Đã nhiều năm nay, hàng nghìn hộ dân sống trong lưu vực của dòng suối Gia Sàng (còn gọi là suối Cốc), thuộc phường Cam Giá, T.P Thái Nguyên phải chịu cảnh sống chung với nguồn nước bị ô nhiễm nặng. Theo kết quả quan trắc mới nhất của Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh) thì trên dòng suối dài 3,3km này đang tồn tại tới 30.000 m3 chất thải nguy hại gồm amoni, phenol, xianua và dầu mỡ. Dòng suối bị ô nhiễm nặng là do các hoạt động sản xuất công nghiệp tại một số cơ sở luyện kim trong khu công nghiệp Gang thép gây ra. Mặc dù những năm qua các chủ thải đã có nhiều biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường suối Cốc, song chỉ như “ném đá ao bèo”, cuối cùng người dân vẫn là đối tượngchính phải hứng chịu hậu quả của tình trạng này.
Một số đơn vị sản xuất công nghiệp trong KCN Gang thép mỗi ngày xả hàng nghìn mét khối nước thải chứa các chất nguy hại ra dòng suối Cốc. Trong ảnh: Nguồn nước thải của Nhà máy Cốc Hóa trước khi xả ra suối Cốc.
Suối Cốc đen ngòm giống như dòng nước “chết”, khiến cho gần như không còn loài thuỷ sinh nào có thể tồn tại.
Gia đình chị Nguyễn Thị Đường, ở tổ 17, phường Cam Giá cũng giống hàng trăm hộ dân có diện tích gieo trồng nằm trong vùng ảnh hưởng của dòng suối Cốc gần như vụ nào cũng thất thu trên 50% sản lượng so với vùng gieo cấy không bị ô nhiễm.
Ông Mạc Văn Thành, 87 tuổi, sống ở tổ 7, phường Cam Giá cho biết: Gia đình tôi và nhiều hộ dân khác ở đây hàng ngày vẫn phải sử dụng nguồn nước giếng đào bị ngấm nước ô nhiễm từ suối Cốc.
Hiện tại, dọc dòng suối Cốc có nhiều diện tích đất canh tác bị bỏ hoang như thế này vì nguồn nước quá ô nhiễm.