Nhiều năm nay, những người tới chợ Chè, xã Phấn Mễ (Phú Lương), đều biết và có thiện cảm với một nhà hàng ăn sáng và giải khát mang tên Lương Vẻ đối diện với trung tâm Chợ. Ngoài đồ ăn ngon, giá hợp lý, khách còn được vợ chồng chủ quán đón tiếp niềm nở, phục vụ chu đáo. Người chồng da màu tên là Ninh Trọng Lương, với tình yêu khó lý giải với miền đất này, anh nhất quyết từ bỏ xứ sở nhiều người mơ ước để trở về Thái Nguyên sinh sống.
Tôi biết anh Ninh Trọng Lương từ năm 1987, khi đang công tác tại Mỏ than Phấn Mễ. Thời điểm đó, đời sống của cán bộ, công nhân còn khó khăn, hầu hết mọi người đều đi xe đạp thì anh Lương đã phóng chiếc xe máy của Liên Xô đi làm. Lúc đó anh và vợ đang là công nhân của Mỏ.
Biệt danh “Lương tây” của anh lần đầu tôi được nghe, khi anh là cầu thủ của đội bóng đá Phân xưởng Vận tải với các đường bóng lắt léo. Chiếc xe anh có là nhờ ông bố bên Pháp gửi tiền về cho con mua.
Ấn tượng với “Lương tây” nên tôi cất công tìm hiểu, và được biết bố anh Ninh Trọng Lương là ông Anicet. Ông Anicet sinh ra tại Martinique, mồ côi cha mẹ từ rất sớm và phải đi làm để mưu sinh. Tháng 7 năm 1949, Anicet 19 tuổi và gia nhập quân ngũ. Không lâu sau, Anicet cùng đơn vị bị đưa sang Việt Nam. Anicet hòa hợp rất nhanh và trong một thời gian ngắn đã nói khá sõi tiếng Việt. Ông được giao lái xe chở nước, xăng dầu cho các đơn vị của quân đội Pháp tại Hải Phòng, Quảng Ninh. Tình yêu của ông và cô gái bán hàng cho một cửa hiệu tên là Bùi Thị Đạm nảy nở. Hai người thành vợ chồng như một duyên phận. Một thời gian sau, vợ ông sinh hạ đứa con trai, đặt tên là Gio.
Được ông bác của vợ là cán bộ kháng chiến giác ngộ, Anicet đã hiểu về cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân Việt Nam và mang vũ khí ra hàng. Sau chiến thắng Điên Biên Phủ, ông cùng nhiều tù binh, hàng binh của quân đội Pháp về Mỏ than Phấn Mễ khai thác than phục vụ sản xuất của nhà máy điện Yên Phụ, Hà Nội.
Sau chiến tranh, ông không trở về Pháp mà ở lại Mỏ than Phấn Mễ làm công nhân. Vợ ông có thai lần thứ 3 và sinh đôi Lương và Liên trong trạm xá, nhưng bà không đủ sữa nuôi 2 đứa trẻ. Gần đó có vợ chồng người bạn đã sinh lần thứ 3 nhưng không được, đã xin Lương làm con nuôi. Năm 1965, anh em họ mạc bên Pháp liên hệ với hai chính phủ đón vợ chồng ông Anicet về nước với 5 người con, để lại Lương với bố mẹ nuôi.
Ông Anicet lúc mới về Pháp làm công nhân xây dựng, sau đó làm nhân viên Ủy ban địa phương Fort de France. Vợ ông làm vườn, rồi cuốn nem mang ra chợ bán. Thêm 3 người con nữa ra đời ở Martinique (một người con không may bị bệnh mất), vợ chồng ông Anicet có cả thảy 8 người con.
