Đề cao ý thức thượng tôn pháp luật

19:57, 07/11/2021

Thời gian qua, hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trên địa bàn tỉnh được thực hiện thường xuyên và có nhiều đổi mới, góp phần nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển. Nhân Ngày Pháp luật Việt Nam (9-11), phóng viên Báo Thái Nguyên đã trao đổi với ông Lương Hữu Phước, Phó Giám đốc Sở Tư pháp về vấn đề này.

P.V: Trước hết, ông có thể cho biết việc biên soạn, cung cấp tài liệu và trực tiếp phổ biến các văn bản pháp luật (VBPL) trên địa bàn tỉnh thời gian qua được triển khai thực hiện như thế nào?

Ông Lương Hữu Phước: Hàng năm, Sở Tư pháp đã chủ động tham mưu với Hội đồng tư vấn cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch PBGDPL, trong đó, xác định rõ trách nhiệm, nhiệm vụ của các sở, ban, ngành, địa phương.

Bên cạnh đó, Sở Tư pháp triển khai đồng bộ các hình thức biên soạn, cấp phát tài liệu tuyên truyền PBGDPL; PBGDPL thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, trên nền tảng Internet, các trang mạng xã hội, Cổng thông tin điện tử của tỉnh, trang thông tin điện tử do Sở quản lý (https://pbgdplthainguyen.gov.vn).

Chúng tôi cũng đã xây dựng fanpage PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT - THÁI NGUYÊN. Đồng thời, tăng cường tổ chức và phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức các chương trình PBGDPL thông qua những hội nghị, lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, tổ chức các cuộc thi trực tuyến. Riêng từ đầu năm đến nay, Sở Tư pháp đã tiến hành biên tập, in và phát hành 4.000 cuốn "Bản tin Tư pháp" và 65.000 tờ gấp, cấp phát miễn phí đến tận các xã, phường, thị trấn. Mặc dù tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, song Sở đã có các giải pháp phù hợp để tổ chức các hoạt động PBGDPL theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

P.V: Trường học được đánh giá là một kênh tuyên truyền pháp luật rất hiệu quả. Ông có thể cho biết thêm về hoạt động PBGDPL trong hệ thống giáo dục của tỉnh hiện nay?

Ông Lương Hữu Phước: Để tạo ra sự chuyển biến rõ rệt về mặt nhận thức của các đối tượng thanh thiếu niên, học sinh, thời gian qua, công tác tuyên truyền, PBGDPL trong trường học được tỉnh đặc biệt quan tâm.

Sở Tư pháp đã tăng cường phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường học chú trọng PBGDPL về quyền trẻ em, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Thanh niên, Luật Giao thông đường bộ, Luật Phòng, chống ma túy, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, chính sách pháp luật về môi trường… Thông qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của học sinh, sinh viên.
 
P.V: Hoạt động hòa giải ở cơ sở có vai trò rất quan trọng trong việc giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp ngay từ khi phát sinh. Vậy, việc bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ hòa giải viên (HGV) ở cơ sở được triển khai như thế nào, thưa ông?

Ông Lương Hữu Phước: Từ năm 2013 - thời điểm chưa có Luật Hòa giải ở cơ sở, Sở Tư pháp đã quan tâm tổ chức triển khai nhiệm vụ này. Bám sát Đề án nâng cao năng lực cho đội ngũ HGV ở cơ sở giai đoạn 2019 -2022, Sở đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn UBND cấp huyện triển khai nghiêm túc công tác này.

Chúng tôi cũng thường xuyên chỉ đạo rà soát, kiện toàn, bồi dưỡng tập huấn nghiệp vụ, tăng cường kiểm tra công tác hòa giải ở cơ sở. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 3.317 tổ hòa giải với 19.042 HGV. 100% các HGV được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ và được cung cấp tài liệu giấy, tài liệu điện tử do Bộ Tư pháp ban hành. Riêng năm 2021, ở cấp huyện đã tổ chức được 18 hội nghị tập huấn cho 4.684 tổ trưởng, tổ phó các tổ hòa giải; cấp phát 7.349 bộ tài liệu nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở…

 P.V: Trong giai đoạn 2021-2025, công tác PBGDPL tiếp tục được đổi mới như thế nào, thưa ông?

Ông Lương Hữu Phước: PBGDPL là khâu đầu tiên để đưa pháp luật vào cuộc sống và làm cơ sở cho việc nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của nhân dân. Vì vậy, trong thời gian tới, Sở Tư pháp xác định tăng cường chất lượng tham mưu giúp Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh trong việc tư vấn cho Chủ tịch UBND tỉnh và UBND tỉnh về các nội dung liên quan. Trong đó, trọng tâm là tăng cường trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo về công tác PBGDPL nói chung và PBGDPL cho đồng bào các dân tộc thiểu số, người sinh sống ở khu vực vùng sâu, vùng xa nói riêng.

Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL, bảo đảm phù hợp với trình độ của đồng bào các dân tộc thiểu số. Tập trung PBGDPL và các VBPL về những vấn đề được dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận; những VBPL phục vụ trực tiếp yêu cầu quản lý xã hội, phát triển kinh tế - xã hội…

 P.V: Xin cảm ơn ông!