Mặc dù tai nạn lao động xảy ra nhiều, song số vụ bị khởi tố lại chiếm tỉ lệ rất thấp. Năm 2017, ngoài một số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng làm chết nhiều người đang trong quá trình điều tra, chỉ có 03 vụ đã có Quyết định khởi tố của Cơ quan Cảnh sát điều tra, 01 vụ đã khởi tố vụ án.
Lơ là công tác bảo hộ lao động
Theo báo cáo của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, năm 2017 trên toàn quốc đã xảy ra 8.956 vụ tai nạn lao động làm 9.173 người bị nạn (trong đó, 928 người chết, 1915 người bị thương nặng).
Ông Nguyễn Anh Thơ, Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết những lĩnh vực xảy ra nhiều tai nạn lao động nhất là: Xây dựng, sản xuất liệu xây dựng, cơ khí, luyện kim...
Trong số 10 địa phương có số người chết vì tai nạn lao động nhiều nhất năm 2017, TP. Hồ Chí Minh đứng đầu với 122 vụ, 123 người chết, 306 người bị thương nặng.
Tiếp đó là TP. Hà Nội với 66 vụ tai nạn lao động có người chết, 66 người chết và 64 người bị thương nặng.
8 địa phương khác trong danh sách 10 địa phương có số người chết vì tai nạn lao động nhiều gồm: Bình Dương, Quảng Ninh, Phú Yên, Bắc Ninh, Hải Dương, Đồng Nai, Yên Bái, Thanh Hóa.
“Thiệt hại về vật chất do tai nạn lao động là rất lớn như: Chi phí tiền thuốc, mai táng, tiền bồi thường cho gia đình người chết và bị thương .... là 1541 tỷ đồng; thiệt hại về tài sản là 4,8 tỷ đồng; tổng số ngày nghỉ do tai nạn lao động là 136.918 ngày” – ông Thơ thông tin.
Về các nguyên nhân chủ yếu để xảy ra tai nạn lao động, ông Nguyễn Anh Thơ cho biết: Phân tích từ 137 biên bản điều tra tai nạn lao động chết người cho thấy, nguyên nhân chủ quan do người sử dụng lao động chiếm tới 45,41%. Trong đó, có tình trạng người sử dụng lao động không huấn luyện an toàn lao động hoặc huấn luyện an toàn lao động chưa đầy đủ cho người lao động; thiết bị không đảm bảo an toàn lao động; không trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động...
Còn nguyên nhân do người lao động cũng chiếm tới 20%. Trong đó đáng lưu ý là tình trạng người lao động bị tai nạn do vi phạm quy trình quy chuẩn an toàn lao động hay không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân.
Còn lại khoảng 34,59% là những vụ tai nạn lao động xảy ra do các nguyên nhân khác.
Số vụ tai nạn lao động bị khởi tố rất ít
Có thực tế là, dù số vụ tai nạn lao động xảy ra nhiều, song số các vụ án bị khởi tố lại chiếm tỉ lệ rất thấp.
Theo thông tin từ Bộ LĐ-TB&XH, năm 2017, ngoài một số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng làm chết nhiều người đang trong quá trình điều tra nên chưa có hình thức xử lý, có 03 vụ đã có Quyết định khởi tố của Cơ quan Cảnh sát điều tra, 01 vụ đã khởi tố vụ án.
Thực tế này khiến nhiều người đặt câu hỏi: Vậy đây có phải nguyên nhân làm tăng số vụ tai nạn cũng như gây khó khăn trong công tác phòng ngừa tai nạn lao động hay không?.
Về vấn đề này, ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, theo quy định, việc điều tra các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng thuộc trách nhiệm địa phương, trong đó có sự phối hợp của Sở LĐ-TB&XH.
Trong quá trình điều tra, nếu có dấu hiệu hình sự thì cơ quan công an sẽ khởi tố. Việc có quyết định khởi tố hay không phụ thuộc vào điều tra của cơ quan công an, viện kiểm sát các tỉnh.
Tuy nhiên ông thừa nhận :Chúng tôi rất chia sẻ khi thấy nhiều vụ thấy các dấu hiệu nghiêm trọng nhưng số vụ khởi tố ít quá khiến chúng tôi sốt ruột, làm hạn chế tính răn đe.
Về nguyên nhân xảy ra tai nạn lao động, ông Thắng nhận định: Nhiều khi chủ sử dụng lao động rất chủ quan. Ông thẳng thắn thông tin “có thể do hiểu biết chưa đến nơi đến chốn, nhưng cũng có những giám đốc cậy là đơn vị lớn nhiều tiền, có thể có can thiệp này khác nên đáng ra thì khởi tố nhưng cuối cùng các cơ quan có thể làm nhẹ”...
Theo ông, để hạn chế tai nạn lao động, ngoài việc xử phạt hành chính, xử phạt về trách nhiệm hành chính, phương án hiệu quả là công bố các doanh nghiệp, đơn vị sai phạm lên phương tiện truyền thông. “Doanh nghiệp sợ mất uy tín, khách hàng hơn so với bị xử phạt vài chục triệu. Hi vọng việc làm trên sẽ hiệu quả hơn xử phạt hành chính”- ông Thắng khẳng định.
Được biết, Bộ cũng đã đề nghị Sở LĐ-TB&XH, cơ quan Công an cấp tỉnh phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh triển khai xây dựng quy chế phối hợp điều tra tai nạn lao động chết người và tai nạn lao động khác có dấu hiệu tội phạm.
Ngoài ra, để chủ động phòng ngừa và hạn chế tai nạn lao động trong thời gian tới, trong năm 2018, Bộ LĐ-TB&XH sẽ phối hợp với các bộ, ngành thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố nghiêm trọng như: Xây dựng, khai khoáng, hóa chất, sử dụng điện, đặc biệt là các công trình xây dựng trọng điểm, tiếp giáp với khu dân cư, đông người qua lại./.