Hiện nay, yêu cầu về bảo đảm an toàn trong khai thác khoáng sản đang là vấn đề nóng hổi được dư luận đặc biệt quan tâm, nhất là từ sau vụ sạt lở bãi thải số 3, Mỏ than Phấn Mễ xảy ra hồi tháng 4 vừa qua làm thiệt hại lớn về người và tài sản. Qua khảo sát thực tế của chúng tôi, nhiều khu vực mỏ trên địa bàn, tình trạng mất an toàn trong quá trình khai thác vẫn diễn ra. Các chủ mỏ dường như còn quá xem nhẹ vấn đề an toàn mặc dù đã có không ít trường hợp tai nạn lao động xảy ra. Những hình ảnh dưới đây đã phần nào cho chúng ta thấy thực trạng đó và góp phần cảnh báo cho các chủ sở hữu mỏ biết, khắc phục kịp thời.
Dù chỉ có vài cây chống bằng gỗ đã mục nát trông rất mất an toàn, nhưng Mỏ khai thác vàng Bồ Cu, xã Liên Minh (Võ Nhai) vẫn để công nhân ngày ngày vào hầm nổ mìn khai thác.
Khoan khai thác đá ở độ cao cả trăm mét so với mặt đất thế này, nhưng gần như các công nhân của Mỏ đá Núi Voi không mấy khi sử dụng dây đeo bảo hộ hoặc phương tiện an toàn cần thiết nào.
Toàn bộ công nhân khai thác hầm lò của Công ty CP khai khoáng miền núi tại Xí nghiệp khai thác than Giếng 9 (khu vực Mỏ than Phấn Mễ) đều lên xuống giếng lò (độ sâu trên 100m) bằng chiếc thùng nhựa đựng than rất không an toàn
Khu bãi thải của Mỏ sắt Ngàn Me, xóm Cầu Đã, xã Tân Lợi (Đồng Hỷ) được đổ không đúng quy trình. Mặc dù cao gần 30m, đất nền yếu, song quá trình đổ thải lại không theo tầng lớp, dễ dẫn đến sạt lở.
Tại đây đã xuất hiện một số vết nứt, rất nguy hiểm