Điểm tựa về pháp lý cho doanh nghiệp

Hằng Nga 11:40, 04/05/2024

Hoạt động hỗ trợ pháp lý (HTPL) có ý nghĩa rất quan trọng, giúp doanh nghiệp (DN) nâng cao nhận thức pháp lý, ý thức tuân thủ pháp luật, qua đó nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Quán triệt quan điểm “3 đồng hành, 5 hỗ trợ” cho DN của Chính phủ, tỉnh Thái Nguyên đặc biệt quan tâm HTPL cho DN và đạt được những kết quả tích cực, góp phần tạo môi trường đầu tư thuận lợi và nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh.

Định kỳ hằng năm, Sở Tư pháp, Tổ tư vấn, hỗ trợ pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Thái Nguyên tổ chức hội thảo nhằm lắng nghe, giải đáp các ý kiến của doanh nghiệp liên quan đến các chính sách, pháp luật.
Định kỳ hằng năm, Sở Tư pháp, Tổ tư vấn, hỗ trợ pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Thái Nguyên tổ chức hội thảo nhằm lắng nghe, giải đáp các ý kiến của doanh nghiệp liên quan đến các chính sách, pháp luật.

Hiện, trên địa bàn tỉnh có 9.934 DN với tổng vốn đăng ký trên 146.202 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là DN nhỏ và vừa (DNNVV), chiếm khoảng 97%. Theo ông Bùi Sỹ Dân, Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV tỉnh Thái Nguyên: Hiện nay, nhiều DNNVV trên địa bàn tỉnh rất cần hỗ trợ pháp lý. Trước những khó khăn của các DNNVV, tôi đánh giá cao sự đồng hành của lãnh đạo UBND tỉnh thông qua việc chỉ đạo các sở, ngành tích cực cải cách hành chính, HTPL cho DN. Đặc biệt, việc UBND tỉnh quyết định thành lập Tổ tư vấn, HTPL cho DNNVV hồi tháng 9-2022 cho thấy lãnh đạo tỉnh rất quan tâm đến cộng đồng DN.

Đúng như khẳng định của ông Bùi Sỹ Dân, thời gian qua, UBND tỉnh đã triển khai quyết liệt, hiệu quả, đồng bộ các giải pháp nhằm hỗ trợ DNNVV chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững, thực sự trở thành lực lượng quan trọng, đảm bảo tính tự chủ trong nền kinh tế.

Lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương đã công khai đường dây nóng; duy trì tốt trang thông tin và ứng dụng C-ThaiNguyen nhằm thông tin, giới thiệu và tiếp nhận các ý kiến, phản ánh, đề xuất của DN, người dân, từ đó có chỉ đạo, xử lý kịp thời.

Hằng năm, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành đều tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ, đối thoại với cộng đồng DN, doanh nhân nhằm tiếp nhận các kiến nghị, giải đáp thắc mắc, vướng mắc trong thực thi và hoàn thiện pháp luật...

Hoạt động của Tổ tư vấn HTPL sau gần 2 năm được các DN đánh giá là rất thiết thực. Ngay sau khi được thành lập, Tổ đã xây dựng kế hoạch, cung cấp thông tin, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho DN. Đồng thời tổ chức các hoạt động tư vấn pháp luật, đối thoại, giải quyết các vướng mắc pháp lý cho DN.

Với vai trò là cơ quan thường trực Tổ tư vấn, HTPL cho DNNVV tỉnh Thái Nguyên, Sở Tư pháp đã tổ chức khảo sát nhu cầu HTPL cho DN. Đồng thời số hóa dữ liệu toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh trên môi trường mạng, với gần 1.500 văn bản, phục vụ cho việc tra cứu, áp dụng của cơ quan, tổ chức, DN và công dân được thuận tiện, nhanh chóng.

Công chức Hải quan hỗ trợ doanh nghiệp kiểm tra hồ sơ.
Công chức Hải quan hỗ trợ doanh nghiệp kiểm tra hồ sơ.

Hằng năm, Sở Tư pháp phát hành cuốn “Thông tin pháp luật và doanh nghiệp” (2 số/năm); xây dựng, phát hành 4.500 tờ gấp giới thiệu một số nội dung về hoạt động HTPL cho DNNVV cấp phát đến các DN. Cùng với đó, Sở xây dựng chuyên mục HTPL cho DN nhằm thông tin những nội dung cơ bản về tình hình kinh tế - xã hội, các văn bản chỉ đạo, điều hành, văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương và địa phương mới ban hành liên quan đến hoạt động của DN.

Sở Tư pháp cũng đã huy động, khuyến khích các tổ chức hành nghề luật sư, các tổ chức tư vấn pháp luật, các tổ chức đại diện cho DN chủ động thực hiện hoặc tham gia các chương trình HTPL cho DN.

2 năm qua, Sở Tư pháp và Tổ tư vấn, HTPL cho DNNVV tỉnh đã tổ chức 2 hội thảo với chủ đề “Một số giải pháp tăng cường công tác hỗ trợ pháp lý cho DNNVV trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên” và “DNNVV tỉnh Thái Nguyên - Nhận diện những vướng mắc, bất cập trong thực thi chính sách pháp luật”.

Qua đó, nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực hiện chính sách pháp luật đã được lãnh đạo Sở Tư pháp, thành viên Tổ tư vấn giải đáp kịp thời. Các DN cũng thống nhất nghiên cứu thành lập Câu lạc bộ Doanh nhân và pháp luật thuộc Hiệp hội DNNVV, với thành viên là DN, các chuyên gia pháp lý nhằm tạo ra một “sân chơi” mới để các DN có thể chia sẻ, hỗ trợ, trao đổi về các tình huống pháp lý, về thực thi pháp luật, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của DN.

Bà Nguyễn Thị Liên, Giám đốc Công ty CP KD Phúc Sơn, phường Phú Xá (TP. Thái Nguyên), cho biết: Công ty chúng tôi là DN nhỏ, tham gia các hội thảo, được các cơ quan chức năng cung cấp thông tin rất bổ ích, nhất là về các chính sách đối với người lao động, thuế. Qua đó giúp DN nâng cao hiểu biết để điều hành kinh doanh, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, tránh sai sót do thiếu hiểu biết các quy định.

Còn theo ông Ngô Quốc Hội, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP. Thái Nguyên, Giám đốc Công ty CP Khoáng sản An Khánh: Để hoạt động HTPL đối với DNNVV hiệu quả, các cơ quan chức năng nên gắn bó chặt chẽ hơn nữa với các hiệp hội DN, từ đó kịp thời nắm bắt nhu cầu của DN trong lĩnh vực này.

Có thể nói, những việc làm cụ thể, thiết thực của Sở Tư pháp, Tổ tư vấn, HTPL cho DNNVV tỉnh nói riêng và các sở, ban, ngành, địa phương nói chung trong thời gian qua đã và đang góp phần cùng cộng đồng DN vượt khó khăn, phát triển sản xuất, kinh doanh, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.