Khoảng trống chế tài trong xử lý vi phạm liên quan đến “khí cười”

Duy Phương 10:35, 22/01/2024

Ba năm trở lại đây, trên địa bàn TP. Thái Nguyên ngày càng xuất hiện nhiều quán bar, pub, quán ăn có sử dụng nhạc mạnh… thu hút nhiều thanh, thiếu niên đến giải trí. Điều đáng nói là không ít cơ sở có “bóng cười”, loại bóng được bơm khí N20 (còn gọi là “khí cười”), để thỏa mãn nhu cầu của khách hàng.

Ba đối tượng liên quan đến các vụ việc kinh doanh “khí cười” bị lực lượng chức năng TP. Thái Nguyên phát hiện trong tháng 1-2024.
Ba đối tượng liên quan đến các vụ việc kinh doanh “khí cười” bị lực lượng chức năng TP. Thái Nguyên phát hiện trong tháng 1-2024.

Số liệu từ Công an TP. Thái Nguyên, năm 2023, đơn vị đã phối hợp với các lực lượng liên quan kiểm tra, phát hiện, xử lý hàng chục vụ với nhiều chủ cơ sở kinh doanh “bóng cười”, thuốc lá điện tử... trái phép, thu giữ và tiêu hủy hàng trăm bình khí N20.

Tính riêng từ đầu năm 2024 đến nay, Đội Cảnh sát kinh tế, Công an thành phố, đã kiểm tra và phát hiện 4 vụ việc liên quan đến hoạt động kinh doanh “khí cười” của 4 đối tượng trên địa bàn. Qua đó thu giữ tổng số gần 150 bình "khí cười". Làm việc với cơ quan chức năng, các đối tượng đều không xuất trình được bất cứ hóa đơn, chứng từ, tài liệu gì liên quan đến nguồn gốc hàng hóa.

Điển hình như: Hồi 23 giờ 30 phút ngày 16/01/2024, tại đường Lương Thế Vinh, thuộc tổ 4, phường Quang Trung, Tổ công tác của Đội Cảnh sát kinh tế, Công an thành phố, phát hiện và tạm giữ 32 bình chứa khí N20 của Nguyễn Hoàng Đức, sinh năm 1999, hộ khẩu ở tổ 5, thị trấn Trại Cau (Đồng Hỷ). Đức khai nhận các bình nói trên đều chứa khí N20, mua của một người không rõ lai lịch để bán kiếm lời.

Thời gian qua, nhiều bệnh viện ở các tỉnh, thành trong cả nước đã tiếp nhận những trường hợp bị ngộ độc "khí cười". Điển hình như Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) tiếp nhận một nam thanh niên 21 tuổi, nhập viện khi có biểu hiện ngộ độc khí N20, người bị tê liệt, mất thăng bằng, tứ chi tê bì. Được biết, nam thanh niên bị ngộ độc "khí cười" sau 6 tháng hút liên tục, có ngày dùng tới 20-30 quả "bóng cười".

Theo các chuyên gia, khí N20 khi vào cơ thể sẽ gây ức chế thần kinh trung ương nên tạo ra nhiều cảm giác hoang tưởng. Đây cũng là nhóm chất gây nghiện, thuộc nhóm gây ảo giác có xu hướng tăng liều. Người dùng có thể bị phụ thuộc, nghiện, ảo giác tương tự Heroin. Sử dụng nhiều "bóng cười" sẽ dẫn đến bị ngộ độc khí, nguy hại nghiêm trọng tới sức khỏe, thậm chí tử vong.

Theo tìm hiểu của phóng viên, một bình khí N20 có giá trung bình từ 200-400 nghìn đồng/bình. Số khí này nếu bơm vào bóng để bán cho khách thì tùy số lượng mà giá dao động khoảng 120-200 nghìn đồng/quả. Mỗi kg khí N20 sẽ bơm được khoảng 10 quả bóng, loại bình 5kg, 20kg bơm được 50-200 quả, lợi nhuận rất cao.

Lợi nhuận “khủng”, trong khi chế tài xử phạt còn quá nhẹ là những lý do mà nhiều đối tượng, cơ sở kinh doanh ngang nhiên tàng trữ và buôn bán khí N20, bất chấp việc vi phạm pháp luật và bỏ qua sự an toàn sức khỏe con người. Cá biệt, có đối tượng thường xuyên tái phạm, có cơ sở kinh doanh pub, quán bar trên địa bàn thành phố một tháng bị lực lượng chức năng xử lý vài lần về lỗi vi phạm này.

Nói về khó khăn trong việc xử lý các vụ việc kinh doanh, sử dụng “khí cười”, Trung úy Nguyễn Thành Đạt, cán bộ Đội Cảnh sát kinh tế, Công an TP. Thái Nguyên, cho biết: Tuy nguy hiểm như vậy, nhưng hiện nay, khí N20 chưa được quy định vào danh mục chất ma túy và tiền chất ma túy được ban hành theo Nghị định 73/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2028, mà chỉ quy định là hóa chất công nghiệp hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp và y tế, nên nhiều đối tượng đã lợi dụng kẻ hở này để kinh doanh “khí cười” trái phép. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng chỉ xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân, cơ sở tổ chức kinh doanh không đủ điều kiện của giấy phép hay lỗi hàng hóa nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa hạn chế kinh doanh khi chưa có giấy phép. Hiện, cũng chưa có chế tài xử phạt người sử dụng “khí cười”, “bóng cười”.

Để ngăn chặn triệt để vấn nạn kinh doanh, sử dụng trái phép “khí cười”, “bóng cười”, Đại úy Ngô Tuấn Anh, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát kinh tế, Công an TP. Thái Nguyên, đề xuất: Chúng ta cần phải có chế tài mạnh hơn, nhất là đối với người sản xuất, kinh doanh, mua bán “khí cười”, “bóng cười”. Bên cạnh đó cần bổ sung chế tài xử lý với người sử dụng. Cùng với sự vào cuộc của lực lượng chức năng, rất cần chính quyền, đoàn thể ở địa phương, các nhà trường đẩy mạnh tuyên truyền tới đoàn viên, thanh niên về tác hại của việc sử dụng “bóng cười”, “khí cười”. Và quan trọng nhất là mỗi bạn trẻ cần nhận thức đúng đắn về tác hại của chất gây nghiện này đối với sức khỏe, chủ động tránh xa.