Bước vào địa phận xóm Suối Bốc, xã Yên Ninh (Phú Lương), chúng tôi nghe văng vẳng những lời Then ngân nga cùng tiếng Tính tẩu dìu dặt theo gió, đưa người nghe đến với núi rừng Việt Bắc, nơi Bác Hồ đã từng sống và làm việc những năm kháng chiến: “Non xa xa nước xa xa/ Nào phải thênh thang mới gọi là/ Đây suối Lê Nin kìa núi Mác/ Hai tay gây dựng một sơn hà”…
Cô giáo Tày và lớp học miễn phí
Thanh âm ngọt ngào đầy mê hoặc chúng tôi ấy cất ra từ Nhà văn hoá xóm Suối Bốc, điểm sinh hoạt văn hóa của các thành viên nhí yêu thích hát Then, đàn Tính. Ở đó, cô Chu Hải Hậu đang say sưa “truyền lửa” cho gần 10 học trò trong xóm.
“Cô giáo của bản” - từ mà nhiều người dân xã Yên Ninh yêu mến dành tặng Chu Hải Hậu thời gian qua. Học trò của cô là những em bé người Dao đam mê văn hóa dân tộc. Điều đặc biệt, lớp học được diễn ra đều đặn và kinh phí chỉ tính bằng sự trả bài hoàn thiện trong mỗi câu hát Then, cùng nhịp đàn Tính của học sinh.
Nhìn học trò ríu rít tập đàn hát, ánh mắt Hậu lấp lánh niềm vui. Hình ảnh ấy nhắc nhớ về thời điểm Hậu học lớp 8, khi đó em được cử đi thi tiếng hát Chim Sơn Ca của huyện và giành giải Nhất với tiết mục hát dân ca.
Chuẩn bị cho cuộc thi cấp tỉnh, mẹ em nói: Nếu vẫn “đấu” hát dân ca thì chắc là con khó đoạt giải lắm, hay con thử sang hát Then, đàn Tính dân tộc Tày của mình đi. Vậy là Hậu cấp tốc học đàn Tính, hát Then qua đĩa DVD. Mẹ em là người làm ruộng nhưng yêu Then, bà đã tự viết lời để hai cô con gái của mình đàn, hát. Sau này, các bài hát mà chị em Hậu biểu diễn đều do mẹ sáng tác lời (chị gái Hậu đang công tác ở Trường Năng khiếu Nghệ thuật tỉnh Cao Bằng).
Càng luyện hát Then, đàn Tính, Hậu càng thấy mình đã “phải lòng” lời ca tiếng hát và nhạc cụ dân tộc mình. Năm đó, Hậu tự tin đi thi và giành giải Ba cấp tỉnh trong niềm tự hào của gia đình.
Niềm đam mê Then vẫn luôn cháy bỏng suốt quãng thời gian Hậu là sinh viên Trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật Việt Bắc và cả khi đã đi lấy chồng, nên cô gái Tày đã nhen nhóm ý tưởng đứng lớp dạy hát Then, đàn Tính miễn phí cho thiếu nhi ở xã. Đó như cách em vừa để nuôi dưỡng đam mê, vừa để nhân lên tình yêu Then trên vùng đất mình về làm dâu. Vậy là 5 năm qua, Hậu mở lớp dạy cho hàng trăm học trò nhỏ trong và ngoài xã.
Em Lý Thị Ngọc Trâm, 15 tuổi, xóm Suối Bốc, vừa ngừng câu hát Then, tay ôm đàn Tính, chia sẻ: “Em và các bạn đều rất thích học hát Then, đánh đàn Tính do cô Hậu giảng dạy. Qua những lời ca dìu dặt và tiếng đàn ngân nga, em thấy yêu quê hương bản làng hơn, trân trọng văn hóa dân tộc. Biết đàn hát, em đã tham gia vào Đội văn nghệ của Trường và biểu diễn những giai điệu đã được học”.
“Trâm rất có năng khiếu, em ấy biết đàn hát hai năm rồi chị ạ. Đây là học trò cưng của em”, quay sang tôi, Hậu khoe. “Hồi đầu dạy cho các em nhỏ, Hậu có gặp khó khăn gì không?” Tôi hỏi. “Có chứ chị” - Hậu cười trả lời: “Khi ấy, ngoài thông báo trên xóm, em đã đến từng nhà để trò chuyện mong các gia đình tạo điều kiện cho con theo học. Có nhà đồng ý ngay nhưng cũng có nhà nói mất việc, con họ nghỉ hè phải làm đỡ bố mẹ. Vậy là phải vận động, thuyết phục gia đình, nhất là với những em có năng khiếu, em dành nhiều thời gian chỉ dạy, cho các em mượn đàn về nhà tập luyện. Dịp hè, bất cứ khi nào các em muốn học, đến nhà cô sẽ được hướng dẫn tận tình”.
