Tôi tình cờ gặp Lít-pa-song (tên thường gọi là Lít), chàng trai của mảnh đất Thủ đô kháng chiến Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn, trong một chuyến đi trải nghiệm thực tế ở nước bạn Lào. Cảm nhận đầu tiên về Lít là sự thân thiện và gần gũi như một người bạn đã quen từ lâu lắm. Trò chuyện cùng Lít, tôi vô cùng bất ngờ khi biết anh đã từng học sau đại học tại Thái Nguyên (2016-2018). Với anh, những ngày ở Thái Nguyên đã để lại nhiều kỷ niệm không bao giờ phai mờ, nhất là tình cảm của mảnh đất và con người nơi đây.
Anh Lít-pa-song cùng các bạn dự Lễ nhận Bằng tốt nghiệp thạc sĩ. |
Miệt mài học tiếng Việt
Sinh ra trong gia đình có 6 anh em, gia cảnh còn nhiều gian khó nhưng được sự quan tâm, tạo điều kiện của bố mẹ, Lít đã nỗ lực học tập, tốt nghiệp đại học, trở thành giáo viên giảng dạy môn Vật lý tại trường THPT ngay tại quê hương Viêng Xay, nơi anh sinh ra và lớn lên. Anh chia sẻ: Viêng Xay là huyện miền núi nên đời sống của người dân quê tôi còn không ít khó khăn. Vì vậy, tôi luôn khát khao vươn lên và tôi hiểu, chỉ có tri thức mới làm con người ta thay đổi. Mong ước ấy đã thôi thúc tôi phải học lên cao để hoàn thiện bản thân cũng như mang kiến thực học được về phục vụ quê hương, đất nước.
Với suy nghĩ ấy, ở tuổi 30 (năm 2015), khi vừa mới kết hôn và sinh con chưa lâu, anh Lít đã tạm biệt cha mẹ, vợ con, người thân, quê hương để sang Việt Nam học tập. Với mong muốn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, anh quyết tâm đi học thạc sĩ, chuyên ngành Vật lý tại Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên).
Anh Lít cho hay: Để có thể theo học chuyên ngành tại Trường, những học viên nước ngoài như tôi phải học tiếng Việt Nam. Bắt đầu học tiếng Việt từ năm 2015 tại Trường Hữu nghị 80, Sơn Tây (Hà Nội), tôi gặp rất nhiều khó khăn khi phải tìm hiểu về ngữ pháp tiếng Việt. Là ngôn ngữ phong phú cả trong cách hành văn và phát âm nên tôi khá chật vật khi phải phân biệt các từ đồng âm, khác nghĩa trong tiếng Việt; phát âm những từ có dấu ngã... Các học viên người Lào chúng tôi thường thắc mắc, cùng là từ “đường”, nhưng khi hỏi đường, thì nghĩa của nó là đường đi, khi dùng chế biến thì nó lại là một loại thực phẩm…
Dù tiếp cận với một ngôn ngữ hoàn toàn mới nhưng bằng sự miệt mài và nỗ lực, năm 2016, anh Lít đã hoàn thành khóa học tiếng Việt và chuyển sang học thạc sĩ chuyên ngành Vật lý tại Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên. Từ đây, anh đã có những trải nghiệm đầy thú vị tại mảnh đất chiến khu xưa của đất nước hình chữ S.
Anh Lít nói: Từ Thủ đô kháng chiến của Lào về theo học tại Thủ đô kháng chiến của đất nước Việt Nam, tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Chính sự đồng điệu này khiến tôi càng thêm hứng khởi, cảm giác như được sống, học tập tại chính quê hương mình…
Nhớ mãi đất và người Thái Nguyên
Rời Trường Hữu nghị 80, anh Lít “khăn gói quả mướp” lên Thái Nguyên theo học chương trình đạo tạo thạc sĩ. Vật lý là môn chuyên ngành khá thú vị nhưng cũng có nhiều hóc búa. Trong khi đó, anh Lít lại phải học bằng tiếng Việt nên việc tiếp nhận kiến thức không thể tránh khỏi những vướng mắc.