Trò chuyện với tôi xung quanh tờ báo Pháp dành một trang viết về gia đình và tài liệu nói về ông Anicet, anh Ninh Trọng Lương tâm sự: Sau khi trở về Pháp và có công việc ổn định, bố tôi tìm mọi cách liên lạc với gia đình đã nuôi tôi nhưng bất thành. Mãi năm 1975, ông mới liên lạc được với gia đình bên này thì tôi đã nhập ngũ và vào chiến trường.
Gia đình anh Ninh Trọng Lương trong một lần đoàn tụ tại Pháp.
Nói về mình, anh Lương hào hứng: Đầu năm 1975 tôi vào bộ đội, tăng cường cho quân khu 7, sau thuộc Tổng cục Kỹ thuật và quản lý Tổng kho 767. Năm 1981, tôi chuyển ngành về Mỏ than Phấn Mễ. Năm 1989, bố tôi làm thủ tục đón sang Pháp và sinh sống tại Martinique, một hòn đảo du lịch nổi tiếng nằm ở phía Đông vùng biển Caribbean, là một trong các vùng lãnh thổ hải ngoại thuộc Pháp. Mới đầu tôi làm đầu bếp cho nhà hàng của người anh cả, sau đó thấy người bạn của anh là người Việt mới nhập quốc tịch Pháp có tầu đánh cá, tôi xin đi theo. Nghề đánh cá không quá vất vả nhưng lênh đênh trên biển cả tháng trời nên khoảng 6 tháng anh tôi yêu cầu quay về làm việc tại nhà hàng. Năm 1991, tôi xin phép bố mẹ về Việt Nam sinh sống. Quyết định này của tôi bị cả gia đình phản ứng gay gắt, bởi bố tôi đang lo thủ tục bảo lãnh vợ con tôi sang Pháp. Đất của gia đình tại Pháp rất rộng, lại đã có sẵn nhà cho tôi. Anh chị em vì biết tôi nhiều năm vất vả nên sẵn sàng nhường hết.
Bố tôi nổi nóng: “Nếu mày về Việt Nam, tao coi như không có mày”. Tuy nhiên, Thái Nguyên là nơi tôi sinh ra, lớn lên và có nhiều kỷ niệm. Ngoài tình cảm của bà con xóm phố, còn các mối quan hệ bạn bè, đồng đội từng đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi suốt những năm tháng tôi trong quân ngũ đến lúc làm thợ mỏ. Bởi thế, tôi vẫn quyết định về Thái Nguyên, nơi ấm áp tình người, tình đời với riêng tôi.
Khi được hỏi về ông bà Anicet và anh em bên Pháp, anh Lương vui vẻ kể, khi anh về nước, bố mẹ, các anh chị em vẫn gọi điện hỏi thăm và muốn anh cùng vợ con sang Pháp đoàn tụ. Dần dần, mọi người trong gia đình cũng hiểu tình cảm của anh với nơi chôn nhau cắt rốn theo phong tục người Việt. Bố mẹ anh đã về Việt Nam 4 lần, trong đó có lần đưa các con gồm cả dâu rể sang cùng. Cách đây vài năm, bố anh lại làm thủ tục sang Việt Nam, không may chuyến đi ấy ông chưa kịp bay, đang nghỉ tại khách sạn thì ốm và qua đời. Anh Lương cũng sang Pháp 3 lần, trong đó có một lần cùng vợ. Lần gần nhất anh sang Pháp là năm 2016.
Chị Trần Thị Vẻ cùng chồng tiếp chuyện tôi, nhỏ nhẹ:
- Tết năm ngoái anh chị em bên đó định sang Việt Nam ăn Tết cổ truyền của người Việt, nhưng do dịch nên tôi hẹn để sang năm nay. Vừa rồi các anh chị lại bảo muốn sang ăn Tết với gia đình. Nhưng dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, tôi đành bảo không nên sang, còn nhiều dịp…
Nhìn nụ cười rạng rỡ, chứa chan hạnh phúc của anh chị, tôi hiểu vì sao vợ chồng họ có sự đồng cảm khi quyết định an cư, lạc nghiệp trên mảnh đất này.