Mâu thuẫn về đất đai khiến khu dân cư bất ổn

08:54, 13/05/2021

Mâu thuẫn về đất đai giữa gia đình bà Nguyễn Thị Bình, trú tại tổ 12, phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên) với các hộ liền kề diễn ra từ nhiều năm nay và hiện vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Các bên đã nhiều lần gửi đơn đến các cấp, ngành chức năng nêu lên những lập luận và quan điểm khác nhau.

Theo những tài liệu liên quan và phản ánh của các ông bà: Vũ Đức Quảng, Mai Thị Thơm và Nguyễn Thị Nhàn có nhà ở cạnh hộ bà Nguyễn Thị Bình thì năm 1990, khi Nhà nước thực hiện quy hoạch khu dân cư đồi Két Nước, do có đất tại đây nên gia đình bà Bình được cấp 3 lô đất tái định cư (bố đẻ bà Bình được 2 lô, riêng bà được cấp 1 lô). Đến khoảng năm 1992, bà Bình bán lô đất được cấp cho người khác và tự ý chuyển sang dựng nhà tạm tại vị trí liền kề, sau đó (năm 2016) tiếp tục nâng cấp, sửa chữa căn nhà này. Các hộ dân trong khu vực cho rằng, vị trí căn nhà của bà Bình hiện nay nằm trên đất quy hoạch là đường đi chung (thể hiện trong quy hoạch ban đầu của khu dân cư và trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các hộ dân), gây cản trở giao thông và cuộc sống của họ.

Ông Vũ Đức Quảng nói: Đáng lẽ đường rộng 9,5m theo quy hoạch nhưng do gia đình bà Bình làm nhà lấn chiếm nên chỉ còn khoảng 3m. Điều này khiến việc đi lại của nhà tôi và gia đình bà Nhàn gặp khó khăn, trong khi gia đình bà Thơm thì bị bất tiện vì ngôi nhà của bà Bình áp sát vào ban công, không thể mở các cửa sổ tầng 1. Không những lấn chiếm đất công, gia đình bà Bình còn thường xuyên gây mất đoàn kết với những hộ xung quanh, kê gạch, xếp bao cát, tấm chắn làm cản trở lối đi của mọi người và mất mỹ quan chung nên chúng tôi rất bức xúc. Bà Bình cũng không chấp hành quyết định đình chỉ xây dựng nhà do UBND phường ban hành nhưng chính quyền thiếu kiên quyết xử lý…

Vì lý lẽ này, 3 hộ dân nêu trên đã nhiều lần gửi đơn đề nghị các cấp, ngành liên quan giải quyết. Tổ dân phố và phường cũng đã không ít lần tổ chức hòa giải nhưng đến nay vẫn chưa thể dứt điểm. Bà Hà Thúy Lan, Tổ phó Tổ dân phố 12 xác nhận điều này và cho biết: Mâu thuẫn về đất đai giữa gia đình bà Bình và các hộ dân trong khu vực đã diễn ra nhiều năm, ảnh hưởng không nhỏ đến tình đoàn kết và an ninh trật tự trong khu vực.

Trong khi đó, gia đình bà Nguyễn Thị Bình cũng đã gửi đơn đến các cấp, ngành chức năng đề nghị được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) diện tích 99,7m2 mà bà đang quản lý, sử dụng (và một số nội dung khác). Tuy vậy, phường Hoàng Văn Thụ và cơ quan chuyên môn của T.P Thái Nguyên khẳng định, gia đình bà Bình không có hồ sơ chứng minh nguồn gốc sử dụng đất, trừ một số biên lai nộp thuế. Sau khi xác minh, bóc tách, cuối năm 2019, cơ quan chức năng xác định bà Bình đủ điều kiện được cấp GCNQSDĐ 58m2 (còn lại là lối đi chung và phần tranh chấp với gia đình bà Mai Thị Thơm). Tuy nhiên đến nay, gia đình bà Bình vẫn chưa làm thủ tục đề nghị cấp quyền sử dụng diện tích này. Tuy nhiên, các hộ liền kề lại phản đối việc cấp đất cho gia đình bà Bình vì cho rằng diện tích này được quy hoạch là đường đi và nhiều năm qua vẫn có tranh chấp…

Công chức địa chính phường Hoàng Văn Thụ, ông Đỗ Khải Hoàn thông tin: Diện tích 58m2 gia đình bà Nguyễn Thị Bình đang sử dụng hiện nay chủ yếu thuộc phần đất dôi dư trong quy hoạch khu dân cư đồi Két Nước và một phần được quy hoạch là đường đi. Chúng tôi xác định gia đình đã sử dụng ổn định trước khi Luật Đất đai năm 1993 có hiệu lực nên đủ điều được cấp quyền sử dụng.

Ông Đỗ Đắc Minh, Chủ tịch UBND phường Hoàng Văn Thụ cho biết: Đây là vụ việc khá phức tạp, phường đã nỗ lực giải quyết trong phạm vi thẩm quyền nhưng chưa có kết quả rõ ràng. Chúng tôi đang phối hợp với cơ quan chuyên môn của thành phố giải quyết theo hướng vận động bà Bình làm thủ tục đề nghị cấp GCNQSDĐ đất đối với 58m2 đủ điều kiện, sau đó làm quy trình thu hồi, bồi thường và tìm vị trí tái định cư cho gia đình (có thu tiền sử dụng đất). Đây là phương án đảm bảo quy định của pháp luật, hài hòa và có tính nhân văn vì gia đình bà Bình thuộc diện khó khăn, không có chỗ ở nào khác. Tuy nhiên, bà Bình chưa đồng ý một số vị trí tái định cư đã được giới thiệu, đồng thời có những đòi hỏi khó đáp ứng khác.

Chúng tôi được biết, đây là một trong số những vụ việc mà Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong cuộc làm việc tại tỉnh mới đây, đã quan tâm và kiến nghị giải quyết dứt điểm. Vì vậy, hệ thống chính trị tại địa phương cần thực hiện tốt công tác vận động, hòa giải để tránh tình trạng căng thẳng hơn, đồng thời xử lý nghiêm hành vi phạm pháp nếu xác định rõ. Và để giải quyết dứt điểm vấn đề này, cùng với chính quyền địa phương, các cấp, ngành liên quan cần vào cuộc tích cực, trách nhiệm hơn nữa.