Phóng viên Báo Thái Nguyên phỏng vấn anh Lít-pa-song ngay tại Thủ đô kháng chiến Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn, Lào. |
Anh Lít chia sẻ: Chúng tôi phải làm quen với những từ chuyên ngành bằng tiếng Việt. Vì vậy, các học viên người nước ngoài như tôi phải học tập chăm chỉ hơn các bạn trong lớp rất nhiều. Ngoài thời gian học tập trên lớp, tôi tự học tại ký túc xá, tìm hiểu thêm tài liệu qua mạng Internet, kênh Youtube. Có những phần kiến thức chưa hiểu, tôi thường nhờ các bạn người Việt Nam trong lớp giải thích cặn kẽ hơn. Đặc biệt là sự hướng dẫn của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải, thầy giáo Cao Tiến Khoa, cô giáo Vũ Thị Hồng Hạnh… đã giúp chúng tôi tiến bộ từng ngày.
Để hiểu hơn về văn hóa và con người Thái Nguyên cũng như trau dồi thêm tiếng Việt, ngoài giờ học, anh Lít còn dành không ít thời gian để tiếp xúc và làm quen với người dân bản địa. Anh cho hay: Quá trình trò chuyện cùng mọi người đã giúp cho vốn từ vựng tiếng Việt của tôi ngày càng phong phú hơn.
Theo anh Lít, cũng nhờ có thời gian sinh sống, học tập tại Thái Nguyên mà anh và các bạn đồng hương được thưởng thức hương trà Tân Cương. Với anh, đây là loại thức uống rất đặc biệt với hương thơm dịu nhẹ, khi uống có vị chát ở đầu lưỡi nhưng lại ngọt ở cuống họng. Anh bảo: Tôi thường nói vui với các bạn của mình rằng sẽ là thiếu sót nếu đến Thái Nguyên mà không thưởng thức trà Tân Cương nức tiếng được đặt vào hàng “đệ nhất danh trà” của Việt Nam.
Ngoài những buổi học trên lớp và tự học ở ký túc xá, anh Lít cùng các bạn cũng dành chút thời gian khám phá mảnh đất Thái Nguyên. Anh chia sẻ: Tôi rất thích nhịp sống của mảnh đất Thái Nguyên. Thỉnh thoảng chúng tôi cũng dạo một vòng trung tâm TP. Thái Nguyên để được hòa mình trong nhịp sống sôi động của người dân nơi đây. Thích nhất là khi chúng tôi có thể dễ dàng tham quan Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam ở ngay giữa lòng thành phố (cách ký túc xá chừng 2km). Tôi nhận thấy, dù không sầm uất như Thủ đô Hà Nội nhưng TP. Thái Nguyên có cơ sở hạ tầng tốt, giao thông đi lại thuận tiện; đời sống người dân khá giả; mọi người sống khá thân thiện...
Ngay sau khi tốt nghiệp và nhận Bằng thạc sĩ ngành Vật lý, trở về nước, anh Lít đã được điều chuyển về làm chuyên viên Phòng Giáo dục và Thể thao huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn. Giờ đây, dù đã xa Thái Nguyên 5 năm, nhưng anh vẫn nhớ những góc phố quen thuộc ngay gần ký túc xá của Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên; nhớ rõ từng khuôn mặt của các thành viên trong lớp. Thậm chí, tình cảm của các anh, chị chủ quán ăn, chủ quán ngô nướng, khoai nướng… dành cho các học viên người Lào cũng khiến anh nhớ mãi. Anh luôn mong sớm có dịp trở lại Thái Nguyên để thăm thầy cô, bè bạn và được trải nghiệm thêm những địa điểm du lịch hấp dẫn ở vùng đất chiến khu xưa…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin