Trẻ chưa thành niên vi phạm pháp luật là điều đáng lo ngại. Trẻ em là nạn nhân của những vụ án, nhất là trẻ bị xâm hại còn đáng thương hơn. Tuy nhiên, thực tế thì những vụ việc liên quan đến trẻ em lại xảy ra không ít. Lúc này, trẻ và gia đình rất cần một “điểm tựa” để được bảo vệ, chở che. Với vai trò và trách nhiệm của mình, Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) nhà nước tỉnh đã đem lại niềm tin cho nhiều người.
Hằng năm, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh thụ lý khoảng 600 đến 800 vụ việc, tham gia TGPL theo các hình thức: Tư vấn, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng.
Các vụ việc mà đội ngũ cán bộ, công chức Trung tâm tham gia trợ giúp cũng đa dạng gồm: Hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính... Tính từ năm 2021 đến nay, Trung tâm thụ lý trên 800 vụ việc, trong đó có tới trên 140 vụ việc liên quan đến trẻ em dưới 18 tuổi. Trong số này, Trung tâm nhận TGPL (bào chữa) cho 85 bị can và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho 57 bị hại.
Ông Vũ Văn Chính, Giám đốc Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh cho biết: Bị can trong các vụ việc liên quan đến trẻ dưới 18 tuổi chủ yếu là trộm cắp tài sản, đánh nhau gây thương tích; hiếp dâm. Còn trẻ bị xâm hại cũng có nhiều dạng khác nhau nhưp: Bị đánh đập, dâm ô, hiếp dâm. Đặc biệt, trẻ em bị xâm hại tình dục bị ảnh hưởng nghiêm trọng cả thể xác lẫn tinh thần, dẫn tới mặc cảm, khó hòa nhập cộng đồng. Hành vi phạm tội của các đối tượng ảnh hưởng nghiêm trọng đến đạo đức xã hội, gây tâm lý hoang mang trong dư luận, đáng bị lên án.
Điển hình như vụ việc của cháu N.T.H (ở xã T, huyện Phú Bình). Bố mẹ H. ly hôn, mẹ đi bước nữa. Sau một thời gian chung sống, gia đình lại lục đục, mẹ và cha dượng gần như sống ly thân. Trong quãng thời gian mẹ đi làm công nhân ở khu công nghiệp, cháu H. ở nhà đã nhiều lần bị cha dượng dâm ô khiến cháu mang thai khi mới 13 tuổi.
Trong quá trình truy tố, xét xử, trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh đã theo sát để bảo vệ quyền và lợi ích hợp cho bị hại. Tuy vắng mặt tại phiên tòa xét xử, nhưng tiếng nói, nguyện vọng từ phía bị hại đã được trợ giúp viên chuyển tải đầy đủ đến hội đồng xét xử. Hơn nữa, mặc dù rất đồng tình với quan điểm của viện kiểm sát về hình phạt dành cho bị cáo, nhưng do hiểu tâm lý và nỗi khổ của phía bị hại nên trợ giúp viên cũng đề nghị hội đồng xét xử không đề cập đến phần trách nhiệm dân sự…
Những vụ án xâm hại trẻ em nói chung và xâm hại tình dục trẻ em nói riêng luôn được Trung tâm quan tâm, chủ động phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng, kịp thời cử người thực hiện trợ giúp pháp lý, tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại.
Với trẻ em nữ bị xâm hại, Trung tâm luôn chọn người trợ giúp phù hợp (trợ giúp viên, luật sư là nữ), có nhiều kinh nghiệm và am hiểu tâm, sinh lý của bị hại. Những người này sẽ giúp các cháu ổn định về tâm lý, tạo niềm tin cho cả nạn nhân và gia đình bị hại. Trên cơ sở đó, bị hại bao giờ cũng được hội đồng xét xử, các cơ liên quan có thẩm quyền xem xét bồi thường thiệt hại về các mặt: Tinh thần, sức khỏe cũng như các quyền và lợi ích hợp pháp một cách đầy đủ nhất từ phía người phạm tội.
Ngoài ra, Trung tâm cũng như các trợ giúp viên luôn đề nghị các cấp, ngành, địa phương quan tâm, bảo vệ, hỗ trợ bị hại ở nơi cư trú sau khi hoàn thành các thủ tục tố tụng.
Đối với những bị can, bị cáo là người dưới 18 tuổi, Trung tâm yêu cầu trợ giúp viên, luật sư được phân công bào chữa phải tham gia từ đầu trong quá trình tố tụng, đảm bảo thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật. Trên cơ sở đó góp phần giúp các cơ quan tiến hành tố tụng thấy rõ hơn động cơ, nguyên nhân phạm tội của bị can để xem xét đầy đủ, cân nhắc các yếu tố môi trường giáo dục, hoàn cảnh và trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội.
Khi ra tòa, trợ giúp viên, luật sư có những luận cứ bảo vệ, tình tiết giảm nhẹ mang tính thuyết phục cao, đề nghị hội đồng xét xử đưa ra hình phạt phù hợp cho bị cáo. Hình phạt làm sao vừa đảm bảo cho bị cáo thấy được sự khoan hồng của pháp luật nhưng vẫn đảm bảo sức răn đe, giúp bị cáo nhận rõ lỗi lầm, tích cực cải tạo, sớm trở thành người có ích cho xã hội.
Là người trực tiếp TGPL cho nhiều trẻ bị xâm hại, luật sư thực hiện TGPL Thiệu Thị Thanh Huyền chia sẻ: Có nhiều vụ, bị hại và gia đình người bị hại có tâm lý e ngại, lo sợ ảnh hưởng nên gây khó khăn cho công tác điều tra, truy tố, xét xử cũng như TGPL. Ngoài ra, thường thì cả phía người phạm tội và bị hại trong các vụ án liên quan đến trẻ dưới 18 tuổi có hoàn cảnh gia đình đặc biệt, éo le, khó khăn. Có trường hợp thì do bố mẹ ly hôn, gia đình lục đục, thiếu quan tâm hoặc được nuông chiều quá mức, sống buông thả, chưa có nhận thức về pháp luật… nên rất đáng thương, đòi hỏi trợ giúp viên dành nhiều thời gian, tâm huyết.
Không ai muốn thấy cảnh trẻ em phải vướng vào lao lý dù là phía bị hại hay bị can. Bởi vậy, để giảm thiểu tối đa những vụ việc như vậy, ngoài công tác tuyên truyền, vào cuộc trợ giúp của đội ngũ cán bộ Trung tâm TGPL tỉnh, các cấp, ngành, chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật về giới, về tình dục, về quyền của phụ nữ và trẻ em một cách sâu rộng, huy động sự vào cuộc của toàn xã hội trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em – ông Vũ Văn Chính chia sẻ thêm.