Ngồi sau xe máy, tôi không dám mở mắt nhìn, bởi phía trước là con đường bằng hai bàn tay lượn lò xo, bên cạnh là sườn núi hun hút. Chỉ cần lỡ một góc cua bất ngờ thì… Nhưng Nghiệp vẫn điềm nhiên tăng ga leo dốc, vừa đi vừa hồn nhiên trò chuyện. Con đường 7km này mỗi ngày cô đi lại mươi lần. Cái xe máy kêu xòng xọc cõng thức ăn cho cây, đồ ăn cho người lên đổ vào vạt rừng tít tắp kia…
Xe dừng, chúng tôi tiếp tục leo bộ. Đầu gối thúc ngang mặt, hơi thở đứt quãng và tim đập dồn trong ngực. Nhưng bù lại, vùng quê xinh đẹp nằm bên chân núi Tam Đảo như tấm thảm xanh nõn trải dưới chân. Ngay trên đầu tôi là cánh rừng nguyên sinh thâm u ríu ran chim hót. Hoa chuối đỏ tươi cùng tiếng nước róc rách đâu đây. Đi thêm quãng nữa, chúng tôi lọt vào một vạt rừng gần như biệt lập. Những gốc chè vạm vỡ cản tôi khỏi lăn xuống chân núi. Tiếng chào hồ hởi khiến tôi biết mình đã đến đích.
“Vườn chè này thuộc xóm Suối Chùn, xã Hoàng Nông (Đại Từ), cạnh núi Quân Khu (nơi tập bắn của bộ đội thời chống Mỹ). Vườn khoảng 3.000m2 được nuôi dưỡng bởi nguồn nước đầu nguồn và vùng tiểu khí hậu trong trẻo có tuổi đời chừng 40 năm, chúng cháu thuê được 3 năm rồi. Đây là vạt chè khởi nghiệp gian nan nhất mà cũng vinh quang nhất của chúng cháu” - Hoàng Thị Nghiệp giới thiệu vắn tắt với tôi như vậy.
Năm 2018, câu chuyện Hoàng Thị Thúy Vân (sinh năm 1994) con ông Hoàng Văn Truyền và bà Nguyễn Thị Lan (xóm Làng Đảng, xã Hoàng Nông, Đại Từ) rời Hà Nội bỏ công việc lương 15 triệu đồng/tháng về nhà làm chè trở thành chủ đề bàn luận của không ít người. Xời, tưởng học đại học để “vào giày, ra dép”, “mưa không đến mặt, nắng không đến đầu” chứ lại về phơi nắng bốc phân thì học làm gì; ông bà Truyền Lan nuôi con phí công; đúng là dở người… Nhưng kệ miệng thiên hạ, Vân vẫn kiên quyết thuê đất làm chè, mặc bố mẹ “chiến tranh lạnh” và phản đối ra mặt.
Vân tâm sự: “Làm chè là nỗi khiếp đảm của chị em cháu trước đây. Sinh ra ở đất chè, lớn lên bởi cây chè, nhưng cây chè cũng “trói chân” không cho chúng cháu đi đây đó như chúng bạn, ngoài giờ học là hái chè, sao chè, ngủ gật bên chè. Rồi hình ảnh mẹ cháu ngày hái chè từ mờ sáng đến tối mịt, rang chè thâu đêm, mắt đau, da nhám đen khiến cháu kinh hãi. Chúng cháu bảo nhau: Cố học, học để thoát khỏi gốc chè. Nhưng sống ở Hà Nội gần 2 năm, hít thở không khí ngột ngạt và lần bị ngộ độc thức ăn tưởng chết khiến cháu nghĩ lại. Chả nhẽ cuộc đời cứ trôi đi vô nghĩa thế sao? Mình phải làm việc gì đó để “cứu” môi trường, “cứu” người nông dân như bố mẹ mình, con cháu mình ra khỏi sự bủa vây của hóa chất”?
Nhận được sự cổ vũ của chị gái Hoàng Thị Nghiệp (lúc này là giáo viên ở tỉnh Lai Châu), năm 2019 Vân thuê vườn chè trong hẻm núi. Cây chè khi đó đang được “ăn” phân hóa học và phun thuốc trừ sâu. Dù chè vẫn cho thu hái nhưng giá bán thấp nên chủ vườn không mặn mà.
Vân bắt tay vào chăm vườn chè theo cách mới. Cô để cỏ mọc tự do, rậm quá thì cắt rải xuống ấp gốc chè làm cho đất ẩm, tạo hệ sinh thái tự nhiên cho giun dế, sâu bọ về ở; cũng là thời gian cho đất và cây “xả” hơi hóa học bước vào cuộc sống khác. Một năm đầu, vườn chè bị “sốc” vì không được chăm bẵm như trước nên cằn khô, không ra búp. Kệ, Vân nghiền đỗ tương bón gốc cây; giã tỏi, ớt phun đuổi sâu chạy. Sau thời gian kiên trì dưỡng đất, cây chè dần bớt “đơ”, rễ cọc cần mẫn hút nước từ tầng núi đá, thêm trợ lực của phân đậu nành, đất xốp trở lại, búp bắt đầu bật lên. Sang năm thứ 2, vườn chè cho thu hoạch và bước vào năm thứ 3 này, Vân tự tin với sản phẩm trà sạch đưa ra thị trường, thành lập Hợp tác xã An Vân Trà.
Ngoài Vân là người khởi nghiệp, An Vân Trà còn có “trợ thủ” đắc lực và rất đặc biệt là Hoàng Thị Nghiệp. Đang là cô giáo thướt tha áo dài, ngày ngày tíu tít với học trò, Nghiệp được em gái thuyết phục bởi ý tưởng cải tạo môi trường, làm ra sản phẩm thiện lành, nên xin thôi việc, trở về chung sức với em.
