Mặc dù mới được thành lập 1 năm nay, nhưng Đội Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, thuộc Phòng Cảnh sát hình sự - Công an tỉnh đã tiếp nhận, thụ lý giải quyết 15 vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, với số tiền thiệt hại trên 3 tỷ đồng. Các nạn nhân không chỉ những người ít va chạm, hạn chế về nhận thức mà ngay cả người có trình độ học vấn cao, giàu kinh nghiệm sống vẫn trở thành nạn nhân của các chiêu trò lừa đảo của loại hình tội phạm sử dụng công nghệ này.
Theo Thượng úy Lê Văn Trung, Cán bộ đội Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thì hiện toàn quốc xuất hiện loại hình tội phạm công nghệ cao nào, địa bàn tỉnh Thái Nguyên có loại hình tội phạm đó. Nhiều vụ, số tiền nạn nhân bị lừa đảo lên tới hàng trăm triệu đồng, thậm chí là cả tỷ đồng. Có nhiều nguyên nhân khiến loại hình tội phạm này ngày càng có xu thế phát triển, trong đó trước hết phải kể đến là do nhận thức xã hội, nhận thức pháp luật cũng như ý thức cảnh giác của nhiều người chưa cao. Trong khi đó, phương thức, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo thì ngày một tinh vi, luôn có sự biến tướng với nhiều chiêu trò khác nhau.
Gần đây nhất, Phòng Cảnh sát hình sự đã tiếp nhận đơn trình báo của chị N.T.L ở huyện Võ Nhai. Theo lời chị L., cách đây vài tháng, chị đã nhận lời mời kết bạn trên Facebook của một người tự xưng là đang làm trong quân đội ở nước Mỹ. Sau một thời gian làm quen, trò chuyện, người này cho biết thời gian tới sẽ thực hiện đầu tư một số dự án tại Việt Nam và có nhã ý muốn gửi tặng chị L một chút quà gồm Đô la Mỹ, nhẫn kim cương và một số đồ vật giá trị khác. Hàng ngày, đối tượng này đều tỏ ra quan tâm tới chị L thông qua việc hỏi thăm sức khỏe, công việc, gia đình. Ít ngày sau, có 1 phụ nữ tự xưng là cán bộ hải quan ở Sân bay Tân Sơn Nhất gọi điện báo tin rằng có 1 món quà được gửi từ nước ngoài về cho chị L. Để được nhận món quà này thì chị phải nộp thuế. Liên hệ với người bạn Facebook, được xác nhận là đúng như vậy nên chị L đã đi chạy vạy, vay mượn, thậm chí là bán cả đất đai được hơn 1 tỷ đồng để gửi nhiều lần vào các tài khoản ngân hàng mà “cán bộ hải quan ở sân bay” yêu cầu. Sau khi tiền được chị L chuyển vào tài khoản do các đối tượng cung cấp, thì từ tháng 3-2018, đối tượng kết bạn trên Facebook của chị L đã “mất tích”. Bị lừa với số tiền lớn, suy nghĩ quá nhiều nên chị L đã phải nhập viện điều trị và trong tháng 5 vừa qua mới có đơn gửi đến cơ quan Công an để trình báo.
Ngoài giả danh lính Mỹ, các đối tượng lừa đảo còn thường giả danh doanh nhân, phi công…để kết bạn với các đối tượng là nữ. Đa số người được mời làm quen đang có cuộc sống độc thân hoặc đang có vấn đề về tình cảm gia đình, cần người chia sẻ, cảm thông. Sở dĩ các đối tượng này nắm được “tiểu sử” của các nạn nhân là do tìm hiểu thông tin cá nhân của bị hại thông qua các bài viết, hình ảnh trên trang cá nhân của bị hại, qua tin nhắn làm quen, tâm sự trên các nhóm, hội độc thân, cô đơn… trên mạng xã hội facebook.
