Tiếng khèn trên vai núi

15:22, 23/04/2007

Bản người Mông Lân Vai nằm giữa lòng những ngọn núi lấp xấp thuộc xã Dân Tiến, huyện Võ Nhai. Đứng giữa bản thấy từng triền dốc cỏ cây thưa thớt, hậu quả của những năm tháng phá rừng. Ở đây, nắng và gió là những thứ hào phóng nhất...

Bấm đốt ngón tay, trưởng bản Hoàng Văn Khình vẻ suy tư lắm: Hầy… mới đó đã 10 năm rồi, thời gian để đứa trẻ được sinh ra đủ sức tập tành mang cái gùi đi nương giúp cha mẹ, và đủ khôn để làm quen với cái khèn hay điệu kèn lá.

Trong Lân Vai, những ngôi nhà tập trung thành từng chòm. Mía, ngô và đậu tương là cây kinh tế chủ lực nuôi sống hơn 300 cư dân thuộc 40 nóc nhà ở đây. Lên bản, nếu đi con đường gần sau UBND xã, ngược “cái”dốc đá thúc gối tới ngực mất nửa giờ, mồ hôi túa ướt lưng áo, qua khe đá lổn nhổn người ta quen gọi là cổng trời thì đến đầu bản, gặp ngay nhà Dương Thị Sầu, người phụ nữ năng động, nhiệt tình cùng chị em với công tác xoá nạn mù chữ, xoá đói giảm nghèo và khá quyết liệt trong việc vận động chị em thực hiện công tác dân số, kế hoạch hoá gia đình. Còn lên bản qua đường cây Nhội, dốc không tức, song anh ách mệt đôi chân. Năm 2000, đoạn đường này được mở rộng, xe máy loại Minsk có thể vào tận bản. Tất nhiên phải người bạo gan mới dám bập số 1, vít ga lựa dốc mới lên được-trong số ấy có Hoàng Phùng. Và một chút sơ suất, đá làm bánh xe máy văng ngang- Hoàng Phùng bị gẫy chân.

Những năm tháng mới về dựng nhà lập bản, dù cuộc sống kinh tế gia đình khó khăn, Hoàng Phùng mạnh dạn mang khèn xuống núi, tham dự thi liên hoan văn nghệ quần chúng toàn tỉnh. Phùng bảo: Đi 2 lần rồi, người xem thích nghe tiếng khèn của người Mông mình lắm... Tôi không hiểu lời khèn nói gì, nhưng giai điệu, âm thanh trầm hùng, đã chót nghe thì mê luôn. Lúc vút cao hào tráng, khi lắng đọng tâm tư như cuộc đời lam lũ của người bản Mông Lân Vai.

Hoàng Khình kéo tôi về ký ức: Người Mông mình như con chim đuổi theo từng cánh rừng tìm quả chín. Con trai lớn dậy bao giờ cũng có con dao đeo bên sườn, để bắt thú và hạ cây lấy đất bỏ hạt ngô, hạt bí. Lúc hạt ngô nhỏ hơn chuôi dao lại bỏ đất, dọn một vạt rừng khác làm nương… Lời Hoàng Khình tắc nghẹn như bị từng ngọn núi trắng, núi xanh trao nghiêng đè lên suy tư của ông. Tôi hiểu, ông Khình cũng như tất cả bà con trong bản đều phải trải đời qua những năm tháng gian nan, từ vùng đất xa lắc của tỉnh Cao Bằng di cư về tỉnh Tuyên Quang lập nghiệp, vậy mà mỗi đêm khi nằm xuống chiếc giường chật hẹp, ai nấy như có kiến lửa đốt vào lưng-vậy là bán tháo tài sản trong nhà, đi-chỉ có chút tiền nhỏ đến mua lại thẻo đất trên vai núi này sinh cơ. Ông Hầu Văn Páo không giấu giếm: Ngoài chút hạt giống ngô, bí đỏ và dưa leo, chiếc cối đá và mấy chiếc nồi được coi là vật dụng không thể thiếu. Đói lắm, hằng ngày cánh đàn bà vào núi đào củ rừng, lấy cây thuốc bán; đàn ông dọn bãi tra hạt bắp. Đêm xuống, ánh đèn pin lấp loáng trên sườn núi đá tìm bắt con tắc kè bán cho người ta ngâm rượu thuốc…

