Gần đây, một số bạn đọc đề nghị luật sư phân tích về trường hợp phạm tội trong trạng thái sử dụng chất kích thích bị xử lý thế nào. Các chuyên gia pháp lý đã phân tích về vấn đề này như sau.
Cụ thể, như trong trường hợp sử dụng ma túy bị “phê ma túy” phạm tội, Luật sư Khương Tân Phương - Trưởng Văn phòng luật sư Thuận Nam (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) phân tích: Hiện nay, Bộ luật Hình sự chưa có quy định cụ thể, riêng biệt đối với người phạm tội trong trạng thái bị “phê ma túy”.
Tuy nhiên, tại Điều 13, Bộ luật Hình sự năm 2015 có quy định chung về vấn đề này. Cụ thể: “Người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự”. Trường hợp người “phê ma túy” phạm tội, cũng tương tự người phạm tội trong tình trạng say rượu hoặc chất kích thích mạnh phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm đã gây ra.
Về tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự, do BLHS không quy định nên người phạm tội do “phê ma túy” phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm đã thực hiện theo tội danh và hình phạt mà BLHS đã quy định.
Như vậy, sử dụng chất kích thích mất khả năng điều khiển hành vi gây ra án mạng, sẽ bị truy tố về tội giết người theo Điều 123 BLHS năm 2015. Trong trường hợp chất kích thích là ma túy, phạm tội theo nhóm, người phạm tội còn bị khởi tố về tội danh tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy được quy định tại Điều 255 Bộ luật Hình sự.
Điều 123. Tội giết người
1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết 02 người trở lên; b) Giết người dưới 16 tuổi; c) Giết phụ nữ mà biết là có thai; d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác; h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ; k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp; l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người; m) Thuê giết người hoặc giết người thuê; n) Có tính chất côn đồ; o) Có tổ chức; p) Tái phạm nguy hiểm; q) Vì động cơ đê hèn.
2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 255. Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy
1. Người nào tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: a) Phạm tội 02 lần trở lên; b) Đối với 02 người trở lên; c) Đối với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 18 tuổi; d) Đối với phụ nữ mà biết là có thai; đ) Đối với người đang cai nghiện; e) Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; g) Gây bệnh nguy hiểm cho người khác; h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm: a) Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên hoặc gây chết người; b) Gây tổn hại cho sức khỏe cho 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%; c) Gây bệnh nguy hiểm cho 02 người trở lên; d) Đối với người dưới 13 tuổi.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân: a) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; b) Làm chết 02 người trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Ngoài ra, căn cứ theo kết luận giám định của cơ quan điều tra, người hoặc nhóm người phạm tội trong trường hợp sử dụng chất kích thích ma túy có thể bị khởi tố thêm về tội danh tương ứng như: tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy” được quy định tại Điều 249; tội “Vận chuyển trái phép chất ma túy” được quy định tại Điều 250; tội “Mua bán trái phép chất ma túy” được quy định tại Điều 251 Bộ Luật hình sự 2015.
Với trường hợp sử dụng chất kích thích là rượu bia, Luật sư Dương Văn Thụ - Trưởng Văn phòng Luật sư Thiên Dương, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội phân tích: Ở Việt Nam, các nhà lập pháp vẫn coi việc sử dụng bia, rượu hay các chất kích thích khác là tự mình đặt vào tình trạng hạn chế năng lực hành vi. Việc tự đặt mình vào trường hợp hạn chế năng lực hành vi dân sự thì họ cũng phải tự mình chịu trách nhiệm cho hành vi tự mình đặt mình vào trường hợp đó và hậu quả kèm theo. Pháp luật Việt Nam quy định như vậy ngoài việc nhằm giáo dục tội phạm còn cảnh cáo việc sử dụng chất kích thích mạnh dẫn đến gây thiệt hại cho xã hội.
Luật Hình sự nước ta không loại trừ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội do say rượu hoặc do dùng chất kích thích mạnh khác. Vì trước đó, họ là người có năng lực trách nhiệm hình sự và khi họ uống rượu hoặc sử dụng chất kích thích là tự họ đặt mình vào tình trạng “say” nên họ có lỗi.
Say rượu là một hiện tượng không bình thường trong xã hội, là một thói xấu trong sinh hoạt. Việc bắt người say rượu phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi tội phạm do họ gây ra còn là biểu thị thái độ nghiêm khắc của pháp luật đối với tệ nạn say rượu.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, nếu người phạm tội không có lỗi trong việc uống rượu và như vậy, họ cũng không có lỗi trong việc say rượu sẽ được thừa nhận là không có năng lực trách nhiệm hình sự, vì đó là một loại thuộc trường hợp say rượu bệnh lý.
Thực tiễn xét xử cũng đã xảy ra trường hợp Hội đồng giám định pháp y tâm thần kết luận người phạm tội do say rượu bệnh lý, nhưng họ vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các điều khoản tương ứng đã viện dẫn ở phần trên (Điều 13 và điều 123 BLHS 2015). Tuy nhiên, ở một số nước, trong đó có các nước thuộc Liên Xô cũ coi trường hợp say rượu bệnh lý được loại trừ trách nhiệm hình sự…/.