Không chỉ có thế, Nghiệp còn “lôi” cả chồng (đang làm ở Nhà máy thép Việt Trung) và cậu em thân thiết từ tỉnh Lào Cai về Đại Từ làm chè. Khỏi phải nói bố mẹ của Nghiệp - Vân đã buồn thế nào khi còn gái, con rể “lũ lượt” về làm nông dân. Nhưng rồi những việc làm thực tâm của những đứa con như mưa dầm thấm đất. Sau một năm ông bà Truyền Lan chuyển giận thành thương, rồi “cho chúng nó đất làm xưởng”, và bây giờ thì đội nắng hái chè giúp con.
Đất không phụ công người, năm 2021, vườn chè bên rừng nguyên sinh cho 85kg chè búp khô. Đối với An Vân Trà, điều này khẳng định phương pháp canh tác đúng: Không thuốc kích thích, không phân hóa học chè vẫn lên khỏe, đẹp và sạch.
Nghiệp bảo: “Làm chè theo hướng thuận tự nhiên vừa nhàn vừa đầu tư ít, chỉ cần kiên trì cô ạ. Thiên nhiên là môi trường thích hợp nhất cho vạn vật, cớ sao mình làm trái quy luật, bắt sâu phải chết, bắt cây phải ăn thuốc kích thích, bắt đất làm việc không ngừng? Người cho đất nghỉ ngơi, ăn uống lành, đất sẽ dưỡng cây, cho người nguồn khí, nguồn nước trong trẻo. Như vườn chè này của chúng cháu, cây đã khỏe rồi, đất đã tốt rồi, không cần tưới, không cần phân búp vẫn lên tua tủa”.
Tự tin với sản phẩm sạch, An Vân Trà mang chè đi thử nghiệm và được cơ quan thẩm quyền cấp giấy chứng nhận hệ thống quản lý an toàn thực phẩm phù hợp tiêu chuẩn ISO 22000:2018. Có nghệ nhân trà là ông Nguyễn Việt Bắc nghe chuyện của An Vân Trà nhưng không tin, ông từ Hà Nội lên vườn chè bốc đất… nếm, lúc đó mới gật gù công nhận.
Thành công ở vườn chè trên núi cao, chị em Vân thuê tiếp mảnh vườn ở xóm La Kham để cải tạo. Dẫn tôi đi thăm vườn chè hơn 2.000m2 bên suối Diễu nước trong vắt, Nghiệp bảo: Vườn chè này trồng trên vùng đất đá “thối”. Khi về tay chúng cháu, “cậu bé” chè không được “uống sữa ăn bim bim”, cũng bị “sốc” một thời gian, nay đã dần hồi sức, lác đác cho ra búp. Nghiệp lấy que “thăm” đất và reo lên khi nhìn thấy những con giun đào hang dưới gốc chè. Đất có sạch, có tươi xốp thì giun mới về. Hệ sinh thái tự nhiên đang trở lại - Nghiệp giảng giải như nhà nông học thực thụ.
Từ vườn chè ban đầu bên cánh rừng Quân Khu, nay chị em Vân đã có 6 vườn chè (khoảng 3ha) chuyển đổi thành công trên địa hình rừng, đồi, cánh đồng rải rác các xóm La Kham, Làng Đảng, Đoàn Thắng trong xã Hoàng Nông. Sản lượng mỗi năm ước đạt 2 tấn chè hữu cơ.
Ngày chăm chè, tối cả nhóm chụm đầu đọc sách. Các cuốn: Đời sống bí ẩn của cây, Giao tiếp với thiên nhiên, Gieo trồng hạnh phúc… cả nhóm đọc đi đọc lại để yêu hơn cây cỏ, kính cẩn thiên nhiên chứa đầy bí ẩn. Cả nhóm còn theo học các khóa online để thi chứng chỉ cho đủ tiêu chuẩn đưa trà ra nước ngoài.
Có hàng tốt rồi, khâu tiếp thị quảng bá sản phẩm cho người dùng hiểu và quen với vị chát nhẹ, thơm nhẹ, ngọt nhẹ tự nhiên của trà hữu cơ… cũng không dễ dàng. Nhưng bằng “mắt thấy tai nghe”, nói và làm mộc mạc, thật thà, An Vân Trà đã có lượng bạn hàng quen hương nghiện vị.
Hiện An Vân Trà có các dòng trà: Đinh nõn, Tri ân, Sẻ chia, Đoàn viên tiêu thụ ở các cửa hàng hữu cơ và đơn hàng xuất khẩu tiểu ngạch. Sắp tới, “đứa con” mang tên Tuyết Tuyết ra đời sẽ là trà “đỉnh” của An Vân Trà.
Dù tự mở đường đi theo lối riêng nhưng An Vân Trà tự tin vào hành trình của mình, bởi các thành viên trong nhóm đoàn kết, chung chí hướng, tâm huyết và “trong máu đã có chè”. Nói như Hoàng Thị Nghiệp: Bao nhiêu xét nghiệm để chứng minh sản phẩm sạch cũng không bằng cái tâm của người sản xuất.
Rời vạt chè bên chân núi Tam Đảo mờ xanh, tôi nghĩ đến những người trở về quê hương làm nông nghiệp với tâm thế mới như Vân, như Nghiệp. Họ đã tự chủ từ khâu sản xuất đến khâu bán hàng. Họ là những “cánh chim én” báo hiệu một lớp nông dân mới đang thành hình ở nông thôn.