơm thảo giúp con với ạ. Lời cầu cứu của người bố đơn thân bị ung thư máu cho con gái bị bỏng. Mẹ con mới mất cách đây 4 tháng do tai nạn khi trên đường đi về nhà. Xin mọi người cứu con với…Con là Đỗ Diệu Linh, con cùng bố con là Đỗ Minh Hậu, sống cùng bà nội tại xã Minh Tiến, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, 19 tháng tuổi bị bỏng….
Tiếp theo, bài viết nêu nguyên nhân sự việc, hoàn cảnh khó khăn, hình thức liên hệ (mọi người có thể trực tiếp đến thăm con tại Khoa Bỏng lầu 2, phòng 102-Bệnh viện trung ương thái nguyên; SĐT bố con (Hậu) 079.7686.xxx hoặc có thể chuyển khoản trực tiếp giúp đỡ cho bố con: Đỗ Minh Hậu: Số tài khoản 0700.6710.8xxx ngân hàng Sacombank… Xin chân thành tri ân… Xin mọi người hãy chia sẻ bài viết này để cứu giúp bé… Cho đi là còn mãi…).
Sau vài tiếng đăng tải, bài viết thu hút hàng trăm lượt người quan tâm, chia sẻ, trong đó đã có không ít người chuyển tiền ủng hộ và đăng ảnh thông báo chuyển tiền thành công trong phần bình luận… Tuy nhiên đến khoảng hơn 21 giờ cùng ngày, sau khi bị phát hiện đăng thông tin sai sự thật, chủ tài khoản đã xóa bài trên các nhóm này.
Là người tin tưởng và đã chuyển khoản ủng hộ tiền, chị N.L.A chia sẻ: Sau khi đọc bài viết, tôi đã vào trang cá nhân của Nguyễn Phương Nga, thấy thông tin là người Thái Nguyên, không có dấu hiệu nick ảo, hơn nữa số tài khoản là của bố cháu bé nên tôi không hề nghĩ ngợi hay băn khoăn gì. Có nhiều người khác cũng tin và chuyển tiền ủng hộ như tôi. Tôi mong cơ quan chức năng sớm vào cuộc điều tra, làm rõ và tìm ra kẻ lừa đảo…
Còn chị Nguyễn Thị Vân (T.P Thái Nguyên) cho hay: Khi bạn bè tôi thông tin về trường hợp khó khăn này, tôi đã liên hệ với Phòng công tác xã hội của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên và được biết không có trường hợp nào như vậy. Tôi liền đăng bài cảnh báo trên trang cá nhân Facebook “Cỏ Bợ” của mình (ảnh trên - PV) khi biết trước đó có một số người bạn đã chuyển tiền vào số tài khoản nêu trên… Đây là bài học, mong rằng mọi người cần xác minh thông tin trước khi chuyển tiền cho người khác.
Có thể thấy, những vụ việc lừa đảo này không chỉ gây thiệt hại về tiền của, thời gian của các nhà hảo tâm mà còn gây mất niềm tin về lòng tốt trong xã hội, mất đi cơ hội được giúp đỡ của những người thực sự khó khăn.
Do đó, để lòng tốt được trao gửi đúng chỗ, người dân, nhà hảo tâm cần kiểm chứng, xác minh thông tin, lựa chọn cá nhân có nhiều uy tín, kinh nghiệm trong công tác từ thiện, hoặc chọn các quỹ, chương trình từ thiện do Nhà nước, đoàn thể, quỹ xã hội, quỹ từ thiện được cơ quan có thẩm quyền cấp phép đứng ra tổ chức. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, cần kịp thời báo cho cơ quan công an.