Ngồi trong ngôi nhà mát rượi tán cây và sắc hoa của anh Phạm Văn Bình, xóm Phả Lý, xã Văn Hán (Đồng Hỷ), câu chuyện về làm kinh tế ở nông thôn giữa chúng tôi như không muốn dứt…
Anh Bình sinh năm 1979, là con út trong gia đình có 10 người con. Bố anh quê ở Ninh Bình lên Văn Hán từ 80 năm trước, lấy mẹ anh là người ở đây, họ khai phá rừng hoang, gây dựng cơ ngơi. Khi các con ra ở riêng đều được bố mẹ cho đất làm vốn sống.
Anh Bình có gần 3ha đất. Như đa số người dân trong xóm, anh trồng cây keo, cấy lúa, trồng chè. Anh Bình thổ lộ: Chè vùng này chưa có thương hiệu nên giá bán trung bình chỉ hơn 200 nghìn đồng/1kg. Để bảo vệ môi trường, cây chè cần được chăm sóc theo hướng an toàn, bờ bãi liền kề, đầu tư khá cao. Đầu ra của chè khô khó khăn nên gần đây gia đình anh và hầu hết bà con trong vùng bán chè búp tươi cho nơi chế biến.
Vốn là người sinh ra và lớn lên với rừng, yêu cây cối và thiên nhiên, 10 năm trước, về thành phố chơi, thấy nhiều người mua bán cây cảnh dáng thế đẹp, anh Bình lóe lên ý tưởng “chuyển đổi” sang nghề cây và mua cây sanh đầu tiên mang về.
Anh lên mạng hỏi “ông gu gồ” cách chăm bón, tỉa cành, tạo thế. Dần dần, số cây mua về ngày càng nhiều. Anh đi tham quan, học hỏi các nhà vườn trong và ngoài tỉnh, nảy ra nhiều ý tưởng đồng thời có thêm bạn hàng. Đến nay, vườn nhà anh có khoảng 3.000 cây các loại như sanh, si, lựu hạnh, mộc hương, dẻ… Trong số đó, hơn 2.000 cây chè hoa vàng 3-4 tuổi anh tìm được trên rừng và mua thêm đã bắt đầu cho hoa, giá bán từ 1 đến 2 triệu đồng/cây.
Vừa kinh doanh vừa nghe ngóng thị trường, anh Bình rút ra được cách làm mới: Lấy cây ngắn ngày nuôi cây dài ngày. Từ 2 năm nay, anh Bình trồng cây hoa mua Thái. Với đặc tính chịu nắng, dễ sống, không sâu bệnh, hoa rực rỡ và ra quanh năm, mua Thái được nhiều người ưa chuộng làm cây trang trí sân vườn.
Đưa chúng tôi ra xem vườn hoa mua tím nổi bật giữa thung lũng chè xanh mỡn, anh Bình cho biết lứa đầu tiên chưa có kinh nghiệm, anh để hoa ra tự nhiên mà không cho “thoát thân” (cây lên cao mới để hoa) nên cây không đẹp. Sang năm nay, anh tỉa lá cho cây lên cao rồi mới tạo tán chu vi khoảng 1m, hợp với thị hiếu của khách.
Anh Phạm Văn Bình chăm sóc cây.
Chỉ cho tôi xem vườn hoa rực rỡ dưới nắng chiều, anh Bình tính toán: Tôi mua cây giống ở bên xã Khe Mo, giá 30 nghìn đồng/cây. Sau 1 năm thì bán được 600 nghìn đồng/cây. Nếu so với làm chè trên cùng một diện tích đất, tôi thu nhiều hơn khoảng 30%, chưa kể không phải sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, lại còn dư thời gian để tạo thế, chăm sóc các cây cảnh “dài ngày” khác. Đến mùa thu hoạch, tôi đăng hàng lên Zalo, Facebook, khách đặt và đến lấy cây, chuyển tiền vào tài khoản. Mọi giao dịch hầu hết qua mạng internet. Khi cây thành phẩm bán hết thì các cây tôi “trồng gối” bắt đầu ra hoa, nên khu vực này lúc nào cũng có thảm hoa rực rỡ.
Kề bên vườn hoa mua Thái là vườn hoa nhài Nhật của anh Phạm Ngọc Đức, anh trai của anh Bình. Nhìn từ xa, 400 cây hoa nhài như hàng triệu cánh bướm hai màu tím - trắng lay động. Khi đến gần, mùi thơm dịu ngọt mê đắm lan toả trong không gian.
Cũng như mua Thái, nhài Nhật dễ trồng, ít cần chăm bón, đầu tư thấp, thu vốn nhanh. Hai anh em vừa làm vừa rút kinh nghiệm, càng làm càng mở mang thêm. Theo dự kiến, họ sẽ tận dụng những chân đất hiếm nước để mở rộng diện tích trồng hoa ngắn ngày vào thời gian tới.
Nhưng chưa dừng lại ở đó, nắm bắt nhu cầu của nhiều khu sinh thái đang cần trồng cây sim tạo khung cảnh cho khách du lịch check-in, anh Bình và anh Đức đã đầu tư trồng 2.000 cây sim “ta” trên một quả đồi nhỏ. Khi chúng tôi đến, đồi sim bắt đầu cho ra nụ chi chít, báo hiệu một mùa hoa đẹp.
Theo anh Bình, khoảng cuối tháng 4 (Dương lịch), đồi hoa này sẽ thu hút nhiều bạn trẻ vào Văn Hán để chụp ảnh. Các anh không có ý định thu tiền như một số nhà vườn khác, mà một mặt để xóm làng thêm đẹp và chủ yếu để bán cây.
Là xã đạt chuẩn nông thôn mới từ 3 năm nay, Văn Hán không chỉ có cảnh quan xinh đẹp, có vùng trà thơm quả ngọt, mà còn có nhiều điểm di tích đặc biệt thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái. Đặc biệt, người nông dân ở đây đã có ý thức tôn vinh thiên nhiên, tạo thêm cảnh đẹp, thu hút người các nơi về chiêm ngưỡng.
Đơn cử ở xóm Phả Lý có gia đình chị Hương Mơ, hai vợ chồng tuổi 9x đã kỳ công tạo đồi chè hình vân tay, mục đích làm đẹp xóm làng và đón khách đến chơi. Vào thời điểm búp chè lên đẹp nhất hoặc được thu hái, Mơ lên Facebook báo tin cho các nghệ sĩ nhiếp ảnh hoặc bạn bè thích cảnh đẹp biết. Có ngày Mơ đón vài đoàn khách lên thăm đồi chè. Có lẽ vì thế, địa điểm nhà Mơ trở nên nổi tiếng và từ đó thúc đẩy công việc kinh doanh tổng hợp của Mơ phát triển hơn.
Điều đặc biệt là nhiều bạn trẻ ở Văn Hán luôn sẵn sàng dẫn đường, đưa khách đi và giới thiệu các điểm tham quan thú vị; đến các gia đình còn lưu giữ những nét văn hóa dân tộc độc đáo; sẵn sàng mặc trang phục dân tộc làm “mẫu” cho khách chụp ảnh quảng bá (miễn phí), để lại ấn tượng tốt cho khách đến nơi này.
Về Văn Hán, tôi nhận thấy đang có một lớp nông dân mới, họ ứng dụng công nghệ, linh hoạt, thông minh tìm ra hướng phát triển kinh tế phù hợp, cho thu nhập cao hơn, đồng thời bảo vệ thiên nhiên an toàn, tươi đẹp. Những gì tôi viết trong bài này là minh chứng cho điều đó.