Không chỉ những người hạn chế về nhận thức và hiểu biết xã hội, ngay cả những người có trình độ học vấn cao, va chạm với xã hội nhiều vẫn trở thành nạn nhân của các chiêu trò lừa đảo này. Trường hợp của ông N, cán bộ nghỉ hưu là một ví dụ. Theo lời trình báo của ông N, khoảng tháng 9-2017, khi đang ở nhà, có người gọi đến số cố định của nhà ông, tự xưng là nhân viên bưu điện, thông báo về số nợ cước phí mà gia đình đang nợ là hơn 10 triệu đồng. Ông N thắc mắc thì ngay lập tức đối tượng này bảo sẽ cho kiểm tra lại và yêu cầu ông cung cấp số điện thoại di động để tiện liên hệ. Ngay sau đó, có cuộc gọi từ số điện thoại từ đầu số +069 gọi vào số di động của ông và thông báo rằng số điện thoại ông đang sử dụng và thông tin của ông N có liên quan đến một đường dây mua bán ma túy toàn quốc, đang bị công an điều tra và yêu cầu ông N giữ bí mật, không được nói cho ai biết. Sau đó, đối tượng này hỏi ông N có bao nhiêu tiền trong tài khoản, rồi yêu cầu ông N chuyển toàn bộ số tiền đó đến tài khoản ngân hàng của một cán bộ Viện kiểm sát để điều tra, nếu ông N không liên quan đến vụ án thì sẽ được cơ quan Công an trả lại sau vài tiếng đồng hồ. Do cả tin, ông N đã đến Ngân hàng rút toàn bộ số tiền tiết kiệm gần 1 tỷ đồng để gửi vào tài khoản ngân hàng do các đối tượng cung cấp. Ngày hôm sau, khi không thấy ai liên hệ như đã hứa, ông N gọi điện thoại đến các số điện thoại mà các đối tượng đã liên hệ với ông nhưng các thuê bao này đều tắt máy.
Ngoài hai hình thức lừa đảo kể trên, thì các hình thức lừa đảo khác như: Các đối tượng chiếm quyền điều khiển, giả mạo các tài khoản Zalo, Facebook của người khác để lừa người thân của chủ tài khoản chuyển tiền; giả giả danh cán bộ công ty xổ số để mời tham gia làm thành viên của hội đồng quay số nhờ đó mà biết trước kết quả, hoặc giả làm người của công ty quản lý zalo, facebook, ngân hàng, nhà cung cấp viễn thông để thông báo tài khoản, số điện thoại của người dùng trúng thưởng tiền, xe máy… Để được tham gia là thành viên hội đồng quay xổ số, những người này phải chuyển tiền vào tài khoản theo yêu cầu; còn muốn nhận giải thưởng thì nạp tiền qua thẻ điện thoại để nộp thuế, đăng ký biển số, hay phí để làm chương trình truyền hình…
Thượng tá Nguyễn Tiến Thịnh, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh cho biết: Một trong những yếu tố giúp các loại tội phạm dễ dàng thực hiện hành vi lừa đảo chót lọt là vì sự mất cảnh giác, thiếu hiểu biết, thậm chí là cả hám lợi của nhiều người dân. Họ rất dễ dàng bị các đối tượng lợi dụng khi được thuê làm hoặc mua lại số tài khoản của người đó tại ngân hàng. Để khi nạn nhân chuyển tiền vào những tài khoản này thì các đối tượng lừa đảo đã nhanh chóng rút tiền mà rất ít bị bại lộ. Thượng tá Nguyễn Tiến Thịnh khuyến cáo tình trạng sử dụng zalo, facebook hiện nay của nhiều người đang vô tình giúp cho các đối tượng lừa đảo dễ dàng nắm bắt được thông tin cá nhân của người dùng để thực hiện hành vi lừa đảo. Những vụ án như thế này khả năng thu hồi số tiền mà các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt là hết sức khó khăn. Vì thế, mỗi người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác cũng như ý thức trách nhiệm trong công tác phòng, chống và đấu tranh với loại tội phạm này.
Qua thực tế tìm hiểu chúng tôi cũng được biết, số người bị lừa qua các hình thức kể trên trên địa bàn tỉnh nhiều hơn con số 15 chính thức có đơn đến lực lượng Công an tỉnh rất nhiều. Tuy nhiên, do số tiền bị lừa có thể không quá lớn hoặc vì những lý do khác nhau nên đã không trình báo cơ quan Công an. Trước thực tế này, lực lượng Công an đã có các thông báo, văn bản tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao đang diễn biến phức tạp trên địa bàn. Công an tỉnh đề nghị cấp ủy, chính quyền các địa phương tiếp tục triển khai sâu rộng đến tầng lớp nhân dân thông qua các buổi họp xóm, tổ dân phố về các phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm nói chung và loại tội phạm này nói riêng, để nâng cao ý thức cảnh giác đến từng người dân. Cùng với đó, mỗi người dân cũng cần nâng cao ý thức cảnh giác, không vì quá lo lắng hoặc vì những lợi ích vật chất được hứa hẹn mà trở thành nạn nhân của các chiêu trò lừa đảo, để rồi tiền mất, tật mang.