Thời gian qua, Báo Thái Nguyên liên tục nhận được đơn của một số hộ dân ở Đội 2, xóm Bắc Thành, xã Quyết Thắng, T.P Thái Nguyên phản ánh về việc giải quyết của UBND xã đối với tranh chấp đường dân sinh xuống cánh đồng Xâm Phạm của xóm chưa thấu tình, đạt lý gây bức xúc cho người dân.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết: Đường dân sinh vào Đội 2, xóm Bắc Thành đã có cách đây vài chục năm và từng là đường liên xóm. Từ khi Trường Trung cấp Luật được xây dựng, con đường trở thành đường cụt. Điểm cuối con đường vẫn còn một hộ dân (gia đình ông Dương Anh Luyến) đang sinh sống đi lại; hàng ngày những hộ dân trong xóm có ruộng vẫn vận chuyển vật tư nông nghiệp, thu hoạch hoa màu trên con đường này.
Tuy nhiên, con đường xảy ra tranh chấp kể từ khi ông Hà Trọng Quân chuyển nhượng thửa đất số 420 cho bà Vũ Thị Thoa (tháng 1-2018). Ngày 9-5, ông Quân đã cuốc gần hết chiều rộng một đoạn đường, chỉ còn một lối đi nhỏ, do đó các hộ dân phải vác lúa về nhà, không đưa máy móc vào ruộng cày cấy được, gia đình ông Luyến phải gửi xe máy ở bên ngoài lội ruộng vào nhà. Sự việc đã gây bức xúc cho các hộ dân ở khu vực này. Ông Hà Trọng Phương và một số người dân trong xóm cho biết: Ông Quân có diện tích ruộng 688m2 nằm giáp đoạn đường đi nêu trên bán lại cho bà Vũ Thị Thoa. Để đảm bảo đủ diện tích đất giao cho bà Thoa, ông Quân đã cuốc một phần đường liền kề với diện tích ruộng vì cho rằng trước đây gia đình ông đã cắt gần 100m2 ruộng để mở rộng con đường, nay bán cho bà Thoa, ông phải đòi lại để giao đủ diện tích đất.
Ông Hà Trọng Quân không chỉ đòi lại một phần đất ở thửa số 420 mà còn có đơn đề nghị đòi lại 100m2 thuộc thửa số 422 và 424 cũng nằm giáp con đường này. Cùng thời điểm này, một số nhà có ruộng giáp ranh con đường cũng đòi lại đất với lý do: Từ năm 1995, khi làm đường các hộ đã hiến đất, tuy nhiên vì cán bộ địa chính không trừ phần diện tích đã được các hộ dân hiến để làm đường trên Giấy chứng nhận sử dụng đất nên diện tích đất đã hiến vẫn thuộc quyền sử dụng của họ. Vì vậy, việc đòi đất của ông Quân và các hộ không hề sai. Nếu các hộ đòi lại đất thì con đường sẽ có đoạn mất hoặc chỉ rộng 1,5m.
Được biết, xã cũng đang có chủ trưởng mở rộng con đường và đổ bê tông. Bởi vậy, xã đã vận động gia đình ông Luyến đổi đất cho gia đình ông Quân và thỏa thuận với các hộ dân có ruộng giáp ranh đồng ý mở rộng đường. Ngày 30-5, UBND xã Quyết Thắng đã tổ chức cuộc họp với đầy đủ các thành phần từ xã, xóm và các hộ dân liên quan để thống nhất mở rộng con đường.
