Đường lên những lân quýt xóm Na Phài, xã Phú Thượng (Võ Nhai) chất ngất đá hộc và loằn ngoằn như con trăn uốn mình trong núi. Để đi được, chúng có đoạn chúng tôi hai tay phải bám vào vách đá dựng đứng trèo lên, không dám sơ sẩy vì có thể bị ngã nhào ngay. Sau gần 2 tiếng đi bộ, bù lại quãng đường mệt nhọc, chúng tôi được thỏa mắt ngắm hàng nghìn cây quýt trong lân đang độ chín, quả quýt tơ vàng ươm giữa nắng vàng cuối đông rực rỡ. Đứng giữa vẻ đẹp thiên nhiên thánh thiện, hoang sơ, mới thấy sức mạnh chinh phục thiên nhiên của những bà con người Tày, Nùng nơi đây thật đáng khâm phục.
10 năm nay, 13 hộ trong xóm Na Phài đã đưa giống quýt Bắc Sơn (Lạng Sơn) về trồng ở những vùng núi đá cao. Hộ ít có 200 cây, nhiều là hơn 400 cây. Bắt đầu từ năm 2013, quýt bắt đầu được thu hoạch.
Giống quýt Bắc Sơn hợp với khí hậu và thổ nhưỡng ở đây, cho quả sai và to, vị chua rôn rốt rất dễ ăn.
Gia đình chị Chu Thị Niên, ở xóm Na Phài có hơn 400 cây quýt, bắt đầu được thu hoạch từ năm 2013. Vụ này dự kiến thu được hơn 4 tấn, giá bán từ 13-15 nghìn đồng/kg, được gần 50 triệu đồng.
Không một máy móc nào đi lên được những khu vực sâu hun hút toàn đá tảng to, bởi vậy những nông dân ở Na Phài phải dùng búa và xà beng phá đá, mài đá cho đỡ sắc cạnh nguy hiểm để đường lên lân quýt dễ đi. Trong ảnh: Ông Chu Văn Đặng, nông dân xóm Na Phài đang gánh quýt từ trên lân xuống bán cho thương lái.