Đói triền miên và sinh đẻ theo bản năng. Ai cũng muốn lắm con, đông cháu, nhưng phần lớn số trẻ em không được ăn ngon và thiếu điều kiện cắp sách tới trường học chữ. Điển hình trong bản có gia đình ông Hầu Văn Páo, 9 khẩu; Đào Văn Dinh, 10 khẩu; Lý Văn Dê, 11 khẩu và v.v… Cho dù mấy năm nay, công tác dân số, kế hoạch hoá gia đình của bản đã có nhiều tiến bộ, song đem chia bình quân thì mỗi hộ có tới hơn 7 khẩu… Nhớ ngày mới về, nheo nhóc, có thời điểm cái ăn hằng ngày chỉ biết trông vào lỗ củ mài trên núi. Vậy mà cán bộ Nhà nước không ngại cái đường loắc ngoắc dốc về với bà con dân bản, giúp dân ổn định cuộc sống bằng cách hỗ trợ tiền làm nhà, hướng dẫn đồng bào cách trồng, chăm sóc cây ngô trên đất dốc, làm lớp học cho trẻ nhỏ có chữ…

Ông Lý Sàng Tu, Chi hội trưởng nông dân, phụ trách an ninh của bản cho biết: Thông qua các lớp tập huấn chuyển giao KHKT sản xuất, trình độ thâm canh của người trong bản được nâng cao, cây ngô, đậu tương và cây mía đã thành hàng hoá. Đời sống của mọi người được cải thiện, bản không có hộ đói đứt bữa. Song khó khăn chưa hết, 10 hộ của bản ở nhà tạm đang được chính quyền địa phương có kế hoạch giúp làm mới, ổn định nơi ở. Bản người Mông mình đổi mới nhiều rồi, năm 2003, Nhà nước cho đường điện, mới đây, con đường lên bản qua dốc cây Nhội được mở rộng, nâng cấp, xe máy loại thấp gầm cũng lên được mà không sợ bị ngã như Hoàng Phùng năm nọ.

Hôm nay, bản người Mông Lân Vai, nồi cơm gạo trắng đã thay trõ mèn mèn; trẻ em hết cảnh quần túm, áo vá; ti vi đã có trong nhà của hơn 30% số hộ, xe máy được dùng thay đôi chân lên xuống núi; một phân trường được xây dựng khang trang, trẻ em ngồi học chữ không sợ cái lạnh “cắn” vào tay, cô giáo không lo cơn mưa ập tới ướt trang giáo án… Bà Lý Thị Minh Khai, Phó Chi hội phụ nữ của bản tâm sự: Có được sự đổi mới như hôm nay, người bản Mông mình biết ơn Đảng nhiều lắm. Không ai muốn bỏ bản đi đâu nữa, giờ chỉ muốn Nhà nước cho thêm vốn trồng cây trên núi quanh bản thôi… Khi ấy, Bí thư chi đoàn Lý Văn Thụ hưởng ứng: Có vốn hỗ trợ, đoàn viên thanh niên mình xin được đi đầu phong trào trồng rừng. Vì trên núi có cây, ngô, mía ở bãi dưới mới tốt, nguồn nước chắt ra từ khe núi mới đủ cho mọi người cùng dùng.

…Giai điệu khèn chợt cất lên giữa ấm nắng, tôi lắng nghe thứ âm thanh trầm hùng mà tha thiết mời gọi trên vai núi đầy hào phóng của gió và nắng, thấy ngay bãi đất bằng, chàng trai Lý Văn Sang, tiểu đội trưởng dân quân tự vệ đang quay tròn cùng cây khèn. Cạnh đó, các thiếu nữ người Mông sặc sỡ trong váy áo làm duyên.