Mùa Xuân lên đồi

18:53, 13/03/2021

Thông điệp trồng 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ - ví như tiếng trống hội giục giã, thôi thúc mọi người dân lên đồi trồng rừng, góc sức tái tạo, bảo vệ, gìn giữ lá phổi cho hành tinh xanh. Vâng! Cái màu xanh vô tận vốn có của thiên nhiên ban tặng cho vạn vật trên trái đất, thể hiện sự sống luôn sinh sôi, nảy nở. Bắt đầu là mùa Xuân, sự sống mới tươi xanh, mãnh liệt chúm chím rồi nở bung trên khắp mặt đất. Giá rét ngày đông tan biến vào càn khôn, nhường lại cho bầu trời đầy mưa bụi, ấm áp - ấy là mùa trồng cây. Xuân Tân Sửu năm nay, ngoài 4.000ha rừng tập trung được trồng mới, trên vùng đất Thái Nguyên còn có thêm 1 triệu cây xanh phân tán được người dân ươm trồng.

Các đợt ra quân phát động trồng rừng liên tiếp được tổ chức tại các huyện, thành phố và thị xã. Hàng nghìn con người, đủ cả: Nam, phụ, lão, ấu - ai nấy hăm hở tay cuốc, tay cây, góp sức bù đắp những gì con người đã lấy đi của tự nhiên... Trong làn mưa xuân vừa đủ ướt vai áo, nhưng có một sức mạnh diệu kỳ khiến con người xích lại gần nhau hơn, quyết tâm hơn để việc trồng cây hôm nay cho nhiều mùa xuân sau tươi đẹp, trong lành. Để mùa trồng cây đạt kết quả, việc trồng rừng được địa phương, trực tiếp là bà con nông dân đã chủ động phát dọn thực bì, vệ sinh nương bãi, khai hố... từ những ngày đông giá lạnh. Rồi các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ rừng được cơ quan chức năng tổ chức chuyển giao cho nhân dân. Đáp ứng nhu cầu trồng rừng, hiện trên toàn tỉnh có gần 100 cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp, với sản lượng hơn 26 triệu cây giống.
Hầu hết diện tích đất đồi dốc được nhân dân chuyển đổi cây có giá trị kinh tế thấp sang trồng rừng sản xuất.
 
Theo số liệu thống kê của tỉnh: Thái Nguyên có tổng diện tích đất tự nhiên hơn 356.000ha, trong đó đất đồi núi chiếm gần 80% tổng diện tích, rất thuận lợi cho phát triển rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, rừng sản xuất và trồng cây ăn quả. Hiện còn hơn 40.000ha đất có khả năng sản xuất lâm nghiệp nhưng chưa được khai thác hiệu quả. Cùng với nguồn tài nguyên đất đai, Thái Nguyên còn có các dòng sông lớn như sông Cầu, sông Công, sông Dong, sông Máng... và nhiều các phụ lưu khác cùng các hồ, ao chứa nước hết sức thuận lợi cho phát triển nông - lâm nghiệp - thủy sản.
 
Tiếc là sau nhiều năm, con người mới nhận thức và có trách nhiệm đầy đủ hơn về giá trị của rừng. Coi trồng rừng là giải pháp thiết thực nhất để tái tạo lại vẻ đẹp trong sáng, thanh bình cho thiên nhiên. Bởi ít năm trước đây Thái Nguyên được cả nước biết đến nhờ “thành tích phá rừng”. Các loại gỗ quý như đinh, nghiến, lát bị đào tận gốc, trốc tận rễ chở về xuôi.
 
