Theo báo cáo của các ngành chức năng, tính đến tháng 5-2018, toàn Đại học Thái Nguyên có trên 40 sinh viên (SV) tham gia tổ chức tự xưng “Hội thánh Đức Chúa Trời” và một số tổ chức tôn giáo tự xưng trái pháp luật khác. Để đấu tranh với các tổ chức tôn giáo tự xưng lôi kéo SV tham gia, các khoa, trường thuộc Đại học Thái Nguyên đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm tăng cường trách nhiệm trong quản lý SV.
Thời gian qua, tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước trong đó có Thái Nguyên nổi lên hoạt động của tổ chức "Hội thánh Đức Chúa Trời" (hay còn gọi là "Hội thánh Đức Chúa Trời mẹ") với nhiều thủ đoạn lôi kéo, tuyên truyền đạo trái phép, vi phạm pháp luật. Nội dung giáo lý của tổ chức này có nhiều điểm mê tín dị đoan, phản khoa học, ảnh hưởng tiêu cực tới gia đình, xã hội và tương lai của các SV. Trước thực trạng này, Đảng bộ Đại học Thái Nguyên đã chỉ đạo cấp ủy các cấp tích cực triển khai thực hiện công tác nắm bắt tư tưởng của SV, tuyên truyền, quản lý về phòng, chống sự xâm nhập hoạt động của các tổ chức tự xưng trong toàn Đại học.
Tính đến nay, các khoa, trường thuộc Đại học Thái Nguyên đã buộc thôi học 7 SV, đình chỉ 2 SV; cảnh cáo 12 SV; khiển trách và phê bình, nhắc nhở 21 SV tham gia hoạt động của các tổ chức tôn giáo tự xưng. |
Căn cứ tài liệu tuyên truyền, thông báo do phòng PA88, PA83 (Công an tỉnh) cung cấp và các cơ quan chức năng về việc tham gia các tổ chức tự xưng, Đại học Thái Nguyên yêu cầu các đơn vị trực thuộc đưa nội dung tuyên truyền, giáo dục pháp luật vào sinh hoạt công dân đầu năm học 2017-2018, triển khai nhắc nhở sinh viên thông qua các buổi sinh hoạt lớp hằng tháng. Giáo viên chủ nhiệm lớp, cố vấn học tập tuyên truyền, định hướng cho các SV nhận thức được bản chất của tổ chức tự xưng “Hội thánh Đức Chúa Trời” đồng thời yêu cầu SV ký cam kết không tham gia vào các Hội, nhóm trái pháp luật theo công văn của Công an tỉnh. Đồng thời, các nhà trường cũng tăng cường bồi dưỡng, cung cấp, định hướng thông tin đối với đội ngũ làm công tác chính trị, cán bộ Đoàn, cán bộ lớp trong các trường học.
Tiến sĩ Hoàng Tiến Công, Bí thư Chi bộ, Trưởng khoa Răng hàm mặt, Trường Đại học Y - Dược cho biết: Chúng tôi quan tâm nắm bắt tư tưởng, tình hình trong SV qua đội ngũ giảng viên và cán bộ lớp. Từ các buổi sinh hoạt chuyên môn, hay hoạt động đoàn thể của khoa, chúng tôi lồng ghép tuyên truyền để SV tự nâng cao nhận thức, không tham gia các hoạt động của tổ chức tự xưng.
Ngoài việc tuyên truyền miệng, các nhà trường cũng tăng cường trao đổi, nắm bắt thông tin qua mạng xã hội. Đẩy mạnh công tác bảo vệ an ninh chính trị trong cán bộ viên chức nhà trường, lực lượng bảo vệ, đội SV tình nguyện an ninh xung kích để ngăn ngừa các đối tượng đến truyền đạo trái phép trong khu vực trường. Bên cạnh đó, kịp thời xử lý việc học sinh, SV tham gia các hoạt động của tổ chức tôn giáo tự xưng. Đối với những SV vi phạm, các khoa, trường đã thông báo cho gia đình cùng phối hợp giáo dục, tiến hành nhiều biện pháp tuyên truyền để các em nhận thức đúng đắn về hành vi chưa đúng của mình.
Được biết, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp có đông nhất số SV tham gia (21) đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, vận dụng quy chế về học sinh SV của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Quy chế của Nhà trường để xử lý SV. Đồng thời, công khai họ tên SV trên trang web của Nhà trường, gửi về khoa và lớp nhằm răn đe, giáo dục các SV khác. Anh Hoàng Trung Kiên, Chủ tịch Hội Sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp cho biết: Với những SV vi phạm, bị nhắc nhở và phê bình, chúng tôi luôn quan tâm, gần gũi, vận động các em trở thành tuyên truyền viên cho các bạn SV khác không đi theo tổ chức tôn giáo tự xưng. Còn Trường Đại học Khoa học, với các SV tham gia tổ chức "Hội thánh Đức Chúa Trời", Nhà trường đã làm việc cùng các khoa, giáo viên chủ nhiệm, gia đình và SV, giúp các em nhận thức việc tham gia các tổ chức tự xưng, “tà đạo” là trái pháp luật, ảnh hưởng đến sinh hoạt và học tập. Yêu cầu các SV ký cam kết và giao cho giáo viên chủ nhiệm và các tổ chức đoàn thể quan tâm, giúp đỡ các SV này.
Bằng sự vào cuộc tích cực của các lực lượng chức năng, các giải pháp đồng bộ của các khoa, trường thuộc Đại học Thái Nguyên, tính đến nay, hoạt động của các tổ chức tôn giáo tự xưng đã từng bước được đẩy lùi. SV Phạm Thị Thu Huyền, lớp K50A Sinh học, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên chia sẻ: Em cũng từng bị một bạn ở Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp mời gia nhập tổ chức "Hội thánh Đức Chúa Trời". Nắm bắt được thông tin qua tuyên truyền của Nhà trường, các đoàn thể như Đoàn, Hội Sinh viên, trên báo, đài, mạng xã hội về tổ chức "Hội thánh Đức Chúa Trời" là hoạt động sai trái, nội dung giáo lý có nhiều điểm mê tín dị đoan nên em đã từ chối.
Đến thời điểm này, mặc dù hoạt động của tổ chức tôn giáo tự xưng nói trên đã bị các lực lượng chức năng xử lý vi phạm, đồng thời các đối tượng cầm đầu cũng đã bị trục xuất khỏi địa bàn. Tuy nhiên, qua nắm tình hình, hiện nay hoạt động truyền đạo trái phép của chúng trở nên tinh vi hơn, vẫn tập trung vào tầng lớp học sinh, SV để lôi kéo tham gia. Anh Nguyễn Đình Yên, Bí thư Đoàn Thanh niên, Chủ tịch Hội sinh viên Đại học Thái Nguyên cho biết: Thời gian tới, Đại học Thái Nguyên sẽ tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền để đông đảo học sinh, SV biết và thực hiện, chỉ đạo, phân cấp, phân công cụ thể để toàn thể hệ thống chính trị trong Đại học Thái Nguyên và các nhà trường tham gia công tác tuyên truyền, quản lý, ngăn chặn phòng, chống sự xâm nhập hoạt động của các tổ chức tôn giáo tự xưng. Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức để SV chủ động trang bị kiến thức, kỹ năng không bị lôi kéo. Thực hiện hiệu quả công tác quản lý SV ở nội trú, ngoại trú. Phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể, câu lạc bộ, tạo sân chơi bổ ích để SV tham gia văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, phát triển kỹ năng sống.