Vừa qua Thanh tra Bộ Nội vụ công bố kết luận thanh tra về công tác cán bộ giai đoạn từ 2016 đến nay, cho thấy có cán bộ được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại…ở một số bộ, ban, ngành và địa phương thiếu điều kiện, tiêu chuẩn. Điều này đặt ra việc kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu cơ quan để xảy ra thiếu sót, sai phạm.
Kết quả thanh tra của Bộ Nội vụ nêu, thời gian từ tháng 01-2016 đến hết tháng 9/2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) còn tồn tại, thiếu sót về điều kiện, tiêu chuẩn trong việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.
Cụ thể, có 01 trường hợp thiếu bằng cao cấp lý luận chính trị, 57 trường hợp thiếu bằng trung cấp lý luận chính trị; 4 người thiếu chứng chỉ quản lý nhà nước ngạch chuyên viên, chuyên viên chính hoặc tương đương. Ngoài ra, 36 trường hợp chưa có chứng chỉ bồi dưỡng năng lực, kỹ năng lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng hoặc tương đương, trong đó có 3 người thiếu tại thời điểm bổ nhiệm.
Thanh tra Bộ Nội vụ chỉ rõ, một số lao động hợp đồng làm chuyên môn, nghiệp vụ tại đơn vị sự nghiệp công lập nhưng được bổ nhiệm chức vụ quản lý. 02 trường hợp tuyển dụng công chức không qua thi năm 2011, 2012 không đúng thẩm quyền.
Kiểm tra 80 hồ sơ tuyển dụng công chức; 28 kỳ xét tuyển viên chức của 12 đơn vị sự nghiệp công lập, kết quả tuyển dụng được 235 người. Qua kiểm tra có thiếu sót như sau: 04 trường hợp không gửi văn bản thống nhất ý kiến Bộ Nội vụ trước khi tuyển dụng công chức; có đơn vị không xây dựng và phê duyệt kế hoạch tuyển dụng trước khi tổ chức tuyển dụng; thiếu sót trong việc tổ chức chấm thi; có trường hợp không phân công hướng dẫn tập sự hoặc cử 1 viên chức cùng lúc hướng dẫn nhiều người tập sự…
Ngoài ra, Thanh tra Nội vụ cũng kiến nghị Bộ TN&MT tự kiểm tra, rà soát các trường hợp tuyển dụng, bổ nhiệm từ tháng 6/2012 đến nay, có biện pháp xử lý đối với những trường hợp không đúng quy định. Đặc biệt là kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến những tồn tại, hạn chế đã nêu trong kết luận thanh tra để có hình thức xử lý phù hợp.
Đối với kết luận của Thanh tra Bộ Nội vụ tại Tổng cục Thuế và 17 đơn vị thuộc, trực thuộc Tổng cục giai đoạn từ ngày 01/01/2015 đến ngày 31/8/2018.
Qua kiểm tra, còn 141 công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý chưa đáp ứng một hoặc một số điều kiện, tiêu chuẩn đối với chức vụ hiện giữ theo quy định của Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế; 04 trường hợp quá tuổi bổ nhiệm lần đầu; 08 trường hợp lãnh đạo, quản lý cấp phòng, chi cục, nhưng giữ ngạch cán sự hoặc tương đương; 02 trường hợp được tiếp nhận năm 2011, 2012 chưa thực hiện đầy đủ quy trình tuyển dụng công chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức.
Thanh tra Bộ Nội vụ kiến nghị Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế chỉ đạo các cơ quan, đơn vị rà soát, cử công chức, viên chức còn thiếu tiêu chuẩn lãnh đạo, quản lý về lý luận chính trị, ngoại ngữ, tin học, bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý, bồi dưỡng nghiệp vụ... đi đào tạo, bồi dưỡng, đảm bảo đến hết năm 2019 phải hoàn thiện, đáp ứng đủ tiêu chuẩn theo quy định; không xem xét bổ nhiệm lại hoặc miễn nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý đối với các trường hợp sau thời hạn vẫn không đáp ứng yêu cầu.
Cùng với đó, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế chỉ đạo rà soát, bãi bỏ, hủy bỏ, thu hồi các quyết định không đúng, không phù hợp, có sai phạm về điều kiện, tiêu chuẩn, quy trình tuyển dụng, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp từ tháng 6/2012 đến nay…
Tại Tuyên Quang: Thanh tra Bộ Nội vụ cho biết giai đoạn từ đầu năm 2017 đến 28/2/2019, có 11 người được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý nhưng còn thiếu một số điều kiện, tiêu chuẩn, có 1 trường hợp chưa có quyết định tuyển dụng công chức nhưng vẫn được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.
Qua kiểm tra 33 hồ sơ cho thấy, đến thời điểm thanh tra có 16/33 công chức chưa có chứng chỉ quản lý nhà nước ngạch chuyên viên; có 7 công chức thiếu chứng chỉ ngoại ngữ tương ứng với ngạch công chức, 2 công chức thiếu chứng chỉ quản lý nhà nước dành cho lãnh đạo sở hoặc nghiệp vụ chuyên ngành…
Những trường hợp sai phạm, thiếu sót kể trên đặt ra thực tế là một số cán bộ, viên chức khi được bổ nhiệm, tuyển dụng ở các bộ, ngành, địa phương còn thiếu điều kiện, tiêu chuẩn như: lý luận chính trị, ngoại ngữ, tin học, bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý, bồi dưỡng nghiệp vụ... Có trường hợp chưa có quyết định tuyển dụng công chức nhưng vẫn được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đây là trường hợp khó chấp nhận. Thậm trí có trường hợp quá tuổi được bổ nhiệm lần đầu với lý do đưa ra là “thiếu” cán bộ. Chưa thực hiện đúng quy trình tuyển dụng công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật viên chức…
Có thể nói, đây là thực trạng tồn tại không chỉ ở 03 cơ quan nêu trên mà ở nhiều cơ quan, đơn vị chưa được xử lý trách nhiệm cá nhân, tổ chức nhất là người đứng đầu. Thậm trí người đứng đầu bổ nhiệm “thần tốc” thực hiện chuyến tàu “vét lúc hoàng hôn”, bổ nhiệm một loạt cán bộ không đủ tiêu chuẩn trước khi nghỉ hưu. Câu hỏi đặt ra là người đứng đầu cơ quan về công tác cán bộ đã nêu gương, gương mẫu, có tâm thực hiện đúng nguyên tắc, qui trình của Đảng và Nhà nước về cán bộ chưa? Những tồn tại, hạn chế, thiếu sót trên làm cho dư luận hoài nghi về tính dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ, trong khi qui định Đảng và Nhà nước về cán bộ là không thiếu.
Sai phạm, thiếu sót về công tác cán bộ như trên là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng cả họ làm quan, quan bố, quan con, quan anh, quan em; chồng qui hoạch vợ... như đã diễn ra trong thời gian qua. Dư luận đặt câu hỏi có tình trạng chạy chức, chạy điều kiện, tiêu chuẩn không? Cơ quan Thanh tra đã kiến nghị xử lý trách nhiệm cá nhân, tổ chức nhất là người đứng đầu, nhưng xem ra không thấy ai làm, không ai đứng ra chịu trách nhiệm; có kiểm điểm trách nhiệm cũng đổ cho nguyên nhân khách quan và cùng lắm chỉ là kiểm điểm sâu sắc, rút kinh nghiệm dài dài mà thôi!