Chu Hải Hậu đang say sưa “truyền lửa” hát Then, đàn Tính cho học trò trong xóm.
Thời gian thấm thoát thoi đưa, chỉ sau vài năm, giờ ở xóm Suối Bốc đã có một đội văn nghệ nho nhỏ, khi xóm có “công to, việc lớn” gì, cô Hậu lại chỉ huy Đội văn nghệ biểu diễn nhiều tiết mục đàn hát mang đậm bản sắc dân tộc, được mọi người yêu thích.
Để ước mơ không riêng lẻ
Chu Hải Hậu sinh năm 1990, tại huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Năm 2014, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật Việt Bắc, cô gái Tày xinh đẹp có giọng hát hút hồn người nghe ấy về công tác tại Phòng Văn hoá huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Nên duyên chồng vợ với anh Triệu Kim Thăng ở xã Yên Ninh (Phú Lương) nên hai năm sau, Hậu theo chồng về Thái Nguyên.
Tại quê hương thứ hai của mình, Hậu đã gắn bó và tích cực tham gia các hoạt động xã hội, là Chi hội phó Chi hội Phụ nữ xóm, tham gia Ban Công tác Mặt trận xóm, Uỷ viên Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã…
Với những cống hiến của mình, năm 2017, Hậu được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Hậu cũng là hạt nhân tích cực được Phòng Văn hoá Thông tin huyện mời tham gia trong các hoạt động biểu diễn, bảo tồn và phát huy giá trị các làn điệu Then của dân tộc Tày trong và ngoài tỉnh. Hai cô con gái của Hậu sinh năm 2016, 2018, giờ bạn bé cũng biết xóc nhạc, bạn lớn đã biết đàn, hát. Các chương trình từ xã, huyện đến liên hoan văn hoá nghệ thuật của tỉnh, khu vực miền Bắc, 3 mẹ con đều “khăn gói quả mướp” lên đường tham gia.
Càng truyền dạy hát Then, đàn Tính, Chu Hải Hậu càng đam mê và mong ước, mỗi nóc nhà nơi cô đang ở có một người biết hát Then, đàn Tính. Hậu cũng muốn thành lập một câu lạc bộ văn nghệ nòng cốt ở địa phương để khi có các chương trình ngày lễ, câu lạc bộ sẽ lên biểu diễn, mang những lời ca, tiếng hát để phát huy bản sắc dân tộc Tày. Bởi, hát Then không chỉ là “đặc sản” của dân tộc Tày mà đã là di sản văn hoá phi vật thể của cả nhân loại.
Nói đến đây, ánh mắt Hậu chợt dõi xa xăm: “Để bảo tồn và phát triển nghệ thuật hát Then, đàn Tính, nếu một mình em, em vẫn sẽ làm nhưng sự đóng góp quả thực có giới hạn. Nếu được các các cấp ngành, chính quyền địa phương quan tâm cùng tổ chức thực hiện, em nghĩ sẽ mang lại hiệu quả tích cực. Giống như điệu nhảy Tắc xình đã được đưa vào các nhà trường trên địa bàn huyện để giảng dạy cho học sinh, em nghĩ việc nhân rộng mô hình dạy học sinh hát Then, đàn Tính sẽ rất ý nghĩa”.
Nghe tâm sự của Hậu, tôi chợt nhớ tới lời chia sẻ của đồng chí Lâm Văn Tùng, Bí thư Đảng uỷ xã Yên Ninh: Thời gian tới, cấp uỷ sẽ quan tâm hơn nữa để phát triển, nhân rộng mô hình câu lạc bộ văn nghệ xóm Suối Bốc, đồng thời tạo điều kiện để đồng chí Chu Hải Hậu có thể phát huy khả năng, sở trường của mình, đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển văn hoá, văn nghệ của địa phương.
Trò chuyện với Hậu, tôi ấn tượng trước cô gái nhanh nhẹn, cá tính và cực kỳ năng động. Nhìn cô gái nhỏ bé, giọng nói khoẻ khoắn, năng động, cháy hết mình với đam mê hát Then, đàn Tính ấy, khó ai hình dung ban ngày cô cũng đi làm nương rẫy, nuôi dạy hai con nhỏ và chăm sóc bố mẹ chồng thường xuyên đi viện (mẹ chồng Hậu tuần chạy thận 3 lần tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên).
Hy vọng rằng, trong hành trình truyền dạy, gìn giữ, bảo tồn nét văn hoá dân tộc Tày, những nỗ lực cống hiến của Hậu sẽ được quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn. Cũng mong, các cấp ngành có chính sách đãi ngộ hợp lý để khuyến khích những người tâm huyết như Chu Hải Hậu giúp em cống hiến nhiều hơn nữa…