Chủ động kiến nghị phòng ngừa vi phạm

Nhị Hà 09:29, 23/08/2023

Trong quá trình thực hiện quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) 2 cấp của tỉnh đã chủ động tổng hợp, phân tích nguyên nhân và điều kiện phát sinh vi phạm để ban hành kiến nghị phòng ngừa. Qua đó góp phần kịp thời khắc phục hạn chế, tăng tính nghiêm minh trong chấp hành pháp luật và đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Viện KSND huyện Định Hóa kiểm sát trực tiếp công tác thi hành án hình sự tại UBND xã Bộc Nhiêu.
Viện KSND huyện Định Hóa kiểm sát trực tiếp công tác thi hành án hình sự tại UBND xã Bộc Nhiêu.

VKSND huyện Đồng Hỷ vừa ban hành kiến nghị phòng ngừa vi phạm pháp luật đối với UBND xã Văn Lăng liên quan đến công tác hộ tịch. Điều này xuất phát từ thực tế xét xử một số vụ ly hôn trên địa bàn.

Tiêu biểu là trường hợp ông N.V.S và bà N.T.V chung sống như vợ chồng từ năm 1998 đến 2022 nhưng không đăng ký kết hôn. Quá trình sống chung, hai người phát sinh mâu thuẫn do ông S. không chịu làm ăn, thường xuyên uống rượu và đuổi bà V. ra khỏi nhà. Sau thời gian dài chịu đựng, năm 2022, bà V. đến Tòa án nhân dân huyện Đồng Hỷ làm thủ tục ly hôn nhưng Tòa không công nhận quan hệ vợ chồng của 2 người.

Để hạn chế những trường hợp tương tự, VKSND huyện kiến nghị UBND xã Văn Lăng nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến Luật Hôn nhân và gia đình đến người dân, nhất là khu vực đồng bào dân tộc thiểu số; các hoạt động giáo dục giới tính cho thanh, thiếu niên. Đồng thời tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình; thường xuyên kiểm tra, phát hiện để xử lý và phòng ngừa vi phạm trong hoạt động quản lý hộ tịch.

Tương tự, thông qua kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự, VKSND huyện Phú Lương đánh giá số vụ việc “cố ý gây thương tích” trên địa bàn có chiều hướng gia tăng; nhiều trường hợp xuất phát từ hành vi bạo lực gia đình với nạn nhân là phụ nữ. 

Chỉ tính từ năm 2021 đến nay đã xảy ra 8 vụ việc gây thương tích có tính chất bạo lực, bạo hành gia đình. Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố hình sự 3 vụ/3 bị can, xử lý hành chính 4 vụ và hiện đang thụ lý giải quyết 1 vụ.

Thực tế cho thấy, phần lớn vụ việc do người dân tố giác hoặc tổ chức, đoàn thể phát hiện, trình báo cơ quan chức năng, còn bản thân bị hại thường im lặng; nhiều trường hợp bị hại còn có đơn đề nghị không xử lý đối tượng bạo hành mình.

Để phòng ngừa các hành vi bạo lực trong gia đình, Viện trưởng VKSND Phú Lương đã kiến nghị với Chủ tịch Hội LHPN huyện thực hiện một số nội dung như: Phối hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới trên các phương tiện thông tin đại chúng và qua các buổi sinh hoạt nhóm, tổ phụ nữ, câu lạc bộ; hướng dẫn hội viên kiến thức, kỹ năng bảo vệ bản thân, về trách nhiệm phát hiện, thông báo, tố giác hành vi bạo lực gia đình; đôn đốc hội phụ nữ cấp xã thực hiện chức năng đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, kịp thời phát hiện và kiến nghị xử lý nghiêm hành vi bạo lực gia đình…

Tính từ đầu năm tới nay, VKSND 2 cấp trong tỉnh đã ban hành hơn 40 kiến nghị với các cơ quan, tổ chức áp dụng biện pháp nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước; phòng ngừa một số vi phạm, tội phạm, như: Xâm hại tình dục trẻ em; quản lý trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thực hiện quy định về thủ tục khai sinh và kiểm sát chặt chẽ điều kiện để đăng ký kết hôn; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; hạn chế, giảm thiểu vi phạm khi tham gia giao thông đường bộ…

Các kiến nghị đều bám sát thực tế, chỉ rõ nguyên nhân, điều kiện phát sinh, những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước và đề ra giải pháp đối với cơ quan liên quan nhằm hạn chế tình trạng vi phạm, tội phạm. Vì vậy đã nhận được sự đồng thuận, nhất trí cao; nhiều cơ quan, đơn vị có văn bản phản hồi và thực hiện những giải pháp khắc phục.

Để đạt kết quả này, lãnh đạo VKSND tỉnh đã giao VKSND cấp huyện, các phòng nghiệp vụ chủ động xây dựng kế hoạch và chỉ tiêu cụ thể về kiến nghị phòng ngừa vi phạm pháp luật.

Thông qua quá trình thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, các kiểm sát viên nắm chắc tình tiết các vụ án; tổng hợp, phân tích, làm rõ nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm để làm cơ sở cho việc tham mưu ban hành kiến nghị phù hợp.

Điều này góp phần quan trọng giúp các tổ chức, cơ quan, đơn vị có giải pháp thiết thực để nâng cao hiệu quả hoạt động; phòng, chống và giảm thiểu vi phạm pháp luật...