Tại cuộc họp, ông Trần Trọng Đạt, Phó Chủ tịch UBND xã đã kết luận: “Đề nghị các gia đình giữ nguyên hiện trạng con đường; gia đình ông Dương Anh Luyến sớm thỏa thuận, vận động các hộ liên quan đến đoạn đường về việc mở rộng con đường; nếu không thống nhất được, UBND xã sẽ cắm mốc giới theo bản đồ địa chính. Đề nghị ông Hà Trọng Quân trả lại hiện trạng đoạn đường sau khi ông Luyến thỏa thuận được với bà Thoa…”. Sau đó, đoạn đường đã được trả lại theo hiện trạng ban đầu. Tuy nhiên, gia đình ông Luyến vẫn chưa yên tâm vì việc hoàn trả con đường chỉ là tạm thời (theo biên bản ngày 3-7, UBND xã chỉ mượn tạm đất của bà Thoa để lấp lại con đường). Bên cạnh đó, ông Luyến vẫn chưa vận động được tất cả các hộ dân đồng ý mở rộng đường (còn gia đình ông Hà Trọng Phương) nên ông tiếp tục có đơn đề nghị UBND xã giải quyết. Ngày 22-6, UBND xã lại tổ chức cuộc họp nhưng hộ ông Hà Trọng Phương vẫn không đồng ý với lý do: Toàn bộ khu đất của gia đình ông đang ở là đất bố, mẹ tặng. Năm 1995, xóm làm đường, để nắn thẳng con đường, xóm đã vận động gia đình ông đổi một phần đất ở đầu đường, gia đình ông Quân đổi một phần đất ở cuối đường với tổng diện tích đất đổi là 120m2 (đều có xác nhận của ông Hoàng Văn Nho là trưởng xóm năm 1995 và ông Vũ Ngọc là trưởng xóm năm 1998). Từ năm 1996 đến nay ông Phương vẫn đóng thuế vườn tạp cho Nhà nước. Ngày 16-7, UBND xã Quyết Thắng đã họp với các thành phần liên quan và kết luận: “Giữ nguyên hiện trạng con đường, không cho phép tập thể, cá nhân nào xâm phạm làm biến dạng con đường; đồng thời UBND xã thuê đơn vị đo, cắm mốc theo đúng vị trí con đường đã đo vẽ từ năm 1996. Đến ngày 10/8/2018, trả lại con đường như cũ căn cứ vào bản đồ đo vẽ năm 1996”.
Ngày 25-7, UBND xã đã mời đơn vị đo đạc đến tiến hành cắm mốc giới con đường.Tuy nhiên, theo đơn phản ánh của người dân: “Một số cán bộ xã đã chỉ đạo việc đo và cắm mốc không đúng hiện trạng con đường và làm việc không trung thực, có nhiều điều khuất tất. Từ đó, đề nghị UBND T.P Thái Nguyên cử cán bộ về cùng Chủ tịch UBND xã Quyết Thắng trực tiếp xuống điều hành, chỉ đạo đo và cắm mốc theo đúng biên bản họp ngày 16/7/2018". Còn bà Trần Thị Diệu Linh, cán bộ địa chính xã cho rằng xã đã cắm mốc giới theo đúng bản đồ địa chính.
Qua điều tra của chúng tôi: Mặc dù UBND xã Quyết Thắng đã tích cực vào cuộc giải quyết vụ việc gần 3 tháng nay, nhưng một số người dân vẫn không đồng ý và gửi đơn đi khắp các cơ quan chức năng. Bởi, đằng sau sự việc trên còn có những vấn đề “nhạy cảm” xuất phát từ vướng mắc giữa một số cá nhân với nhau và mất lòng tin giữa người dân với một số cán bộ xã. Vì vậy, đề nghị các cấp, ngành chức năng của T.P Thái Nguyên nên về tận nơi tìm hiểu đúng căn nguyên của vấn đề để giải quyết một cách công tâm, khách quan, thấu tình, đạt lý. Thiết nghĩ, con đường đã tồn tại từ mấy chục năm nay, gắn bó giữa các hộ dân “tối lửa, tắt đèn”, nên mỗi người dân hãy nghĩ đến lợi ích chung, nghĩ đến tình làng, nghĩa xóm, sớm đồng thuận cùng mở rộng con đường to đẹp hơn không chỉ cho thế hệ hôm nay mà còn làm của “hồi môn” con cháu mai sau.