"Phiên tòa giả định” là cách làm sáng tạo, hiệu quả, sát thực tế của nhiều địa phương. Cùng với các hình thức truyền thông, giáo dục pháp luật trực tiếp tại các trường học, cộng đồng dân cư, hoạt động tuyên truyền bằng hình thức này đã tạo chuyển biến mới trong công tác tuyên truyền pháp luật cho nhiều đối tượng trong tình hình hiện nay.
Tuyên truyền pháp luật qua phiên tòa giả định là cách làm sáng tạo, hiệu quả, sát thực tế tại nhiều địa phương. (Ảnh: Báo Công lý) |
Sáng 9/12, tại Hà Nội, Tòa án nhân dân tối cao phối hợp Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cùng một số đơn vị liên quan, tổ chức Chương trình Tìm hiểu pháp luật về An toàn giao thông từ “Mô hình phiên tòa giả định”. Các thẩm phán, đại diện Cục Cảnh sát Giao thông đã giải đáp các quy định của pháp luật xoay quanh những tình huống vi phạm trật tự an toàn giao thông.
Tham dự chương trình có các thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao: Nguyễn Biên Thùy, Nguyễn Hồng Nam; Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng, đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, Cục Cảnh sát Giao thông ( Bộ Công an); đại diện Ban An toàn giao thông thành phố Hà Nội và một số tỉnh, thành phố; học sinh, sinh viên, người lao động đang học tập và làm việc trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Phát biểu khai mạc, thẩm phán Nguyễn Biên Thùy cho biết, việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động xét xử là một chức năng, nhiệm vụ quan trọng của Tòa án, trong đó có hoạt động tuyên truyền về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Thông qua hoạt động xét xử, các quy định của pháp luật đến với người dân cụ thể, dễ hiểu.
Qua đó nhận thức, hiểu biết về pháp luật của người dân được nâng lên, tạo sự chuyển biến cơ bản về ý thức tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật trong quần chúng nhân dân.
Đánh giá về Bộ tài liệu “Mô hình phiên tòa giả định”, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia ông Khuất Việt Hùng cho rằng, Bộ tài liệu là sự kết hợp hài hòa giữa các thủ pháp nghệ thuật hình ảnh truyền hình và tương tác thực tế. Khi đưa Bộ tài liệu này vào ứng dụng, các đơn vị sẽ thực hiện Chương trình “Phiên tòa giả định” một cách đơn giản và hiệu quả, tiết kiệm được nhiều kinh phí, công sức, không gian thời gian, có thể tổ chức trực tuyến hoặc offline.
Đại diện Cục Cảnh sát giao thông phân tích các tình huống vi phạm pháp luật về giao thông. (Ảnh: Báo Công lý) |
Công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động xét xử sẽ góp phần hoàn thiện việc đổi mới, đa dạng nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông cho các cơ quan, đơn vị, các địa phương khi thực hiện công tác này, đồng chí Khuất Việt Hùng khẳng định.
Tại chương trình, các học sinh, sinh viên và người lao động được trải nghiệm những kiến thức an toàn giao thông từ clip mô phỏng tình huống giao thông để nhận biết và trang bị những kỹ năng cơ bản về những lỗi vi phạm giao thông phổ biến, từ đó rút ra những bài học cho bản thân nhằm tham gia giao thông một cách an toàn.
Cụ thể, các clip tình huống về giao thông mô phỏng bằng những hình ảnh sinh động, tái hiện lại những lỗi vi phạm trật tự, an toàn giao thông, cách nhận biết các biển chỉ dẫn, vạch kẻ đường, biển báo… trong quá trình tham gia thông mà người dân thường hay mắc phải.
Ngoài ra, các lỗi vi phạm quy định về nồng độ cồn, các mức xử phạt vi phạm quy định về nồng độ cồn; bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới; các tình huống vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ; giao xe máy điều khiển cho người dưới 18 tuổi, chưa có giấy phép lái xe.
Đông đảo học sinh, sinh viên tham dự chương trình. (Ảnh: Báo Công lý) |
Sau mỗi tình huống, các chuyên gia pháp lý đều giải đáp, phân tích những hành vi vi phạm xảy ra trong clip tình huống và đánh giá câu trả lời của người chơi, từ đó giải đáp các quy định của pháp luật đối với từng trường hợp cụ thể.
Đặc biệt, tại chương trình các học sinh, sinh viên và người lao động còn được theo dõi clip từ “Mô hình phiên tòa giả định”. Đây là sự kết hợp hài hòa giữa các thủ pháp nghệ thuật hình ảnh truyền hình và tương tác thực tế.
Từ hồ sơ các vụ án, dàn dựng nhiều thể loại video clip tình huống thể hiện hành vi vi phạm của các bị cáo, đồng thời dàn dựng lại diễn biến của các phiên tòa xét xử nhằm giúp các học sinh, sinh viên hiểu rõ hơn về vị trí, vai trò của Viện Kiểm sát, Tòa án, Hội thẩm nhân dân, Luật sư trong các vụ án.
Mỗi clip là một tình huống pháp pháp luật, cùng với đó, các thẩm phán phân tích các hành vi vi phạm của bị cáo, các quy định của pháp luật liên quan để áp dụng hình phạt cho bị cáo; căn cứ áp dụng những tình tiết giảm nhẹ, hay tăng nặng đối với hành vi của bị cáo trong vụ án.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin