Thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã giải quyết thỏa đáng nhiều vấn đề vướng mắc, được dư luận quan tâm. Trên địa bàn không phát sinh điểm nóng; tình hình trong nhân dân ổn định; các doanh nghiệp (DN) có trách nhiệm hơn với người lao động; nhiều địa phương đã khơi dậy được sức dân đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng nông thôn mới… Từ thực tế cho thấy việc thực hiện hiệu quả QCDC ở cơ sở góp phần quan trọng củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Công khai, minh bạch để dân tin
Với phương châm “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các huyện, thành, thị trong tỉnh đã xác định công khai, minh bạch là “chìa khóa” thực hiện QCDC ở cơ sở. Đáng chú ý, các địa phương luôn chú trọng thực hiện việc công khai trong huy động kinh phí xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng (nhất là đường giao thông); huy động và sử dụng các loại quỹ, với nhiều hình thức đa dạng: Niêm yết công khai tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn; thông báo trên hệ thống loa truyền thanh, họp xóm, tổ dân phố... bảo đảm người dân nắm vững để thực hiện và kiểm tra việc giải quyết của chính quyền các cấp.
Ở xóm Bò 1, xã Phấn Mễ (Phú Lương), nhờ công khai, minh bạch nên việc huy động đóng góp làm đường bê tông, xây nhà văn hóa… đều được nhân dân đồng thuận. 30 hộ sinh sống dọc tuyến đường trục xóm đã tự nguyện phá bỏ bờ rào, đốn nhiều cây gỗ quý, hiến trên 10.000m2 đất để mở rộng đường bê tông. Tiêu biểu như gia đình ông Trần Đức Hùng hiến 170m2 đất thổ cư; bà Trần Thị Đức hiến trên 100m2 đất thổ cư… Đến nay, 100% các tuyến đường nội xóm (với tổng chiều dài trên 4km) đã được đổ bê tông rộng từ 3-5m, tạo điều kiện cho nhân dân đi lại thuận tiện.
Đồng chí Đào Thị Chiêm, Bí thư Chi bộ xóm Bò 1 chia sẻ: Khi có chủ trương làm bất cứ việc gì, chúng tôi đều đưa ra bàn bạc công khai trong xóm. Theo đó, mọi chủ trương chỉ triển khai thực hiện khi nhận được sự đồng thuận của nhân dân. Quá trình thực hiện từ khâu lập kế hoạch, triển khai, hạch toán kinh phí đến kiểm tra, giám sát..., chúng tôi đều tổ chức lấy ý kiến và có sự tham gia của nhân dân.
Người dân xóm Văn La 1, xã Lam Vỹ (Định Hóa) tham gia làm đường bê tông vào xóm, tạo điều kiện đi lại, thông thương hàng hóa thuận lợi hơn. Ảnh: V.D
Còn tại xóm Đông, xã Hà Châu (Phú Bình), dẫn chúng tôi đi dọc tuyến đường bê tông nội xóm, đồng chí Tạ Văn Bính, Bí thư Chi bộ chia sẻ: Đến nay, 100% các tuyến đường trong xóm (với tổng chiều dài trên 3km) đã được đổ bê tông rộng từ 2-3m, với tổng kinh phí trên 600 triệu đồng, trong đó có 2km được Nhà nước hỗ trợ 40% bằng xi măng, còn lại đều do sức dân đóng góp. Nhà văn hóa với tổng kinh phí đầu tư gần 500 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 100 triệu đồng, mỗi hộ dân trong xóm đóng góp 2,5 triệu đồng xây dựng khang trang hiện đại.
Đó chỉ là hai trong nhiều địa phương thực hiện tốt QCDC ở cơ sở. Bên cạnh việc công khai các nội dung theo quy định, cũng như các khoản đóng góp trong huy động sức dân, cấp ủy, chính quyền các cấp còn tăng cường công tác tiếp dân, đối thoại, lắng nghe và giải quyết các ý kiến kiến nghị của người dân.
Tăng cường tiếp xúc, đối thoại
Để việc thực hiện QCDC ở cơ sở thực chất và hiệu quả, các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh đã tăng cường tổ chức tiếp công dân, đối thoại, giải quyết công khai, minh bạch những nguyện vọng của người dân. Theo đánh giá của Ban Tiếp công dân tỉnh, năm 2020 công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân có nhiều chuyển biến tích cực. Số lượt tiếp đoàn đông người giảm so với cùng kỳ năm trước, không xảy ra điểm nóng, vụ việc nổi cộm về khiếu nại, tố cáo. Tính từ ngày 16/12/2019 đến 15/10/2020, tổng số lượt tiếp công dân của các cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh là 5.507 lượt người, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2019 (số lượt đoàn đông người đến khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị là 43 lượt đoàn, giảm 4,4% (2 lượt đoàn) so với cùng kỳ năm 2019).
Năm 2020, có 1.115/1.115 (bằng 100%) các cơ quan hành chính Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập đã tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức theo quy định. Việc tổ chức thực hiện Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp với nhân dân tiếp tục được các địa phương, đơn vị quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện. 9/9 huyện, thành, thị đã xây dựng kế hoạch tổ chức các hội nghị tiếp xúc đối thoại trực tiếp với nhân dân để kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh từ cơ sở, đặc biệt trước thềm đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025.
Đặc biệt, việc thực hiện QCDC trong các loại hình DN trên địa bàn tỉnh theo nội dung Nghị định số 149/2018/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều chuyển biến rõ nét. Các DN quan tâm hơn đến việc tổ chức đối thoại định kỳ với người lao động. Riêng trong năm nay có trên 85% các DN tổ chức hội nghị người lao động. Tiêu biểu là Công ty CP Xây dựng giao thông I Thái Nguyên - đơn vị không có vốn Nhà nước - QCDC được tổ chức thực hiện rất bài bản.
Trao đổi với chúng tôi, ông Tăng Minh Bắc, Giám đốc Công ty cho biết: Đặc điểm của DN là các đội sản xuất ở không tập trung, vì thế nếu muốn tổ chức một hoạt động huy động cả đơn vị là rất khó khăn. Bám sát các nội dung của QCDC, DN đã xây dựng điều lệ, quy chế làm việc và phối hợp giữa Đảng ủy, Ban Giám đốc, các đoàn thể trong DN, quy chế tổ chức quản lý sản xuất, kinh doanh; quy định nâng bậc ngạch lương, quy định trả lương, thưởng; phân phối lợi nhuận; thỏa ước lao động, nội quy lao động… Đặc biệt, chúng tôi đã xây dựng được quy chế đối thoại và theo định kỳ (hoặc đột xuất theo từng vấn đề) với người lao động tại nơi làm việc. Hội nghị người lao động được đơn vị tổ chức nghiêm túc, bài bản, qua đây Ban Giám đốc đã công khai minh bạch kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, giải đáp thỏa đáng các kiến nghị vướng mắc của người lao động. Qua việc thực hiện QCDC đã tạo động lực góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của đơn vị...
Từ những dẫn chứng nêu trên có thể khẳng định việc thực hiện có hiệu quả QCDC ở cơ sở thời gian qua đã góp phần tích cực trong việc thúc đẩy hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Qua đó đã phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân hăng hái tham gia phong trào thi đua yêu nước trong từng lĩnh vực, tăng cường và củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân, hạn chế các vụ việc tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, nâng cao uy tín của tổ chức Đảng, bộ máy chính quyền, MTTQ và các đoàn thể.