Về một số ý kiến trái chiều liên quan đến doanh nghiệp vùng vàng

07:33, 24/08/2018

Công ty CP Đầu tư xây dựng và Khai thác khoáng sản Thăng Long (gọi tắt là Công ty Thăng Long) là doanh nghiệp luôn thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về khai thác, chế biến khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường, an sinh xã hội. Những năm qua, doanh nghiệp này đã có những đóng góp nhất định cho sự phát triển chung của tỉnh và cộng đồng xã hội. Vậy nhưng, mấy ngày gần đây có một vài ý kiến trái chiều làm ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp. Để rộng đường dư luận, chúng tôi đã đi tìm hiểu thực tế và làm rõ các vấn đề liên quan.

Còn nhớ nhiều năm trước đây, khu vực Bản Ná, Khắc Kiệm, Xuyên Sơn… thuộc xã Thần Sa (Võ Nhai) là những “điểm nóng” của tỉnh về nạn khai thác vàng trái phép. Chính quyền địa phương đã tốn không biết bao nhiêu công sức, thời gian để lập lại trật tự ở khu vực này, nhưng không thể giải quyết dứt điểm. Chỉ từ khi Công ty Thăng Long được cấp phép khai thác, vùng vàng Bản Ná đã trở lại bình yên hơn, hoạt động khai khoáng đi vào nền nếp, an ninh trật tự tại địa phương được đảm bảo. Sau khi được cấp phép, Công ty đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, trang bị máy móc, phương tiện khai thác, chế biến, thực hiện nghiêm túc công tác bảo vệ môi trường. Cùng với quan tâm chăm lo đời sống cho người lao động, Công ty còn tích cực thực hiện công tác an sinh xã hội tại địa phương, đảm bảo nghĩa vụ ngân sách với Nhà nước.

Năm 2016, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, UBND xã Thần Sa có chủ trương bê tông hóa tuyến đường liên xóm Ngọc Sơn 2 - Xuyên Sơn với chiều dài trên 1km. Theo lãnh đạo UBND xã Thần Sa, do tuyến đường này phải đi xuyên qua khu vực rừng đặc dụng đồi dốc cao, ngoằn ngoèo rất khó khăn, nên xã đã đề nghị và được huyện Võ Nhai đồng ý mở tuyến mới chạy dọc theo bìa rừng, đi tắt qua khu vực khai thác khoáng sản của Công ty Thăng Long để rút ngắn thời gian di chuyển, thuận tiện cho người dân đi lại.

Sau khi biết được chủ trương của xã, 5 hộ dân có đất tại khu vực này là các ông Dương Văn Tọa, Ma Văn Tào, Dương Văn Thắng, Dương Quang Vinh và Dương Quang Chiền, ở xóm Ngọc Sơn 2 đã tự nguyện hiến đất để xây dựng tuyến đường. Công ty Thăng Long được chính quyền địa phương đề nghị hỗ trợ máy móc thiết bị san ủi mặt bằng, đào đắp nền đường. Hiện nay, tuyến đường mới này dù chưa được thảm hết bê tông do kinh phí có hạn, nhưng với người dân địa phương đây là điều họ mong đợi từ lâu.

Thực tế là vậy, nhưng gần đây lại có ý kiến cho rằng tuyến đường dân sinh này có dấu hiệu xâm lấn rừng đặc dụng, doanh nghiệp lợi dụng chủ trương chung để mở đường vào mỏ. Để làm rõ hơn điều này, chúng tôi đã có buổi làm việc với Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng. Ông Nguyễn Quang Lịch, Giám đốc Ban chỉ cho chúng tôi xem Bản đồ Kiểm kê rừng Khu bảo tồn và khẳng định: Theo quy hoạch thì tuyến đường bê tông nói trên có đi qua rừng đặc dụng khoảng 500m nhưng trên thực địa phần diện tích này hiện đang là rừng sản xuất thuộc sở hữu của 5 hộ dân xóm Ngọc Sơn 2. Cụ thể, 5 hộ dân này đã có hồ sơ giao đất, giao rừng từ năm 1998 và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ đầu năm 2000. Do vậy, những năm qua, người dân vẫn quản lý, sử dụng phần diện tích này và khi có chủ trương của xã, họ đã tự nguyện hiến đất để làm đường phục vụ lợi ích chung. Từ thực tế này cho thấy, việc xây dựng tuyến đường là thực hiện chủ trương và nguyện vọng chính đáng của chính quyền địa phương, được bà con đồng thuận chứ không phải nhằm mục đích cá nhân, lợi dụng Chương trình xây dựng nông thôn mới như một số ý kiến phản ánh.

Còn về nội dung Công ty Thăng Long tự ý xây dựng Đình Bản Ná ngay sát chân núi đá trong khuôn viên của Mỏ, chúng tôi cũng đã tìm hiểu thực tế và có câu trả lời. Khi được hỏi ý kiến về vấn đề này, cả chính quyền sở tại và các hộ dân trong xóm Xuyên Sơn đều khẳng định, ngôi Đình Bản Ná đã có từ rất lâu đời. Ông Lý Văn Học, một người dân sống lâu năm ở xóm Xuyên Sơn cho hay: Tôi không rõ từ bao giờ, nhưng Đình Bản Ná có từ rất lâu rồi, được người dân địa phương dựng lên để thờ vị tướng tài Dương Tự Minh. Ở Thần Sa, mỗi xóm đều có một ngôi đình như vậy. Mỗi năm, cứ vào dịp mồng 6 tháng Giêng và ngày 13 tháng 7 âm lịch, dân làng lại tụ họp ở đây để làm lễ cầu bình an, mong con cháu khỏe mạnh, mùa màng tốt tươi.

Cũng vì thời gian tồn tại lâu, qua năm tháng mưa nắng không được tu bổ nên ngôi đình bằng gỗ đã xuống cấp, hư hỏng nặng, có dấu hiệu bị sạt lở và đổ sập. Trước thực trạng đó, ông Lý Văn Học và người dân trong xóm đã đề nghị Công ty Thăng Long hỗ trợ tu bổ, tôn tạo ngôi đình ngay trên nền đất cũ. Được biết, khi tiến hành tu bổ, Công ty Thăng Long đã làm các thủ tục xin phép và được Ban Tôn giáo và Giáo hội Phật giáo tỉnh chấp thuận. Nhờ vậy, người dân ở khu vực này đã có nơi sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng khang trang hơn, thuận tiện hơn. Qua đây có thể khẳng định, việc tu bổ Đình Bản Ná là việc làm xuất phát từ nguyện vọng, nhu cầu tín ngưỡng chính đáng của người dân địa phương và tâm nguyện của chủ doanh nghiệp.