“Ăn của rừng, rưng rưng nước mắt” - Lời người xưa còn nguyên giá trị. Nói như các nhà khoa học thì hậu quả của việc tàn phá rừng bừa bãi là nguyên nhân dẫn đến biến đổi khí hậu; biến dạng địa chất; làm cho trái đất nóng lên; hiệu ứng nhà kính... Còn theo cách gọi bình dân thì do mất cây, đất bị bào mòn dẫn đến đổ núi, lũ lụt, hạn hán kéo dài, không ít cánh đồng xuất hiện các hố sụt lún do mất tầng nước. Xuân nay, nhìn dòng sông Cầu, những cụ già thở dài khi phải nhìn thấy từng viên cuội, hạt cát phơi khô dưới lòng sông. Bài hát không lời của thiên nhiên mất đi cảm hứng vì nhãn tiền khô khát. Vẻ đẹp kỳ bí của thiên nhiên chỉ còn trong câu chuyện cổ tích ngày xưa. Bởi trên con đường dài đầy nắng, chỉ còn bóng cây chật hẹp cho ta nép vào trong mỏi mệt, chán chường. Đó là lúc ta mơ tới một rừng cây. Đã bao thế hệ người trồng cây, nhưng trồng theo phong trào chứ chưa quan tâm đến chất lượng. Thành tích trồng số cây được coi trọng hơn tỷ lệ cây sống được trồng. Một dạo, có khu đất đẹp, gần phố, thuận đường cho xe ô tô lăn bánh năm nào cũng được cơ quan chức năng lựa chọn phát động lễ trồng cây.
 
Vợ chồng ông La Văn Día, hộ nông dân đi đầu phong trào trồng rừng ở xóm Mỏ Chì, xã Cúc Đường (Võ Nhai).
 
Có lẽ việc làm chưa mấy thiết thực ấy diễn ra ở nhiều địa phương, rồi được bày lên bàn nghị sự. Không chỉ trích ai, một cán bộ tham mưu nào đó đã mạnh bạo đề ra giải pháp hiệu quả là gắn mã số định danh cho cây... Việc gắn mà số định danh, ví như ở khu rừng cách mạng Khuôn Mánh, xã Tràng Xá (Võ Nhai) sau khi bị “bà hỏa” thiêu rụi vào mùa hè năm 2016. Để gắn trách nhiệm, huyện Võ Nhai đã hỗ trợ cây giống, hướng dẫn kỹ thuật, giao trực tiếp cho các cơ quan, đơn vị trong huyện đến trồng lại. Sau khi trồng, các cơ quan, đơn vị tự cắm biển tên và chủ động tưới, bón bảo đảm cho cây sống. Hiện Di tích lịch sử cách mạng Khuôn Mánh được đại ngàn che chở. Con dân trên mọi miền Tổ quốc về lại, đi dưới tán rừng, lòng nhẹ tênh vì như vừa cởi bỏ được bụi hồng trần, thong thả bước và hít thật sâu một hơi thở trong lành thiên nhiên ban tặng.
 
Được thả lỏng mình dưới một bóng cây, ngắm nhìn dòng nước trong xanh, dịu êm tưới tắm cho những mùa vàng bên bờ. Nhìn từng dải rừng xanh mướt mát chạy tít tắp đến đỉnh trời mới thấy dáng núi, dáng sông của đất nước vĩ đại giữa hồn thiên của màu xanh đầy nhựa sống. Cũng khi ấy ta nhận ra một lẽ phải vĩnh hằng: Trong hoàn cảnh biến đổi khí hậu ở quy mô toàn cầu, trái đất nóng lên, những núi băng vùng Bắc cực đổ ập, tan thành nước và trái đất từng ngày chìm xuống, thì việc trồng rừng tập trung, trồng cây phân tán nhân dân ở nơi công sở, khu dân cư, đường phố, trường học, bệnh viện, khu công nghiệp và dọc bên các đường quê thực sự mang lại ý nghĩa. Qua đó củng cố ý thức, hình thành thói quen cho mọi người dân về bảo vệ môi trường sinh thái.
 
Đi giữa mùa trồng cây, chợt vẳng nghe từ đâu đó lời bài hát “Một đời người, một rừng cây” của Nhạc sĩ Trần Long Ẩn thủ thỉ như tâm sự: “Có một cây là có rừng / Và rừng sẽ lên xanh/ Rừng giữ đất quê hương”... Mùa xuân đang gọi bao bước chân lên đồi để phủ xanh đất trống, đồi trọc. Vâng! Có lẽ không gì đẹp hơn là sau khi cây được đặt xuống đất, chồi non nhú lên nhờ bàn tay người trồng cây đều đặn tưới tắm. Hình ảnh ấy trực tiếp tạo dựng, củng cố niềm tin của nhân dân vào đạo đức của người cán bộ: “Nói đi đôi với làm”.