Kỳ II: Trong đoàn quân tiến về giải phóng Thái Nguyên 20-8-1945

15:56, 25/07/2021

Trong bài viết của tác giả Cecil Curren nói về Đại đội Việt - Mỹ có đoạn:” Qua điện đài, Thomas nói với Tổng hành dinh chuyển gấp vũ khí. Máy bay L5 chuyển đến cả thảy 1 súng máy đại liên, 2 súng cối 60, 4 bazooka, 8 trung liên Bren, 20 tiểu liên Thompson, 60 carbine M-1, 4 súng trường M-1, 20 súng lục colt và nhiều ống nhòm. Với vũ khí đó, cùng với vũ khí tự chế có sẵn, việc tập luyện của quân đội ông Võ Nguyên Giáp rất tốt”.

Nhật ký Biệt đội Con Nai viết: Dưới sự theo dõi cẩn thận của ông Giáp, việc huấn luyện bắt đầu từ ngày 9-8 vào lúc 5h30 đến 17h chiều. Trong 6 ngày, trung sỹ huấn luyện viên Vogt cùng các thành viên khác của Con Nai dạy cho các học viên cách bắn súng cacrbine M-1, cối bazooka, ném lựu đạn… Ngày 15-8, nhân viên điện đài Zielski thông báo Nhật đã đầu hàng Đồng Minh. Thomas phân phát vũ khí cho các đội viên rồi cùng ông Giáp đi gặp Bác Hồ…

Quốc dân Đại hội Tân Trào, Quân lệnh số 1 của Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, phong trào vùng lên cướp chính quyền như luồng điện tháng Tám… bạn đọc đều đã biết. Trên cơ sở các nhật ký của Biệt đội Con Nai, của Đại đội Việt - Mỹ mà tôi mới tiếp cận, xin kể lại cuộc hành quân và những diễn biến của đoàn quân về giải phóng Thái Nguyên mà trong đó có cả những người bạn Mỹ.

2 rưỡi chiều 16-8-1945, một đơn vị Giải phóng quân, trong đó có thành viên Đại đội Việt - Mỹ tập hợp dưới gốc đa Tân Trào làm lễ xuất quân. Đây là đoàn quân của Uỷ ban Khởi nghĩa toàn quốc do đồng chí Võ Nguyên Giáp làm Chủ tịch. Ngoài đồng chí Võ Nguyên Giáp còn có đồng chí Đàm Quang Trung, Thiếu tá Thomas, đại uý Archimede L.A Patty… Tình thế vô cùng khẩn trương vì đây là thời cơ có một không hai mà Thái Nguyên lại là khởi đầu.

Đoàn đi tắt, vượt núi Hồng đến xóm Đồng Măng rồi ra xã Văn Lãng, chân đèo Khế phía Đại Từ. Nhân dân Đại Từ mời cơm để ăn xong lại hành quân ngay, theo đường mòn về Bản Ngoại. Lãnh đạo đoàn hội ý và quyết định không đánh đồn Nhật tại trung tâm huyện mà luồn rừng đi tắt sang Thịnh Đán của Đồng Hỷ, địa điểm chỉ cách trung tâm thị xã Thái Nguyên 7 km. Kế hoạch là thế nhưng đường rừng khó đi, trời tối mới tới một xóm nhỏ giữa rừng, nhịn bữa tối, đành nghỉ lại đêm 18-8 tại đó. Sáng 19-8, mặc dù hành quân sớm nhưng quá trưa mới tới Thịnh Đán.

Nhật ký của thành viên Đại đội Việt - Mỹ ghi: “Các bạn Mỹ ạ! Các bạn cùng chúng tôi đã hành quân bộ qua một chặng đường phải vượt nhiều suối lũ, trời mưa tầm tã, vắt bám vào cổ, vào tay. Anh Thomas cười, nói không sao rồi bấu tay vứt những con vắt xanh, máu chảy loang ra”.

