Sinh ra và lớn lên ở chốn đại ngàn, giữa bốn bề chỉ có tiếng hổ gầm, gió hú, nên những lời hát Then cùng tiếng đàn Tính của ông nội và của bố là âm thanh vô cùng đặc biệt đối với ông Hoàng Văn Hải, ở Bản Cái, xã Nghinh Tường (Võ Nhai). Say tiếng hát, tiếng đàn, ngay từ nhỏ ông Hải đã theo ông nội, theo bố đi thực hiện các nghi lễ cho đồng bào mình ở khắp làng trên, xóm dưới. Lớn hơn ông hiểu, hát Then không chỉ là tín ngưỡng mà còn là văn hóa của người Tày. Từ đó, trở thành thầy Then là giấc mơ ông luôn ấp ủ.
Đến xóm Bản Cái, tôi hỏi thăm nhà ông Hải nhưng không mấy người biết. Lạ thật! Gặp một chị trung niên đang bó củi ven đường, nghe tôi hỏi, chị ngơ ngác một thoáng rồi à lên một tiếng bảo: “À lúi, phải hỏi nhà Then Hà mới biết được chứ. Cứ đi qua con dốc cao nhất này, đến chân dốc rẽ tay trái, rồi đi đến đỉnh cái dốc cao nhất nữa là đến nhà Then Hà”.
Tôi cảm ơn chị và đi theo lời chỉ dẫn, một ngôi nhà sàn xinh xắn nằm ở địa thế vô cùng thoáng đãng hiện ra trước mắt tôi. Gặp ông ở chân cầu thang, tôi mang ngay thắc mắc hỏi rằng ông tên Hải mà sao dân bản lại gọi ông là Then Hà, ông giải thích: Ở đây mọi người thường gọi nhau theo tên của người con cả. Con gái đầu của tôi tên Hà, tôi làm thầy Then nên bà con gọi là Then Hà. Khi chủ, khách đã yên vị trong căn nhà sàn sạch tinh, thấy một thanh niên chạc ngoài 30 tuổi mang nước lên mời khách.
Tôi dè dặt: - Đây chắc là con trai thứ của nhà ta?
- Không, rể cả đấy. Dân tộc Tày ở vùng này, lấy rể như lấy dâu. Tức là rể về ở nhà mình ấy, con nó đẻ ra mang họ mình là họ Hoàng, không mang họ Trịnh đâu (con rể ông họ Trịnh). Rể ở nhà mình, mình thương nó như con ruột của mình ấy.
Then Hà bảo rằng, đây là một nét phong tục rất riêng của người Tày ở khu vực phía Bắc huyện Võ Nhai. Ngoài thông tin Then Hà chia sẻ, thêm một điều thật đáng quý nữa tôi biết được là người dân ở đây vẫn giao tiếp với nhau chủ yếu bằng tiếng của dân tộc mình, tiếng phổ thông chỉ để nói chuyện với khách ở nơi khác đến. Then Hà khá bận, ngồi với ông mới được một lát mà tôi thấy ông liên tục phải dừng cuộc trò chuyện để nghe điện thoại. Đại khái thấy ông hẹn thực hiện công việc gì đó khi hết tháng Giêng.
Tôi đang băn khoăn muốn tìm hiểu đó là việc gì thì vợ ông từ dưới bếp đi lên tiếp khách nói thay chồng: Người ta gọi đi cúng giải hạn đấy, nhưng lịch của ông ấy kín hết tháng Giêng rồi, giờ ai đăng ký tiếp theo thì phải đợi sang tháng 2 (Âm lịch). Ông ấy đi làm lễ cho người ta suốt, ít khi ở nhà lắm. Cả tuần rồi hôm nay mới ở nhà được buổi sáng, chiều và mai cũng không ở nhà đâu.
Nghe xong cuộc điện thoại, Then Hà quay sang tôi giải thích thêm: Đầu năm mới nhà nào cũng làm lễ cầu an cho cả năm, mỗi ngày, nhiều nhất tôi cũng chỉ làm lễ được cho hai nhà. Chưa kể nhiều gia đình ở xa, không phải người Tày nhưng cũng vẫn nhờ, mà họ đã nhờ thì không thể từ chối nên bắt đầu từ ngày mùng 4 Tết đến hết tháng Giêng tôi không còn ngày nào trống lịch cả.
