Hiện nay, không ít người vẫn cho rằng, viêc đăng thông tin trên mạng xã hội (MXH) là quyền cá nhân, nên đã không ngần ngại đưa lên những thông tin giật gân, không có thật được lượm lặt từ những tin đồn “vỉa hè”, những hình ảnh được chỉnh sửa, không qua kiểm chứng. Kèm với đó là các bình luận mang tính chủ quan, cảm tính cá nhân, theo hội chứng đám đông mà không cần biết ảnh hưởng của những thông tin này tới tổ chức, cá nhân có liên quan ra sao.
Chắc hẳn chúng ta còn nhớ sự việc xảy ra cách đây gần một năm, để câu like, một nam thanh niên 26 tuổi ở huyện Phú Lương đã dùng tài khoản Facebook của mình tung tin thất thiệt vỡ đập chính hồ Núi Cốc lên nhóm “Chợ sinh viên sư phạm Thái Nguyên”. Trong đó, thanh niên này dùng hình ảnh mập mờ đã qua chỉnh sửa theo ý đồ và cho rằng chia sẻ không vì mục đích câu like, chỉ là để giúp mọi người cảnh giác mà thôi. Thông tin thất thiệt này ngay sau khi được đăng tải đã thu hút sự quan tâm của nhiều người và khiến dư luận thực sự hoang mang, lo lắng. Rất may, lực lượng chức năng của T.P Thái Nguyên đã kịp thời vào cuộc điều tra, xác minh và làm rõ đối tượng cùng hành vi tung tin thất thiệt. Đối tượng này đã khai nhận, muốn tung tin gây chú ý dư luận nhằm mục đích bán hàng qua mạng. UBND T.P Thái Nguyên đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 12,5 triệu đồng đối với thanh niên này.
Còn cách đây mấy ngày, dư luận thực sự lo lắng và bất bình khi bất ngờ trên kênh Youtobe xuất hiện clip với tiêu đề: Siêu nóng công nhân đốt sạch Khu công nghiệp Trung Quốc ở Thái Nguyên, ghi lại hình ảnh một số người tụ tập xem đám cháy. Sau khi được đăng tải, clip thu hút sự quan tâm, bình luận của rất đông cư dân mạng. Nhưng thực tế, qua kiểm chứng của lực lượng chức năng, thông tin trên là hoàn toàn bịa đặt. Bởi lẽ, thứ nhất tại thời điểm clip đề cập, các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên không xảy ra cháy nổ, thứ hai tỉnh không có khu công nghiệp Trung Quốc nào. Hiện nay, các lực lượng chức năng của tỉnh đang phối hợp truy tìm đối tượng tung thông tin giả mạo để xử lý theo quy định của pháp luật. Sự việc này cho thấy, đối tượng có âm mưu tung thông tin giả mạo nhằm mục đích gây bất ổn tình hình an ninh trật tự của địa phương.
Thời gian qua, trên MXH còn xuất hiện rất nhiều tin đồn thất thiệt làm ảnh hưởng xấu đến cuộc sống người dân. Trong đó, đáng chú ý là những tin đồn về việc bắt cóc trẻ em. Đã có nhiều sự việc đáng tiếc xảy ra do loại tin đồn này. Còn nhớ vào tháng 7 năm ngoái, MXH lan truyền hình ảnh một nhóm người tập trung quanh một chiếc ô tô bị đập phá và đốt cháy rụi ở xã Lạc Hồng, huyện Thanh Hà (Hải Dương). Nội dung đăng tải cho rằng người dân nghi hai người đàn ông đi trên ô tô vào làng có hành vi thôi miên bắt cóc trẻ em nên vây đánh, đốt xe. Tuy nhiên, thực tế hai người đàn ông trên đều làm ở một công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi trên địa bàn huyện Cẩm Giàng (Hải Dương). Họ không có bất kỳ hành vi xấu nào, nhưng do trước đó người dân đã xem thông tin giả mạo về việc bắt cóc trẻ em trên MXH nên nhiều người bị kích động mạnh, dẫn đến các hành động đáng tiếc trên.
Theo các chuyên gia, xã hội đã và đang hình thành một bộ phận cư dân mạng được gắn mác “anh hùng bàn phím”, cứ lên mạng là bình luận vô tội vạ không cần biết sự việc, vấn đề đó đúng hay sai. Ngoài ra, một số đối tượng thấy MXH có nhiều người theo dõi nên đã lợi dụng tung tin kích động, nói xấu chế độ nhằm lôi kéo mọi người tham gia gây rối trật tự. Trước thực trạng trên đòi hỏi các nhà quản lý cần tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền đối với người sử dụng MXH. Bên cạnh đó cũng cần có các chế tài xử lý thật nghiêm với những đối tượng tung tin thất thiệt trên mạng làm ảnh hưởng xấu đến xã hội.
Các chuyên gia khuyến cáo, việc tham gia MXH là không cấm, nhưng một khi đã tham gia thì mỗi cá nhân phải chịu trách nhiệm về thông tin mà mình đăng tải. Khi đăng thông tin và bình luận cần thể hiện tính xây dựng, phù hợp với thuần phong mỹ tục chứ không thể lợi dụng MXH để đưa thông tin sai sự thật, nhằm mục đích trục lợi cá nhân, bôi nhọ người khác hoặc thể hiện tư tưởng phản động. Phải xác định rõ, việc tung tin thất thiệt gây hoang mang dư luận là hành vi vi phạm pháp luật. Và pháp luật cũng quy định, tùy thuộc vào nội dung tin đồn, tính chất, mức độ, động cơ của hành vi, hậu quả của việc tung tin tác động đến xã hội như thế nào sẽ có hình thức xử lý tương ứng, từ xử phạt vi phạm hành chính đến truy cứu trách nhiệm hình sự.