10 h đêm tại căn cứ Chùa Đán, Bộ chỉ huy mới làm xong kế hoạch tác chiến, có sự tham gia của các sỹ quan và nhân viên Con Nai. Sở chỉ huy đặt tại ngôi đình giữa trung tâm thị xã Thái Nguyên. Lúc 4h30 sáng 20-8, đồng chí Võ Nguyên Giáp, Đàm Quang Trung, Thomas, L.A Patty có mặt; 5h các mũi báo về chúng đã chấp nhận đầu hàng, còn lại trại Nhật, Giải phóng quân đang siết chặt vòng vây. Lúc này ở phía Nam tỉnh, lực lượng Giải phóng quân Phạm Hồng Thái; ở phía Đông các đội Cứu quốc quân đã cơ bản làm chủ, Nhật ở thế bị cô lập…

6h ta nổ súng vào trại Nhật, 8h chỉ huy Nhật kéo cờ trắng ra đón đại biểu Giải phóng quân, nhận Tối hậu thư. Tối hậu thư tiếng Việt do đồng chí Võ Nguyên Giáp ký; một tối hậu thư bằng tiếng Anh do Thomas ký.

Nhật ký của nhân viên trong Đại đội Việt - Mỹ còn mô tả : Giữa trưa, 2 chỉ huy Nhật đến sở chỉ huy xin thương thảo về điều kiện… Đồng chí Giáp hẹn 14h phải trở lại nếu không lực lượng giải phóng sẽ tấn công. Với bản chất ngoan cố, 14h Nhật không tới, 15h, đồng chí Đàm Quang Trung và Thomas huy động mọi hoả lực tấn công trại Nhật: 2 súng cối 60, 4 khẩu Bazooka, 8 trung liên Bren… buộc Nhật đầu hàng vô điều kiện. Cuối chiều, một cuộc mít tinh lớn được tổ chức, thay mặt Uỷ ban Khởi nghĩa toàn quốc, đồng chí Võ Nguyên Giáp tuyên bố phế bỏ chính quyền Nhật, Pháp, phong kiến, thành lập chính quyền Cách mạng tỉnh Thái Nguyên và giao đồng chí Lê Trung Đình làm Chủ tịch Uỷ ban .

Cùng với ngày 4-11-1831, tỉnh Thái Nguyên được thành lập, ngày 20-8-1945 là ngày trọng đại của tỉnh, chúng ta đều ghi nhớ.

                                                                                     ***

Ngày 23-8-1945, đồng chí Võ Nguyên Giáp về Hà Nội, chuẩn bị cho việc đón Chính phủ lâm thời. Ngày 22-8, Thomas và L.A Patty theo lệnh trên cũng về Hà Nội, trong đoàn phái bộ Mỹ, tiếp tục công việc của Đồng Minh và người bạn của cách mạng Việt Nam. Ngày 25-8, vừa về đến Hà Nội, được tin, Bác Hồ nhắc mọi người “đây là khách quý đặc biệt” và cho tổ chức lễ đón trọng thị tại khuôn viên khách sạn Metropol.

Theo nhà Sử học Dương Trung Quốc thì lần đầu tiên Bài Tiến quân ca - Quốc ca Việt Nam được cử hành trong nghi lễ ngoại giao này. Những tên tuổi lớn của ngoại giao thế giới đánh giá việc Bác Hồ mời phái đoàn Mỹ tới Hà Nội là việc làm lịch sử của một con người cháy bỏng với độc lập, tự do… Sự mở đầu tốt đẹp như vậy, nhưng quan hệ Việt – Mỹ đã bị những người cầm quyền cực đoan của Chính phủ Mỹ sau đó lái theo một ngã rẽ khốc liệt, bi thảm vì sau Chiến tranh thế giới thứ hai họ quay lưng lại với đồng minh của mình...

Năm 1990, sang dự kỷ niệm 100 năm sinh nhật Bác, đại úy Patty xưa kể lại: Sau buổi lễ đón tại vườn hoa Metropol, cụ Hồ mời chúng tôi dự cơm tại nhà 48 Hàng Ngang, trên gác hai ngôi nhà, chính Bác đã đọc cho chúng tôi nghe dự thảo Bản Tuyên ngôn Độc Lập. Chúng tôi vô cùng sửng sốt khi nghe trích dẫn Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ chúng tôi. Hỏi lại, Người bảo: “Đúng thế, vì chúng ta đều chiến đấu vì hạnh phúc của con người”. Chúng tôi thật sự xúc động khi nghe: “Một dân tộc đã gan góc chống lại xâm lược Pháp hơn 80 năm nay; Một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng Minh mấy năm nay, dân tộc ấy phải được hưởng tự do độc lập”...

Thời gian cứ dần trôi, những người thuộc Biệt đội Con Nai hay Đại đội Việt - Mỹ hầu hết đã đi xa. Nhắc nhớ một góc còn tương đối khuất của lịch sử âu cũng là điều nên làm, phải không ạ?!

(Hết)