- Bà con mình trên này làm lễ riêng từng nhà mà không làm tập trung sao?
- Nhà nào làm lễ ở nhà ấy vì lễ vật rất đơn giản, giàu hay nghèo cũng chuẩn bị được hết. Chỉ cần 1 con gà (còn sống), 3 bơ gạo nếp và 1 chai rượu thôi. Còn công xá thì tùy tâm gia chủ, tôi không đặt vấn đề tiền công phải bao nhiêu với ai cả. Lắm lúc, làm lễ cho gia đình khá giả họ đưa nhiều tôi cũng hồi lại không lấy hết. Mình làm việc phúc không nên tham tiền bạc làm gì.
Để trở thành thầy Then phải có “căn” then hoặc gia đình, dòng dõi có người làm thầy trước đó. Những người có “căn” then thường có biệt tài về đàn hát, nhảy múa. Quy định về làm thầy Then ở đây cũng rất khắt khe. Trong một dòng tộc, mỗi đời chỉ có 1 người được cấp sắc làm thầy. Hiện nay, ông Hải đã lên đến bậc Thượng Thư (Then Thượng Thư), cũng là bậc cao nhất trong số các thầy Then ở nơi này. Dù chỉ tự học, tự tìm hiểu, song ông Hải không những đánh đàn Tính hay mà còn đạt mức bậc thầy, ông cũng có thể khấn suốt 5 tiếng đồng hồ gồm nhiều bài Then khác nhau mà không cần nhìn sách. Tự nghiên cứu, học hỏi, ông còn thông thạo cả chữ nho. Mới nói, nếu không có một tình yêu mãnh liệt với nét văn hóa truyền thống của dân tộc và không có “căn” then thì khó mà làm được điều này. Đó cũng là lý do mà trong cộng đồng người Tày có rất ít thầy Then. Riêng Then Hà đến nay có hàng trăm con then và 3 đệ tử.
Thầy Then cũng là thầy cúng, nhưng họ diễn xướng bài cúng qua điệu hát Then. Vì thế, “bài cúng” đó được coi là loại hình âm nhạc hay diễn xướng dân gian, có sự gắn kết chặt chẽ với tín ngưỡng. Trong then có nhiều đường then và dạng then. Trong mỗi dạng then có nhiều điệu hát khác nhau. Thầy Then được cho là có khả năng liên lạc với thần linh nên được cộng đồng rất nể trọng. Trong đời sống của đồng bào người Tày, một người từ khi sinh ra đến lúc mất đi không thể thiếu các nghi lễ do thầy Then làm. Khi mới sinh ra, thầy Then sẽ làm nghi lễ cúng Mụ. Đến 12 tuổi là nghi lễ trả lễ Mụ. Về già sẽ cúng bà Quốc mẫu để mừng thọ xin được tăng tuổi, tăng số. Vào nhà mới là nghi lễ cúng thổ công, thổ địa. Người già trăm tuổi mất đi sẽ được thầy Then làm lễ để có thể siêu thoát lên gặp tổ tiên. Thông thường, làm lễ cho người khuất núi sẽ kéo dài hơn 1 ngày. Nhưng lâu nhất vẫn là nghi lễ cấp sắc, khoảng 3 ngày.
Hát Then, đàn Tính trong nghi lễ Then Hà thực hiện đều là những lời then cổ trong sách mà ông được ông nội và bố trao truyền. Ngoài phần lễ nghi, diễn xướng, Then và Phong slư còn có tính chất vui chơi mang đậm yếu tố sân khấu. Không chỉ là thầy Then của bản, ông Hoàng Văn Hải hiện còn là Chi hội trưởng Chi hội Văn học nghệ thuật xã Nghinh Tường, trước đó ông là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hát then.
Sau 24 năm được công nhận là thầy Then, với những cố gắng không mệt mỏi để gìn giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình; trở thành điểm tựa về mặt tinh thần giúp nhiều người dân cảm thấy an yên trong cuộc sống, ông Hoàng Văn Hải là 1 trong 6 cá nhân trên địa bàn tỉnh vừa được đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực Nghệ thuật trình diễn dân gian (hát Then đàn Tính, Phong slư). |